image banner
Những mô hình 'vì dân' đem yêu thương đến cộng đồng
Lượt xem: 80
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: 'Lương y như từ mẫu', các y bác sĩ huyện Tân Kỳ (Nghệ An) đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình chăm sóc sức khỏe. Với tinh thần cống hiến, những mô hình này không chỉ nâng cao sức khỏe cộng đồng mà còn thắp lên hy vọng, niềm tin vào cuộc sống cho người dân vùng núi khó khăn.

Mô hình ngày thứ 7 vì dân

Mỗi sáng thứ 7 hàng tuần, người dân xã Nghĩa Đồng, huyện miền núi Tân Kỳ (Nghệ An) lại quen với hình ảnh những chiếc áo blouse trắng cùng túi y tế đến từng nhà thăm khám và cấp thuốc. Ban đầu, bà con còn lạ lẫm, vì thường nhân viên y tế chỉ làm việc trong giờ hành chính và nghỉ cuối tuần. Nhưng sự xuất hiện đều đặn ấy dần trở thành niềm tin yêu, khi Trạm Y tế Nghĩa Đồng triển khai mô hình 'Ngày thứ 7 vì dân' đầy ý nghĩa.

Anh-tin-bai
Bác sĩ Nguyễn Hữu Thành – Trạm trưởng trạm Y tế Nghĩa Đồng đang khám bệnh cho người dân tại nhà.

Ông Nguyễn Quang Trung và bà Nguyễn Thị Tứ, đều ngoài 80 tuổi, gặp khó khăn trong việc đi lại và sinh hoạt hằng ngày, khiến việc khám chữa bệnh càng trở nên bất tiện. Với nhiều bệnh nền, mỗi lần đến cơ sở y tế đều là một hành trình vất vả đối với cả gia đình. Tuy nhiên, từ khi các nhân viên y tế đến tận nhà thăm khám, những khó khăn này đã được giải quyết. Đặc biệt, khi được chính Trưởng trạm Y tế xã Nghĩa Đồng, bác sĩ Nguyễn Hữu Thành, trực tiếp thăm khám, ông bà không chỉ an tâm hơn mà sức khỏe cũng có những cải thiện đáng kể.

Để triển khai mô hình này, bác sĩ Thành đã trăn trở rất nhiều. Mặc dù người dân xã Nghĩa Đồng và huyện Tân Kỳ đã có cơ hội tiếp cận với nhiều dịch vụ y tế hiện đại và chăm sóc sức khỏe ban đầu, nhưng vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là người già yếu và neo đơn, không có điều kiện để được chăm sóc y tế đầy đủ. Sau một thời gian tìm hiểu được biết, các địa phương vẫn duy trì làm việc vào ngày thứ 7 để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, bác sĩ Thành đã nảy ra ý tưởng biến mô hình này thành 'Ngày thứ 7 vì dân' tại trạm y tế. Đây cũng là mô hình 'vì dân' đầu tiên được triển khai tại cơ sở y tế của huyện Tân Kỳ.

Dù nhà ở cách trạm y tế 30 km và con đường vào trạm khá gian nan, đặc biệt vào những ngày mưa bão, bác sĩ Thành không hề nản lòng. Mặc dù đã làm việc suốt tuần, đôi khi anh muốn dành thời gian ở bên gia đình, nhưng khi nghĩ đến những hoàn cảnh khó khăn đang cần sự chăm sóc, bác sĩ Thành và đội ngũ y tế vẫn kiên trì lên đường, không quản ngại khó khăn.

Bất kể ngày nắng hay mưa bão, các y bác sĩ Trạm Y tế xã Nghĩa Đồng vẫn kiên định đến từng ngôi nhà, từng ngõ nhỏ. Có những lần họ phải đi bộ qua những quãng đường dài, đèo dốc hiểm trở để đến thăm các gia đình ở các bản làng xa xôi, nhưng chưa bao giờ họ từ bỏ, luôn tận tâm với công việc của mình
Ông Trần Như (SN 1940), cựu chiến binh bị ảnh hưởng chất độc da cam và bị tai biến cách đây 3 tháng, sống trong hoàn cảnh khó khăn cùng vợ chồng con gái đầy bệnh tật. Biết được hoàn cảnh, các y bác sĩ trạm y tế luôn quan tâm, thăm hỏi và chăm sóc sức khỏe ông. Ông Như xúc động chia sẻ: 'Hôm nay, anh em ở trạm lại đến thăm khám cho tôi, tôi rất vui, lại còn được cấp thuốc chữa bệnh nữa. Chân thành cảm ơn các y bác sĩ Trạm Y tế Nghĩa Đồng rất nhiều'.

