Ung thư phổi di căn là khi các tế bào ung thư lan rộng từ nơi nó xuất hiện đầu tiên sang các bộ phận khác của cơ thể, như: ung thư phổi di căn não, xương, gan, thượng thận...
Phát hiện ung thư phổi di căn sau hai tuần đau ngực
Sau hai tuần đau tức ngực, ho khan, người đàn ông 58 tuổi đi khám phát hiện bị ung thư phổi di căn gan, thận.
Bệnh nhân không có tiền sử bệnh lý mạn tính, sức khỏe bình thường, gần đây xuất hiện đau ngực và ho khan nên đi khám. Kết quả chụp CT và sinh thiết tại Bệnh viện Bạch Mai phát hiện ung thư biểu mô tuyến phổi trái, di căn phổi phải, gan, thận, có đột biến gene.
Tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai bệnh nhân được điều trị bằng phác đồ hóa chất kết hợp thuốc miễn dịch, mỗi chu kỳ kéo dài 21 ngày. Bệnh nhân cũng được bổ sung vitamin B12 trước ngày truyền hóa chất (mỗi 3 chu kỳ) và acid folic hàng ngày.
Sau 4 chu kỳ điều trị, thể trạng người bệnh cải thiện rõ rệt: ho khan giảm, không khó thở, đau ngực thuyên giảm, tổn thương phổi thu nhỏ. Hiện tại, bệnh đáp ứng một phần với điều trị và tiếp tục được theo dõi
Nguyên nhân gây ung thư phổi
Ung thư phổi là một khối mô bất thường, phát triển quá mức và không hài hòa với những tổ chức bình thường kế cận, có nhiều nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này. Nguyên nhân dẫn đến căn bệnh ung thư phổi nói riêng và các căn bệnh khác nói chung là sự tổng hợp của rất nhiều các yếu tố tiêu cực lên cơ thể người bệnh.
Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra 90% trường hợp ung thư phổi. Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn khoảng 20 lần so với người không hút thuốc lá. Một số người có yếu tố di truyền sẽ càng dễ bị ung thư phổi nếu hút thuốc. Như vậy, nếu chúng ta tránh hút thuốc lá, tỉ lệ mắc ung thư phổi sẽ giảm đi rất nhiều.
Các nguyên nhân khác bao gồm phơi nhiễm tia phóng xạ, hóa chất sinh ung thư trong môi trường ô nhiễm.
Ung thư phổi di căn là giai đoạn các tế bào ung thư phổi đã bắt đầu lan rộng, xâm lấn hệ thống bạch huyết và các cơ quan xa qua hệ thống mạch máu và mạch bạch huyết.
Chẩn đoán ung thư phổi di căn có thể được xác định ngay từ thời điểm thăm khám đầu tiên hoặc sau một thời gian bệnh tiến triển.
Tại Việt Nam, ung thư phổi có tỷ lệ tử vong cao do thường được chẩn đoán muộn vì diễn tiến âm thầm. Do đó, việc tầm soát sớm là yếu tố quyết định trong điều trị hiệu quả.
Các khuyến cáo cho thấy nên tầm soát ung thư phổi định kỳ hàng năm, đặc biệt với người từ 50-80 tuổi; đang hút thuốc hoặc đã bỏ thuốc trong vòng 15 năm; thường xuyên hít phải khói thuốc; có người thân mắc ung thư phổi; hoặc từng phơi nhiễm khí Radon (một loại khí phóng xạ tự nhiên có thể xuất hiện trong môi trường sống, nhà ở, trường học, nơi làm việc).
Triệu chứng ung thư phổi
Thông thường ung thư phổi ở giai đoạn sớm không có triệu chứng. Khi ung thư ở giai đoạn tiến triển, bệnh nhân có thể có những triệu chứng như:
- Ho (có thể ho khan, ho đờm hay ho máu ).
- Đau tức ngực, khó thở, khàn tiếng.
- Sụt cân, đau mỏi cơ thể
- Có thể phù mặt, cổ và ngực khi tĩnh mạch lớn trong lồng ngực bị chèn ép.
- Nếu khối u ở vị trí đỉnh phổi, có thể có triệu chứng đau ở tay, vai và cổ.
- Ở giai đoạn muộn khi có di căn xương, gan, não...bệnh nhân có thể có triệu chứng đau nhức xương, đau cột sống (di căn xương), đau tức bụng (di căn gan), đau đầu, lẫn lộn, sụp mí mắt, nhìn mờ, yếu tay chân (di căn não).
Tất cả các triệu chứng trên có thể do các nguyên nhân bệnh lý khác không phải ung thư phổi. Nhưng khi có các triệu chứng kể trên, bệnh nhân cần đi khám tại các cơ sở chuyên khoa.
Tóm lại: Ung thư phổi khi ở những ca bệnh phát hiện đã di căn sang những khu vực khác có thể là đã có dấu hiệu di căn ngay tại thời điểm chẩn đoán, hoặc sau khi bệnh nhân đã tiếp nhận điều trị trong một thời gian nhưng ung thư phổi không những không được chữa khỏi mà còn tiến triển nặng hơn. Vì vậy, việc tầm soát ung thư phổi định kỳ hàng năm là vô cùng quan trọng, đặc biệt với người từ 50-80 tuổi; đang hút thuốc hoặc đã bỏ thuốc trong vòng 15 năm; thường xuyên hít phải khói thuốc; có người thân mắc ung thư phổi; hoặc từng phơi nhiễm khí Radon (một loại khí phóng xạ tự nhiên có thể xuất hiện trong môi trường sống, nhà ở, trường học, nơi làm việc).
Ung thư phổi đang đứng thứ 2 các bệnh ung thư tại Việt Nam. Các bệnh nhân đến bệnh viện điều trị ung thư phổi thì chỉ có 25% - 30% là ở giai đoạn sớm, còn hầu như là ở giai đoạn tiến triển, thậm chí di căn. Với sự tiến bộ của y học, ung thư biết sớm trị lành, ung thư sẽ không khó chữa nếu phát hiện sớm kể cả ung phổi.
Thu Hiền ( theo báo SK&ĐS)