20/01/2025
Chế độ dinh dưỡng cho người bị hẹp thực quản
Lượt xem: 25
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người bị hẹp thực quản. Bằng việc lựa chọn thực phẩm phù hợp và chú ý cách ăn uống sẽ giúp người bệnh kiểm soát được các triệu chứng khó chịu, đặc biệt là nuốt khó.
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn đối với người bị hẹp thực quản
Hẹp thực quản là tình trạng hẹp bất thường của lòng thực quản. Đây là di chứng nghiêm trọng của nhiều quá trình bệnh lý khác nhau. Nguyên nhân phổ biến nhất gây hẹp thực quản là do bị trào ngược dạ dày - thực quản (GERD) kéo dài, khi acid dạ dày trào ngược từ dạ dày vào thực quản gây viêm thực quản. Hoặc có thể do phẫu thuật trước đó, các thủ thuật khác trên thực quản, xạ trị, nuốt một chất ăn mòn gây hại cho thực quản...
Khi bị hẹp thực quản, người bệnh thường có cảm giác nuốt khó, có cảm giác thức ăn bị dính hoặc cảm giác thức ăn chậm đi qua cổ họng, ngực, bụng trên. Lúc đầu, người bệnh chỉ gặp khó khăn khi nuốt thức ăn rắn nhưng khi tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn có nguy cơ gặp khó khăn cả khi nuốt chất lỏng. Đồng thời cũng có thể bị ợ nóng, đau họng, ho, khàn giọng…
Do đó, khi điều trị hẹp thực quản, người bệnh cần tuân thủ chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ và thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống, đặc biệt là chế độ ăn uống.
Chế độ ăn uống đóng vai trò rất quan trọng trong việc quản lý và cải thiện tình trạng của người bị hẹp thực quản. Khi thực quản bị hẹp, việc nuốt trở nên khó khăn và gây nhiều khó chịu khiến người bệnh không muốn ăn uống. Chính vì vậy, một chế độ ăn phù hợp sẽ giúp giảm thiểu các triệu chứng khó chịu và hỗ trợ điều trị tốt.
Việc lựa chọn thực phẩm phù hợp, ăn những thức ăn mềm, dễ tiêu, chia nhỏ bữa ăn sẽ giúp giảm áp lực lên vùng thực quản bị hẹp, tránh gây tổn thương thêm và nuốt dễ hơn. Đồng thời làm giảm tình trạng trào ngược và viêm loét thực quản.
2. Những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể người bị hẹp thực quản
Theo bác sĩ BV Đa khoa Tâm Anh, người bệnh hẹp thực quản nên tuân theo chế độ ăn mềm, ít chất xơ và dễ tiêu hóa.
Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần đảm bảo cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể để duy trì sức khỏe và tăng sức đề kháng, phục hồi niêm mạc thực quản.
Carbohydrate
Carbohydrate là nguồn năng lượng chính giúp cơ thể hoạt động và duy trì các chức năng sống hàng ngày.
Đối với người bị hẹp thực quản, nên ưu tiên chọn các loại carbohydrate như ngũ cốc nấu chín, ít chất xơ, gạo trắng… đã được chế biến mềm, nghiền nhuyễn hoặc xay nhuyễn để dễ nuốt và dễ tiêu hóa.
Protein
Protein đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và sửa chữa các tế bào, duy trì sức khỏe cơ bắp và tăng cường hệ miễn dịch. Khi thực quản bị tổn thương, protein sẽ giúp cơ thể sản sinh ra các tế bào mới để thay thế những tế bào bị tổn thương, từ đó hỗ trợ quá trình lành vết thương.
Cung cấp đủ protein giúp hệ miễn dịch của người bệnh khỏe mạnh hơn, khả năng chống lại nhiễm trùng sẽ tốt hơn.
Nên chọn các loại thực phẩm giàu protein tốt và dễ tiêu hóa như: Thịt nạc, cá, trứng, sữa, đậu, các loại hạt…
Chất béo
Mặc dù người bị hẹp thực quản cần một chế độ ăn hạn chế chất béo nhưng chất béo lành mạnh vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lượng, hấp thụ các vitamin tan trong dầu và duy trì sức khỏe tổng thể.
Người bị hẹp thực quản nên ưu tiên các loại chất béo lành mạnh không bão hòa đơn và đa như dầu ô liu, dầu bơ, các loại hạt, cá béo… Hạn chế chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa có nhiều trong mỡ động vật, đồ ăn nhanh, đồ chiên rán…
Vitamin và khoáng chất
Đối với người bị hẹp thực quản, việc cung cấp đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất rất quan trọng giúp tăng cường hệ miễn dịch, thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào và phục hồi tổn thương ở niêm mạc thực quản.
Các vitamin và khoáng chất cần thiết cho người bị hẹp thực quản bao gồm: vitamin A, C, E, sắt, kẽm…
Người bệnh nên ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau để cung cấp đầy đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết. Cách chế biến đơn giản như luộc, hấp để giữ lại tối đa lượng vitamin và khoáng chất.
3. Những lưu ý khi xây dựng chế độ ăn cho người bị hẹp thực quản
Ăn các loại thực phẩm mềm, dễ tiêu: Nên chọn các loại thực phẩm mềm, dễ tiêu như cháo, súp, trái cây chín, rau luộc...
Chia nhỏ bữa ăn trong ngày: Biện pháp này giúp giảm áp lực lên thực quản và dạ dày. Tránh ăn trong vòng hai giờ trước khi đi ngủ.
Ăn chậm, nhai kỹ: Không ăn vội vàng, nhai kỹ thức ăn trước khi nuốt để giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa.
Uống nhiều nước: Uống đủ nước giúp duy trì độ ẩm cho cơ thể, hỗ trợ quá trình tiêu hóa, làm loãng thức ăn và dễ nuốt hơn.
Tránh các loại thực phẩm gây kích thích: thực phẩm cay nóng, nhiều acid, nhiều chất béo, caffeine, rượu bia... Hạn chế các loại thực phẩm có nhiều chất xơ, khó tiêu như rau sống, các loại hạt cứng.
Tránh ăn quá no: Ăn quá no sẽ gây áp lực lên thực quản, làm tăng cảm giác khó chịu. Không nằm ngay sau khi ăn.
Thu Hiền (theo báo SK&ĐS)
|