17/01/2025
Không chủ quan khi huyết áp thấp
Lượt xem: 26
Huyết áp thấp nếu không được kiểm soát và điều trị đúng cách có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
Thế nào gọi là huyết áp thấp?
Huyết áp thấp là tình trạng xảy ra khi áp lực của dòng máu lên động mạch thấp hơn so với mức thông thường. Bệnh lý tim mạch này được xác định khi chỉ số huyết áp thấp hơn 90/60 mmHg. Trong đó, huyết áp tâm thu nhỏ hơn 90 mmHg hoặc huyết áp tâm trương nhỏ hơn 60 mmHg.
Huyết áp thấp thường được chia thành 2 loại tuỳ thuộc vào nguyên nhân.
Huyết áp thấp sinh lý: Do các yếu tố liên quan đến di truyền (yếu tố gia đình) hoặc nơi cư trú.
Huyết áp thấp bệnh lý: Do các bệnh lý về tim, hệ thống thần kinh thực vật, hệ thống nội tiết.
Nguyên nhân huyết áp thấp: Không đủ thể tích máu trong lòng mạch do cơ thể mất nước hoặc mất máu. Tim co bóp yếu. Hệ thần kinh và một số hormone đảm nhiệm vai trò kiểm soát mạch máu hoạt động không bình thường. Các vấn đề về nội tiết như tuyến giáp không hoạt động bình thường, hạ đường huyết…
Các triệu chứng khi bị huyết áp thấp
Tuy không quá nhanh và nguy hiểm nhưng huyết áp thấp cũng khiến người bệnh và gia đình gặp khó khăn. Khi thấy các hiện tượng dưới đây, bạn hãy nghĩ đến các triệu chứng của huyết áp thấp:
Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, choáng váng, xây xẩm mặt mày, thậm chí ngất xỉu đột ngột.
Mệt mỏi, đuối sức, chân tay bủn rủn.
Da nhợt nhạt, xanh xao, sợ lạnh, chân tay lạnh, nhức mỏi tê bì, nhất là về đêm gây trằn trọc khó ngủ.
Tim đập nhanh bất thường, có thể xuất hiện các triệu chứng đánh trống ngực, thở gấp, hụt hơi kèm theo hiện tượng toát mồ hôi lạnh.
Buồn nôn, nôn đầy bụng, khó tiêu, ăn uống không ngon miệng
Rối loạn giấc ngủ. Hay bị đau đầu, trằn trọc, mất ngủ. Ngủ hay mơ, gặp ác mộng hoặc tỉnh giấc đột ngột.
Mất tập trung, suy giảm trí nhớ. Người bệnh rất mau quên, hay lẫn lộn, thường xuyên lơ đãng, không thể tập trung, chú ý vào công việc hay học tập.
Tuy không quá nhanh và nguy hiểm nhưng huyết áp thấp cũng khiến người bệnh và gia đình gặp khó khăn. Ảnh minh họa
Điều chỉnh sinh hoạt để hạn chế huyết áp thấp
Huyết áp thấp có thể điều chỉnh, thay đổi được nếu bạn áp dụng các biện pháp sau:
Uống nhiều nước.
Tăng thêm chút muối cho bữa ăn hằng ngày. Vì trong muối có natri và làm tăng huyết áp, tuy nhiên nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Bổ sung các loại thực phẩm có chứa các thành phần như protein, vitamin C và tất cả loại vitamin thuộc nhóm B.
Nếu huyết áp thấp là do thuốc thì hãy thay đổi liều lượng hoặc ngừng hoàn toàn loại thuốc đó.
Hạn chế uống rượu, bia vì làm mất nước và làm giảm huyết áp. Hạn chế các thực phẩm giàu carbohydrate như khoai tây, gạo, mì ống và bánh mì.
Nên luyện tập thể dục đều đặn, phù hợp với sức khỏe và độ tuổi hàng ngày giúp duy trì lưu thông máu trong cơ thể nên sẽ giảm chứng huyết áp thấp.
Nếu không may bị hạ huyết áp, cho người bệnh uống các loại nước như trà gừng, trà đặc, nước lọc … sẽ giúp kích thích nhịp tim, tạm thời nâng chỉ số huyết áp lên, cơ thể cảm thấy dễ chịu trở lại.
Nên sử dụng máy đo huyết áp tự động, máy đo huyết áp tại nhà nhằm kịp thời phát hiện huyết áp tăng giảm.
Thu Hiền (theo báo SK&ĐS)