image banner
Lặng thầm cống hiến
Lượt xem: 78
Nghệ An có rất nhiều cán bộ y tế là tấm gương sáng về đạo đức nghề nghiệp. Họ yêu nghề, yêu người và lặng thầm cống hiến vì sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tấm áo blouse trắng họ khoác lên đã là hiện thân của tri thức, của danh dự, của nhân cách người thầy thuốc thanh cao.

Tiên phong đối mặt với Covid-19
Dù dịch Covid-19 đã lùi xa nhưng những ám ảnh và hệ luỵ của đại dịch này in hằn trong tâm trí của nhiều người. Bác sĩ Bùi Tiến Hoàn - Phó trưởng Khoa Vi rút ký sinh trùng, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An là một trong những người phải gánh chịu hệ luỵ nặng nề ấy. 3 năm chiến đấu với đại dịch Covid-19 đã khiến anh như già thêm rất nhiều tuổi..

Anh-tin-bai
Bác sĩ Bùi Tiến Hoàn và các đồng nghiệp điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch. Ảnh: Thành Chung

Khi Nghệ An xuất hiện những ca bệnh đầu tiên, bác sĩ Bùi Tiến Hoàn là người đầu tiên nhận nhiệm vụ tại khu cách ly của Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An) – sau này là Trung tâm Hồi sức tích cực số 1 Nghệ An điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch. Nhiệm vụ của anh là thực hiện quản lý, trực tiếp điều trị cho bệnh nhân ở khu cách ly.

Thực hiện điều trị cho bệnh nhân Covid-19, những vất vả, gian nan mà các cán bộ y tế ở đây phải đối mặt là không thể nào kể xiết. Mỗi ngày, các cán bộ y tế ở đây phải làm việc 2 ca tương ứng 12 giờ, khối lượng công việc gấp 3-4 lần so với những đồng nghiệp ở bên ngoài. Trong 12 giờ đó, họ thường xuyên tắm mồ hôi trong bộ đồ phòng hộ “nuôi ong”; không ăn, không uống, không ngủ, không đi vệ sinh; luôn ở trong trạng thái động: Thăm khám, tiêm chuyền, cho bệnh nhân thở máy, phẫu thuật… không một phút ngơi tay. Bệnh nhân này chưa xử lý xong thì bệnh nhân khác cần phải can thiệp.

Anh-tin-bai
Bác sĩ Bùi Tiến Hoàn và các đồng nghiệp điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch. Ảnh: Thành Chung

Bác sĩ Bùi Tiến Hoàn cho biết: "Phòng, chống dịch là chuyên môn của tôi. Trước đại dịch Covid-19 đang đe doạ sự sống của nhiều bệnh nhân. Tôi không tiên phong nhận nhiệm vụ vào khu cách ly để điều trị cho bệnh nhân thì ai sẽ vào? Vốn là người năng động, đam mê thể thao và những chuyến đi. Thế nhưng, hơn bao giờ hết, bản thân tôi nghĩ mình cần phải hy sinh những sở thích, đam mê cá nhân để tự nguyện dấn thân, vì tính mạng người bệnh và sức khỏe cộng đồng".

Làm việc ở khu cách ly điều trị, áp lực dồn lên mỗi cán bộ y tế là rất lớn. Vào thời điểm cuối năm 2021 – đầu năm 2022, dịch Covid-19 bùng phát mạnh trong cộng đồng. Mỗi ngày, Nghệ An ghi nhận trên 2.000 ca mắc; trong đó, có những ca bệnh là người đang điều trị các bệnh khác, người có bệnh nền… Vậy nên, số người mắc Covid-19 nặng, nguy kịch là rất nhiều. Trung tâm Hồi sức tích cực số 1 Nghệ An thường xuyên bị quá tải, với trên 230 bệnh nhân điều trị mỗi ngày. Trong khi đó, quy mô của trung tâm là 100 giường bệnh với trên 100 cán bộ y tế. Trung tâm đã quá tải nhưng bệnh nhân từ tuyến dưới, tầng 1, 2 chuyển lên vẫn không ngừng.

Anh-tin-bai
Với chuyên môn vững vàng, sự tận tâm trong công việc, bác sĩ Bùi Tiến Hoàn luôn có được sự tin tưởng, ghi nhận từ đồng nghiệp và bệnh nhân. Ảnh: Diệp Thanh - NVCC

Trong suốt 2 năm (2021-2022), bác sĩ Bùi Tiến Hoàn cũng như nhiều cán bộ y tế khác hầu như không về nhà mà ăn, ngủ, làm việc xuyên suốt tại khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Vốn là một bác sĩ trẻ, điển trai, bác sĩ Bùi Tiến Hoàn nhanh chóng trở nên “tàn tạ” về diện mạo, ngoại hình. Gương mặt anh hốc hác, chằng chịt vết hằn khẩu trang, làn da nhăn nheo, luôn bị mẩn đỏ vì kích ứng. Và đến tận bây giờ, những dấu vết thời chống dịch ấy vẫn còn hiện hữu.

