image banner
Bệnh không lây nhiễm ngày một tăng và trẻ hoá: Cần có hành lang pháp lý quản lý và phòng ngừa
Lượt xem: 5
Sự gia tăng chóng mặt của các bệnh không lây nhiễm, đặc biệt ở nhóm người trẻ tuổi ở nước ta đòi hỏi một chiến lược quốc gia toàn diện và khẩn cấp, những giải pháp tức thì, đồng thời cũng nhấn mạnh sự cần thiết của một đạo luật mới để quản lý hiệu quả các vấn đề sức khỏe cộng đồng.

Hệ lụy từ xu hướng trẻ hóa bệnh không lây nhiễm

Việt Nam là một quốc gia đông dân với đa phần dân số trong độ tuổi lao động (trung bình là 32,9 tuổi), mang đến tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, xu hướng trẻ hóa bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm lại đang đặt ra thách thức lớn, kìm hãm sự phát triển và mang đến nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội cho đất nước.

Việt Nam đối mặt với mô hình bệnh tật kép, bên cạnh phải ứng phó với bệnh truyền nhiễm, mới nổi tăng, các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, tiểu đường, COPD, rối loạn sức khỏe tâm thần... cũng ngày càng gia tăng. Theo các báo cáo mới nhất, tỷ lệ tử vong do bệnh không lây nhiễm gây ra chiếm 84% tổng số ca tử vong tại Việt Nam.

Các bệnh tim mạch và ung thư là những nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong liên quan đến bệnh không lây nhiễm, với tỷ lệ tương ứng là 31% và 19%.

Anh-tin-bai
Các bệnh tim mạch và ung thư... là những nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong liên quan đến bệnh không lây nhiễm ở nước ta.

Cứ 10 người tử vong vì bệnh không lây nhiễm thì có đến 4 người chưa đến 70 tuổi; tỷ lệ những người trong độ tuổi 36-69 mắc bệnh đái tháo đường đang ngày một tăng lên, trong vòng 10 năm từ 2012 đến 2021 đã tăng 1,7%; nhiều trường hợp nhồi máu cơ tim được cấp cứu ở độ tuổi dưới 40; … là những con số cho thấy xu hướng trẻ hóa ngày càng tăng của các bệnh không lây nhiễm

Trước đây, những người từ 50 tuổi trở lên mới có nguy cơ mắc tăng huyết áp, bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não… Tuy nhiên, hiện nay, các bệnh này đã xuất hiện ở những người 30-40 tuổi, thậm chí có những ca bệnh dưới 30 tuổi.

"Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, thậm chí còn cao hơn ung thư, tuy nhiên bệnh này đang có dấu hiệu trẻ hoá" PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền - Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, Chủ tịch Hội Tim mạch học Hà Nội cho biết.

PGS Hiền cũng chỉ ra sự gia tăng đột biến của các bệnh lý liên quan đến chuyển hóa, đặc biệt là bệnh động mạch chủ và động mạch vành (tăng 15-20%), nguyên nhân chủ yếu là do căng thẳng, lối sống ít vận động, chế độ ăn uống thiếu khoa học (ăn nhiều thịt, đồ chiên rán...) … những vấn đề thường gặp trong giới trẻ hiện nay.

Hệ lụy từ xu hướng trẻ hóa bệnh không lây nhiễm có thể thấy rõ rệt. Đó là gia tăng áp lực lên hệ thống y tế với sự quá tải của các bệnh viện, tiêu tốn ngân sách nhà nước. Đơn cử như riêng TP Hà Nội, Quỹ BHYT đã chi khoảng 1.000 tỷ đồng điều trị bệnh lý này cho người dân trong năm 2023, chưa kể đến số lượng người tự mua thuốc ngoài hay không biết mình bị bệnh.

Quan trọng hơn là ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe người dân, trực tiếp ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả lao động, kéo theo sự ảnh hưởng đến tổng thể sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cần có Luật Phòng bệnh chứ không chỉ sửa đổi Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm

Chia sẻ về công tác phòng ngừa bệnh, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế cho biết "Trên thực tế Việt Nam mới chỉ có Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Các vấn đề khác như sức khỏe môi trường, đặc biệt là bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần, dinh dưỡng chưa có luật nào điều chỉnh mà mới chỉ có các chiến lược, văn bản hướng dẫn".

Việc xây dựng đạo luật mới nếu kéo dài sẽ làm cho nguy cơ tình trạng nhức nhối về bệnh không lây nhiễm. Sức khỏe người dân tiếp tục bị ảnh hưởng, tuổi thọ trung bình giảm, hệ thống y tế ngày càng áp lực, và kinh tế-xã hội chắc chắn bị ảnh hưởng kéo theo.

Nhận thức được sự khẩn cấp trong việc quản lý toàn diện sức khỏe toàn dân, Bộ Y tế đã đề xuất xây dựng Luật Phòng bệnh. Luật Phòng bệnh được đề xuất xây dựng trên phổ rộng, không chỉ tập trung vào bệnh truyền nhiễm, mà còn bao gồm các vấn đề như dinh dưỡng, sức khỏe tâm thần, bệnh không lây nhiễm, các yếu tố nguy cơ về nước sạch, môi trường... Những nội dung liên quan đến sức khỏe mà chưa có luật dự kiến sẽ được đưa vào luật này.

Anh-tin-bai
Sự gia tăng chóng mặt của các bệnh không lây nhiễm, đặc biệt ở nhóm người trẻ tuổi ở nước ta đòi hỏi một chiến lược quốc gia toàn diện và khẩn cấp, những giải pháp tức thì, đồng thời cũng nhấn mạnh sự cần thiết của một đạo luật mới để quản lý hiệu quả...

Theo các chuyên gia, Luật Phòng bệnh được xây dựng chắc chắn sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hệ thống y tế, hướng tới nâng cao chất lượng sống và tuổi thọ trung bình của người dân.

Bộ Y tế cho biết tháng 6/2024, Chính phủ đã họp và ban hành Nghị Quyết số 97/NQ-CP trong đó có Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Theo đó, Chính phủ đã nhất trí đưa dự án Luật Phòng bệnh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Chính phủ đối với vấn đề quản lý các bệnh không lây nhiễm hiện nay.

Bộ Y tế kỳ vọng Luật Phòng bệnh sẽ sớm được xem xét và ban hành trong năm 2025, tạo điều kiện thuận lợi để toàn hệ thống y tế đạt được mục tiêu nâng cao sức khỏe toàn diện, cải thiện thể chất, tinh thần, tầm vóc và chất lượng sống của người Việt cũng như tăng hiệu quả vận hành hệ thống y tế.
 

Thu Hiền (theo báo SK&ĐS)

THÔNG BÁO
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ NGHỆ AN
Chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Y tế Nghệ An
Địa chỉ: Số 18 - Đường Trường Thi - Tp.Vinh - Nghệ An
Điện thoại: (0238) 3844 791 - Fax: 038 3 844 791 - Email:yt@nghean.gov.vn
Đường dây nóng: 0966.64.14.14