13/01/2025
Xét nghiệm máu có cần nhịn ăn?
Lượt xem: 109
Việc nhịn ăn khi xét nghiệm máu hay xét nghiệm nước tiểu sẽ do bác sĩ chỉ định và tuỳ thuộc vào mục đích xét nghiệm.
Xét nghiệm máu nói riêng và xét nghiệm tổng quát nói chung có phải nhịn ăn hay không sẽ phụ thuộc vào chỉ định của bác sĩ.
Xét nghiệm máu nào cần nhịn ăn?
Không phải tất cả các xét nghiệm máu đều yêu cầu người bệnh nhịn ăn. Tuy nhiên phần lớn các xét nghiệm máu trước khi thực hiện đều cần nhịn ăn. Bởi việc nhịn ăn có ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả do các loại vitamin, khoáng chất, protein… đều có trong các loại thực phẩm mà bạn nạp vào cơ thể.
Thông thường, việc lấy máu sẽ được thực hiện vào buổi sáng và bạn sẽ được bác sĩ thông báo không ăn hoặc uống bất kỳ thứ gì ngoài nước để lấy máu xét nghiệm. Một số xét nghiệm máu yêu cầu nhịn ăn bao gồm:
Xét nghiệm sắt
Xét nghiệm đường huyết lúc đói
Xét nghiệm mỡ máu
Xét nghiệm đánh giá chức năng thận…
Cũng có một số xét nghiệm máu không yêu cầu nhịn ăn như: xét nghiệm viêm gan B, xét nghiệm tìm giun sán, xét nghiệm HIV, xét nghiệm NIPT…
Ngoài việc nhịn ăn, trước khi lấy máu bạn cần lưu ý nghỉ ngơi và không làm việc quá sức, không để cơ thể có cảm xúc quá mạnh, không dùng chất kích thích trong vòng 24 giờ… Tốt nhất trước khi đến kiểm tra, làm xét nghiệm bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo thực hiện đúng quy tắc, tránh mất thời gian. Bởi có một số xét nghiệm sẽ yêu cầu không ăn uống trong vòng 8 giờ, có xét nghiệm yêu cầu nhịn ăn lên đến 12 giờ.
Bao lâu nên xét nghiệm tổng quát?
Xét nghiệm máu là một phần thường có trong xét nghiệm tổng quát nằm trong gói thăm khám sức khỏe định kỳ giúp bạn phát hiện ra một số bệnh lý như đái tháo đường, bệnh lý chuyển hóa, đánh giá hoạt động của gan, thận… Bên cạnh xét nghiệm máu bạn có thể được yêu cầu phân tích nước tiểu. Thông qua xét nghiệm tổng quát bạn có thể hiểu rõ hơn về sức khỏe bản thân. Dựa vào tư vấn của bác sĩ, bạn có thể thực hiện xét nghiệm tổng quát từ 6 tháng – 1 năm/lần.
Tùy vào các yếu tố khác nhau như: tuổi tác, môi trường làm việc, tiền sử gia đình, bệnh lý nền mắc phải… mà tần suất khám tổng quát hay xét nghiệm ở mỗi người là khác nhau. Khi bạn thực hiện xét nghiệm tổng quát sẽ bao gồm một số xét nghiệm sau:
Xét nghiệm công thức máu để phân tích, đánh giá các thành phần của máu từ đó giúp phát hiện ra các vấn đề như: thiếu máu, nhiễm trùng máu, một số bệnh lý khác.
Xét nghiệm sinh hóa máu với mục đích phát hiện ra các nguy cơ mắc đái tháo đường, tim mạch, rối loạn chuyển hóa, hoạt động của gan, hoạt động của thận…
Xét nghiệm nước tiểu giúp đáng giá và phân tích tình trạng của một số bệnh lý về thận, đái tháo đường, nhiễm trùng đường tiểu, nhiễm khuẩn…
Vậy trước khi làm xét nghiệm tổng quát bạn cần lưu ý gì? Đa phần các xét nghiệm tổng quát thường thực hiện vào buổi sáng để có kết quả chính xác nhất. Tùy vào loại xét nghiệm bạn có thể được yêu cầu nhịn ăn hoặc không nhịn ăn. Nhưng với xét nghiệm nước tiểu thường người bệnh sẽ được yêu cầu nhịn ăn từ 6-8 giờ trước đó. Và khi làm các xét nghiệm tổng quát bạn không nên sử dụng các chất kích thích để tránh ảnh hưởng đến kết quả.
Với các xét nghiệm về đường máu, định lượng vitamin, mỡ máu… thông thường sẽ yêu cầu nhịn ăn từ 10-12 tiếng. Với những người đang dùng thuốc điều trị trong thời gian dài hãy thông báo với bác sĩ trước khi làm xét nghiệm. Các bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định phù hợp hoặc tư vấn cho người bệnh ngừng dùng thuốc để thực hiện xét nghiệm cho chính xác.
Thu Hiền ( theo báo SK&ĐS)