Năm 1992, chị về công tác tại trạm Y tế xã Diễn Thái, huyện
Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Hơn 23 năm gắn bó với nơi đây, tận tình chăm sóc sức
khỏe cho người dân, chị đã để lại nhiều ấn tượng và kỷ niệm tốt đẹp, đặc biệt
là các chị em phụ nữ, các bà mẹ đã từng vượt cạn được chị giúp đỡ. Chị kể lại,
thời đó, cuộc sống còn khó khăn, từ năm 1992 đến năm 1998, tiền lương chị nhận
được hàng tháng không phải là tiền mặt mà là 20 kg thóc. Tuy cuộc sống khó
khăn, công việc vất vả nhưng chị vẫn luôn lạc quan, gắn bó với công việc, với dân.
Những lúc rảnh rỗi chị tranh thủ làm thêm việc đồng áng cùng với bà con nhân
dân. Bởi vậy, người dân xã Diễn Thái đã gọi vui chị là “con nuôi Diễn Thái”. Với
chị, Nghề y cứ theo đuổi cả đời chị như một niềm đam mê vậy. Cùng với sự phát
triển của xã hội, nhu cầu chăm sóc sức khỏe, bảo vệ các bà mẹ và trẻ em của các
gia đình ngày càng tăng cao thì đòi hỏi mình càng phải trau dồi chuyên môn, nâng
cao tay nghề thì mới làm tốt được sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc. Bởi vậy,
chị đã không ngừng nỗ lực học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Năm
2007, chị tốt nghiệp Đại học Điều dưỡng ở Đại học Y dược Huế và tiếp tục công
việc của một nữ hộ sinh.

Chị Thương đang khám thai cho bà mẹ mang thai
Đến năm 2015, chị chuyển công tác về trạm Y tế xã Diễn
Thành, huyện Diễn Châu. Vẫn với vai trò là một nữ hộ sinh, chị phụ trách lĩnh vực
chăm sóc bà mẹ trẻ em, kế hoạch hóa gia đình, giúp đỡ nhiều bà mẹ và trẻ trong
việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe sinh sản, giúp nhiều bà mẹ mang thai sinh nở an
toàn, giúp nhiều chị em được tiếp cận với các dịch vụ tránh thai hiện đại. Nhiệt
tình, chu đáo và trách nhiệm, đó là những lời nhận xét của nhiều người dân xã Diễn
Thành dành cho nữ hộ sinh Nguyễn Thị Thương. Chị luôn nhận được sự tin yêu của
bà con nhân dân nơi đây. Đến tháng 6 năm 2022 chị được bổ nhiệm trưởng trạm Y tế
xã Diễn Thành. Từ đây chị vừa làm công tác quản lý vừa tiếp tục làm công việc của
một nữ hộ sinh. Hàng ngày, chị vẫn trực tiếp theo dõi quản lý quá trình thai sản,
sinh nở, chuyển dạ của các thai phụ. Công việc quả thật rất vất vả, những đêm trực,
có ca sinh tại trạm thì hầu như là chị thức trắng cả đêm, nhưng sáng hôm sau vẫn
phải dậy đi làm bình thường. Chị thường xuyên tiếp nhận, hướng dẫn sản phụ đến
khám, thực hiện đúng qui trình chăm sóc sức khỏe người bệnh toàn diện.
Những kỷ niệm ấn tượng
trong đời nữ hộ sinh
Đêm về khuya, mọi người đã chìm trong giấc ngủ. Không gian
tĩnh lặng chỉ có tiếng côn trùng kêu rả rích. Chị cũng đang chập chờn vào giấc ngủ,
bỗng có tiếng người gọi từ ngoài sân trạm y tế xã: "Có ai trực trong trạm
không ? Có người đẻ ở ngoài đường cần được giúp đỡ". Chị bật dậy, bừng tỉnh,
vội vàng chuẩn bị dụng cụ y tế cần thiết. Chị lao ra đường, một mình trong đêm
tối với tâm trạng hồi hộp khẩn trương, đến đoạn gần cổng nhà một người dân, có
một phụ sản đi đẻ không kịp vô trạm, sinh ngay tại chân cây cột điện. Chị kịp
thời cấp cứu cho cả mẹ và con, rồi đưa họ về trạm theo dõi và chăm sóc an toàn.
Chuyện xảy ra cũng đã hơn vài chục năm trước, đứa bé giờ đã trưởng thành, và cô
đỡ ngày xưa giờ cũng không còn trẻ nữa. Hơn 50 tuổi đời và hơn 32 tuổi nghề,
người nữ hộ sinh ngày ấy giờ đây vẫn tiếp tục công việc của mình, ngày ngày vẫn
đang trợ giúp các sản phụ “vượt cạn” thành công nâng đỡ cho những thiên thần nhỏ
bé chào đời.
Chị nhớ lại cái thời chưa có siêu âm phổ biến như hiện nay,
việc phụ sản có thai đôi, có khi không biết rõ được. Có một lần đỡ cho một phụ
sản đẻ xong, khoảng nửa tiếng sau đó phụ sản lại thấy đau, gọi chị đến thì tiếp
tục một cháu khác chào đời. Lúc đó chị và mọi người mới biết sản phụ mang thai
đôi. Đó là ca đỡ đẻ ấn tượng nhất trong đời cô đỡ của chị. Hơn 32 năm làm hộ
sinh, chị đã thực hiện khám thai, theo dõi chuyển dạ trước khi sản phụ sinh cho
hàng tram phụ nữ. Trên đôi tay chị, hàng trăm cháu bé cất tiếng khóc chào đời.