Đại dịch đi qua, không một phút nghỉ ngơi, bản thân bác sĩ Hoàn và các đồng nghiệp lại lao vào cuộc chiến với nhiều loại bệnh tật khác. Bác sĩ Hoàn lại say mê với chinh phục những “bài toán khó” cứu các bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm đang điều trị tại Khoa Vi rút ký sinh trùng, Trung tâm Bệnh nhiệt đới – Nơi anh đã công tác 16 năm. Bác sĩ Bùi Tiến Hoàn tâm tình: “Tôi luôn muốn giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn; muốn được trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân, được áp dụng kiến thức chuyên môn của mình để cứu người. Mỗi lần tìm được lời giải, thành công cứu sống bệnh nhân thì đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến. Đây chính là điều tự hào của nghề y, không phải ngành nghề nào cũng có được”.

Lặng thầm trên núi cao

Ở Nghệ An, đã và đang có rất nhiều cán bộ y tế ngày đêm “phải lao mình vào chỗ bẩn để làm cho sạch, phải dấn thân vào chỗ đau khổ để làm giảm bớt đau khổ” (Lời dạy của Bác Hồ về người thầy thuốc vào năm 1946). Bác sĩ Trần Văn Công – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tương Dương là một trong số đó. Trong đại dịch Covid-19, bác sĩ Công chính là người “thường trực” tại các điểm nóng để làm công tác điều phối chống dịch, phân luồng, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, điều trị... cho người dân. Ca bệnh khởi phát, ông có mặt; ổ dịch được khống chế, ông và đồng nghiệp chuyển đến điểm nóng khác.

Anh-tin-bai
Cán bộ y tế huyện Tương Dương vào bản Chăm Puông chống dịch Covid-19. Ảnh: Thành Chung

Gặp gỡ bác sĩ Trần Văn Công tại ổ dịch Covid-19 ở bản Chăm Puông (xã Lượng Minh) vào tháng 7/2021; ổ dịch ở xã Nhôn Mai vào tháng 12/2021; ổ dịch ở bản Na Khốm (xã Yên Na) và ổ dịch bản Văng Môn (xã Nga My) vào các ngày 26-29 tháng Chạp năm 2021..., luôn thấy ông trong trạng thái mướt mồ hôi; quầng mắt tối vì thiếu ngủ và làn da đen xạm. Chống dịch ở miền núi vất vả, vậy mà chưa từng một lần nghe ông than vãn khó khăn. Bản thân ông và các đồng nghiệp lặng lẽ, cặm cụi chống dịch, làm việc với quyết tâm cao nhất, chỉ mong sớm trả lại bình yên cho bản làng.

Chia sẻ về công tác phòng, chống dịch bệnh, bác sĩ Trần Văn Công cho hay “mình quen rồi”. Cuộc đời hành nghề y của ông là những ngày nối ngày, tháng nối tháng chiến đấu với dịch bệnh. Năm 1990, sau khi tốt nghiệp trường trung cấp y, ông tình nguyện về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn. Thời điểm đó, nơi huyện biên giới xa nhất, cao nhất của tỉnh Nghệ An này, dịch sốt rét, dịch tả, kiết lỵ hoành hành. “Lính mới” Trần Văn Công chưa kịp ấm chân đã vội cùng các đồng nghiệp lớp trước vác ba lô lao đi chống dịch.

Anh-tin-bai
 Bác sĩ Trần Văn Công vào bản tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh cho người dân. Ảnh: Thành Chung

Những năm đó, Nghệ An là điểm nóng về sốt rét của toàn quốc. Dịch xảy ra liên tục. Tất cả các huyện miền núi, trung du đều có dịch. Bản làng ở miền Tây Nghệ An “tan hoang” vì sốt rét. Có những bản làng, 90% người dân mang trong mình ký sinh trùng sốt rét; lúa chín ngoài nương rẫy nhưng không có người khỏe mạnh để thu hoạch. Riêng huyện Kỳ Sơn, trung bình mỗi năm có khoảng 50-60 người chết vì căn bệnh này.