Để thực hiện và duy trì mô hình này một cách hiệu quả, các y bác sĩ, nhân viên y tế tại trạm đã tự nguyện trích một phần lương hàng tháng, từ ít đến nhiều tùy theo khả năng, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp địa phương để có thêm kinh phí mua thuốc và dụng cụ y tế cho người dân. Nhờ sự đóng góp này, trong suốt 2 năm qua, gần 300 người dân đã được khám, tư vấn và phát thuốc miễn phí tại nhà thông qua mô hình 'Ngày thứ 7 vì dân'.

Ông Phan Đăng Thi, Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Nghĩa Đồng, chia sẻ: "Chúng tôi đánh giá rất cao mô hình này. Mỗi gia đình nghèo, từng cụ già neo đơn hay những bệnh nhân không thể tự đi lại đều nhận được sự chăm sóc tận tâm. Mô hình không chỉ dừng ở việc khám bệnh và phát thuốc, mà các y bác sĩ còn là người trò chuyện, động viên, mang đến sự ấm áp và tình yêu thương cho những con người yếu thế trong xã hội. Những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính được khám miễn phí, người dân nghèo nhận thuốc mà không phải chi trả bất kỳ khoản nào, tất cả đều cảm nhận được sự quan tâm chân thành từ những tấm lòng nhân ái".

Mô hình 'Khám sàng lọc bệnh tăng huyết áp, test tiểu đường miễn phí'

Không chỉ dừng lại ở xã Nghĩa Đồng, tại xã Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ), một mô hình 'vì dân' nhân văn khác tiếp tục được triển khai, góp phần viết nên những câu chuyện đẹp về lòng nhân ái của người Thầy thuốc – đó chính là mô hình "Khám sàng lọc bệnh tăng huyết áp, test tiểu đường miễn phí".

Xuất phát từ thực tế nhiều người dân, đặc biệt là người cao tuổi và đồng bào dân tộc thiểu số chưa nhận thức đầy đủ về nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tăng huyết áp, đồng thời không đủ điều kiện để khám sức khỏe định kỳ, các cán bộ y tế Trạm Y tế Nghĩa Hoàn đã đưa ra sáng kiến triển khai mô hình này trong suốt 2 năm qua.

Một buổi sáng mùa thu, khuôn viên Trạm Y tế xã Nghĩa Hoàn rộn ràng tiếng nói cười. Những chiếc bàn xét nghiệm được chuẩn bị sẵn sàng, từng người dân lần lượt xếp hàng chờ đến lượt mình. Với nhiều người, đây là lần đầu tiên họ tiếp cận với xét nghiệm sàng lọc này. Có người còn bỡ ngỡ, ngạc nhiên trước quy trình, nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình của các y bác sĩ, mọi lo lắng nhanh chóng tan biến. Ai nấy đều cảm nhận được sự quan tâm, chia sẻ và trách nhiệm mà đội ngũ y tế dành cho cộng đồng.

Để duy trì mô hình này, mặc dù không có nguồn kinh phí riêng, các cán bộ y tế của trạm đã tự nguyện trích một phần lương của mình để mua dụng cụ xét nghiệm. Những chiếc test đường huyết nhỏ bé nhưng chứa đựng tình yêu thương và trách nhiệm lớn lao. Người dân không chỉ được xét nghiệm miễn phí mà còn được tư vấn về chế độ ăn uống và sinh hoạt để phòng ngừa bệnh tiểu đường từ sớm.

Anh-tin-bai
Nhân viên Trạm y tế xã Nghĩa Hoàn đang test tiểu đường miễn phí cho người dân.

Trong 2 năm qua, cán bộ Trạm Y tế Nghĩa Hoàn đã khám, xét nghiệm cho 225 người cao tuổi, trong đó phát hiện nhiều cụ mắc đái tháo đường, tiền đái tháo đường và tăng huyết áp.