Qua từng ấy thời gian trong nghề, chị luôn cố gắng xử lý an toàn cho cả mẹ và con
về thể chất, tâm sinh lý và xã hội, không có diễn biến xấu xảy ra. Nhiều phụ nữ
sau sinh đã kể lại những câu chuyện vượt cạn của mình với lòng biết ơn đến nữ hộ
sinh là cô Thương tốt bụng, nhân hậu.
Công việc của chị bộn bề vất vả là thế nhưng tinh thần lúc
nào cũng vui vẻ, lạc quan. Chị còn có khả năng giao tiếp và tư vấn rất linh hoạt.
Chị tìm hiểu tiền sử, gia cảnh của từng sản phụ, kết nối thành các nhóm phụ nữ
mang thai để theo dõi, trao đổi thông tin và tư vấn về chăm sóc thai nghén. Trung
bình một năm, có khoảng 200 phụ nữ mang thai đến thăm khám và quản lý thai sản
và có khoảng 150 trẻ sinh ra trên địa bàn xã Diễn Thành. Sau khi các sản phụ
sinh nở, chị kịp thời động viên, chị ôm, vuốt tóc và xoa lưng để chia sẻ, an ủi
các sản phụ, giúp họ xoa dịu cơn đau, sự mệt mỏi sau khi sinh con. Những đứa trẻ
sinh ra tại trạm y tế, trong những phút đầu tiên trong đời, được chị trò chuyện
và đặt bé nằm trên bụng mẹ để gắn kết tình cảm mẹ con. Chính sự gần gũi đó mà hiện
nay vẫn có nhiều thai phụ tìm đến Trạm Y tế Diễn Thành để sinh con, để được Cô
Thương “đỡ đẻ”.
Hộ sinh Nguyễn Thị Thương - TYT Diễn Thành với trẻ mới sinh tại trạm
Người Trưởng trạm
gương mẫu, nhân ái với cộng đồng
Hiện nay, chị đang có một gia đình hạnh
phúc, một người chồng yêu thương thấu hiểu và sẻ chia với chị trong công việc
chuyên môn và gia đình. Con trai đầu của chị đã tốt nghiệp trường Đại học Y
khoa Vinh, con trai thứ hai là học sinh giỏi nhiều năm liền của trường THCS Cao
Xuân Huy, huyện Diễn Châu. Gia đình là hậu phương vững chắc để chị yên tâm công
tác và tham gia công tác xã hội, làm "Từ thiện". Chị đã tham gia vận
động và thành lập Đội thiện nguyện “Vòng tay nhân ái – Chung tay vì cộng đồng”
huyện Diễn Châu, do chị làm đội Trưởng. Hơn 8 năm qua, Đội thiện nguyện thường
xuyên tổ chức phát cơm, cháo miễn phí cho hàng trăm bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh
khó khăn đang điều trị tại Bệnh viên đa khoa Diễn Châu. Đội thiện nguyện cũng
thường xuyên tổ chức thăm tặng quà cho những người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn
trên địa bàn huyện, với số tiền lên tới hàng tỷ đồng.
Tất bật với công việc chuyên môn,
nhưng chị cũng luôn chú trọng, tích cực điều hành quản lý hoạt động Trạm Y tế
xã Diễn Thành, nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Diễn
Thành là xã ven biển, dân số hơn 14.000 người. Người dân nơi đây chủ yếu theo
nghề truyền thống đánh bắt, chế biến thủy hải sản và làm nông nghiệp. Dân cư
đông đúc, vì vậy hàng năm dịch sốt xuất huyết thường xảy ra. Chị đã chủ động,
tích cực tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền xã, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo
và nguồn lực của địa phương để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc
biệt là dịch sốt xuất huyết; Thực hiện tốt các chương trình hoạt động y tế như chăm
sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, kế hoạch hóa gia đình; Chương trình sàng lọc trước
sinh và sơ sinh; Dự phòng lây truyền Viêm gan B, HIV và giang mai từ mẹ sang
con... Nhờ sự nỗ lực của chị và tập thể cán bộ viên chức, trạm Y tế xã Diễn
Thành là trạm đạt chuẩn quốc gia về y tế, nhiều năm liền được sở Y tế khen thưởng
về thành tích xuất sắc nhiệm vụ công tác y tế.
Nhờ những nỗ lực của bản thân mà trong quá trình công tác chị
Thương đã được sở Y tế tỉnh tặng thưởng nhiều giấy khen về thành tích xuất sắc
trong công tác y tế; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động Nghệ
An khen thưởng về thành tích xuất sắc trong công tác công đoàn. Chị cũng đạt giải
cao trong cuộc thi nét đẹp của người lao động do Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ
An tổ chức. Tuy vẫn còn đó những tâm tư, trăn trở với nghề, nhưng với đam mê
cháy bỏng, chị luôn nỗ lực hết mình, tâm huyết với nghề, luôn được nhân dân tin
tưởng, yêu mến, giữ mãi hình ảnh là một tấm gương y đức, vì sức khỏe nhân dân”,
đem lại sức khỏe tốt nhất cho các bà mẹ và các bé sơ sinh và mang đến niềm vui,
hạnh phúc cho mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng xã hội.
Hồ Thị Oanh(Trung tâm Y tế huyện Diễn Châu)