Đường sá không có, phương tiện đi lại cũng không, ông cùng đồng nghiệp của mình cứ đi bộ vượt núi, băng rừng đến những bản làng có dịch. Tại bản, các cán bộ y tế thực hiện tuyên truyền, vận động phòng, chống, lấy mẫu phát hiện sốt rét, phun thuốc, tẩm màn và điều trị. Hết dịch ở bản này lại chuyển sang bản khác để chống dịch. Mỗi đợt công tác thường kéo dài 2 – 3 tháng... Rừng thiêng nước độc. Những cơn sốt rét kéo dài. Làn da y sĩ đa khoa Trần Văn Công chuyển sang màu “xạm đen vĩnh cửu” từ đó.

Anh-tin-bai
Để chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh cho người dân vùng sâu, vùng xa, đội ngũ y, bác sĩ phải thật sự tâm huyết với công việc. Ảnh: Thành Chung

Năm 1993, y sĩ Trần Văn Công xin thuyên chuyển công tác về Trung tâm Y tế huyện Tương Dương để thuận tiện hơn trong việc chăm sóc mẹ già. Cơ quan gần nhà nhưng ông vẫn phải thường xuyên xa nhà. Lúc này các loại dịch bệnh ở các huyện miền núi ở tỉnh Nghệ An, trong đó có huyện Tương Dương đã tạm lắng, tuy nhiên, nguy cơ vẫn còn, chực chờ bùng phát. Nguyên nhân lớn là dân trí, nhận thức phòng bệnh của người dân chưa cao. Để phòng, chống dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện vẫn thường tổ chức các đoàn công tác lần lượt đi tới các bản, xã để tuyên truyền, giám sát. Mỗi chuyến đi thường kéo vài tuần. Y sĩ Trần Văn Công chính là thành viên cốt cán trong các đoàn công tác.

Trong quá trình công tác của mình, ông không ngừng học hỏi các đồng nghiệp để tiến bộ, thực hiện tốt nhiệm vụ. Càng học lên, bác sĩ Công càng có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm để xử lý các loại bệnh tật. Với năng lực chuyên môn tốt, ông đã được Trung tâm Y tế huyện, Sở Y tế ghi nhận và bổ nhiệm làm Trưởng khoa, rồi Phó Giám đốc trung tâm. Bác sĩ Trần Văn Công đã có nhiều đóng góp trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế; phòng, chống dịch bệnh ở huyện Tương Dương.

Anh-tin-bai
Bác sĩ Nguyễn Văn Công chỉ đạo công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em tại Trạm Y tế xã Lưu Kiền. Ảnh: Thành Chung

Cuộc đời bác sĩ Trần Văn Công gắn bó với hoạt động chống dịch. Ông kể: “Năm 2007, học bác sĩ về mình lại lao vào công tác phòng, chống dịch HIV/AIDS. Năm đó, Thủy điện Bản Vẽ xây dựng. Mặt trái của quá trình phát triển khiến tệ nạn ma túy và HIV/AIDS phát sinh. Những năm sau lại đến dịch viêm màng não do não mô cầu ở bản Minh Tiến (xã Lượng Minh), dịch sởi ở bản Piêng Coọc (xã Mai Sơn), dịch Covid-19, dịch bạch hầu... Dịch dã xảy ra, mình không thấy vất vả, mệt nhọc mà chỉ thấy bản thân cần phải cố gắng, cống hiến nhiều hơn nữa để ngăn ngừa dịch, chăm sóc tốt hơn sức khỏe người dân. Sức khỏe người dân chính là động lực của nghề y”.

Khi dịch lắng xuống, bác sĩ Công cũng như nhiều cán bộ y tế khác ở Nghệ An lại bước vào những “cuộc chiến” lặng thầm khác, đó là: Phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; phòng, chống HIV/AIDS; bảo đảm an toàn thực phẩm; thực hiện tiêm chủng mở rộng; thực hiện chuyển đổi số y tế; nâng cao năng lực khám, chữa bệnh ở y tế cơ sở; chăm lo sức khỏe sinh sản... Trong “cuộc chiến” này, bác sĩ Trần Văn Công mãi trăn trở, suy tư về những câu hỏi chưa có lời giải cụ thể: “Làm sao phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em khi mà trẻ mới vài tháng tuổi bố mẹ đã đi làm ở công ty? Làm sao đảm bảo an toàn thực phẩm khi mà có nhiều loại hàng hóa trôi nổi? Làm sao để tạo việc làm cho người nghiện để phòng, chống ma tuý, HIV/AIDS hiệu quả?”./.
 

Thu Hiền (theo báo Nghệ An)

THÔNG BÁO
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ NGHỆ AN
Chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Y tế Nghệ An
Địa chỉ: Số 18 - Đường Trường Thi - Tp.Vinh - Nghệ An
Điện thoại: (0238) 3844 791 - Fax: 038 3 844 791 - Email:yt@nghean.gov.vn
Đường dây nóng: 0966.64.14.14