Đặc biệt, đối với những người già yếu, bệnh tật hoặc các gia đình chính sách, đội ngũ y tế không chờ họ đến trạm mà chủ động mang dụng cụ đến tận nhà để xét nghiệm, tư vấn và khám chữa bệnh. Những hành động âm thầm, không phô trương, nhưng đầy ý nghĩa, đã chạm đến trái tim mọi người, thể hiện sâu sắc sự quan tâm và lòng tận tụy của những người làm nghề y.

Lan tỏa những mô hình 'vì dân'

Từ một vài mô hình 'vì dân' tại trạm y tế xã, phong trào "Những chiếc áo blouse làm theo lời Bác" đã lan tỏa tới 17 khoa phòng của Trung tâm Y tế huyện và 22 Trạm Y tế xã, thị trấn của huyện Tân Kỳ. Mỗi đơn vị đều lựa chọn cách làm phù hợp nhất để phục vụ bệnh nhân hiệu quả.

Ngoài ra, còn có những mô hình thiết thực khác như "Con heo đất" quyên góp tiền tặng quà cho gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn, mô hình "Bát cháo tình thương", "Suất cơm 0 đồng", và những hoạt động kết hợp với đoàn thể, người dân xây dựng cơ sở y tế xanh, sạch, đẹp. Những mô hình này thể hiện tinh thần sẻ chia và trách nhiệm của cán bộ y tế và cộng đồng trong công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân.

BSCKI Nguyễn Viết Xuân – Chủ tịch Công đoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Tân Kỳ, chia sẻ: "Trong 2 năm qua, lãnh đạo và cấp ủy Trung tâm Y tế Tân Kỳ đã tập trung chỉ đạo các khoa, phòng phát huy nhiều mô hình mới gắn liền với công tác an sinh xã hội, xây dựng cơ sở y tế xanh, sạch, đẹp, phát triển chuyên môn kỹ thuật và các dịch vụ y tế. Đồng thời, chúng tôi tiếp tục thực hiện các phong trào tương thân, tương ái, giúp đỡ người nghèo. Các hoạt động tiết kiệm, tặng quà cho gia đình chính sách, gia đình khó khăn và học sinh nghèo vượt khó được duy trì thường xuyên. Nhiều đơn vị đã triển khai hiệu quả các mô hình tiêu biểu như Trạm Y tế Nghĩa Đồng, Nghĩa Hoàn, Kỳ Tân, và phòng điều dưỡng.

Việc tổ chức học tập nghiêm túc các chuyên đề hàng năm đã giúp nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và đội ngũ y bác sĩ, giúp họ hiểu rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc học tập và làm theo Bác. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để cán bộ, đảng viên rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đổi mới phong cách làm việc, trở thành những người cán bộ gương mẫu, luôn gần gũi, tôn trọng nhân dân và đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu".

Anh-tin-bai
Chương trình "Bát cháo nghĩa tình" được Trung tâm y tế Tân Kỳ triển khai và duy trì nhiều năm nay.

Với phương châm coi mỗi bệnh nhân như một người thân, đội ngũ y tế huyện Tân Kỳ không chỉ mang đến sức khỏe mà còn gieo mầm niềm tin và hy vọng cho từng người dân, dù họ sống ở những bản làng xa xôi hay trong những phòng bệnh giản đơn.

Những mô hình "vì dân" giàu tính nhân văn ấy là minh chứng rõ nét cho tinh thần cống hiến không ngừng nghỉ. Những bước chân âm thầm của đội ngũ y tế vẫn luôn vang vọng, như nhịp đập bền bỉ của trái tim cộng đồng, tiếp tục thắp lên ngọn lửa yêu thương và trách nhiệm. Họ không ngừng xây dựng niềm tin, lan tỏa hy vọng, chung tay kiến tạo một xã hội khỏe mạnh, đầy nhân ái và chan hòa tình người.
 

Thu Hiền (theo báo SK&ĐS)

THÔNG BÁO
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ NGHỆ AN
Chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Y tế Nghệ An
Địa chỉ: Số 18 - Đường Trường Thi - Tp.Vinh - Nghệ An
Điện thoại: (0238) 3844 791 - Fax: 038 3 844 791 - Email:yt@nghean.gov.vn
Đường dây nóng: 0966.64.14.14