Ngành Y tế Nghệ An: Giải pháp đẩy lùi bệnh tan máu bẩm sinh, nâng cao chất lượng dân số
Từ “khoảng trống” trong truyền thông
Tan máu bẩm sinh là
một bệnh có tính chất di truyền do bệnh nhân nhận gen bệnh từ cả bố và mẹ. Bệnh
có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể nên bệnh nhân phải
điều trị suốt đời, nếu không được điều trị thường xuyên, đầy đủ sẽ có nhiều
biến chứng nghiêm trọng như thiếu máu mãn tính, chậm phát triển về thể chất và
trí tuệ, mắc các bệnh về nội tiết, tim mạch, tiêu hóa… ảnh hưởng đến học tập,
lao động và chất lượng cuộc sống. Đây là một trong những căn bệnh đã và đang
gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tương lai giống nòi.
Lãnh đạo Sở Y tế, các ban,
ngành, đoàn thể và người dân Hưởng ứng ngày Thalassemia Thế giới
Theo số liệu của Trung tâm Huyết học - Truyền máu Nghệ An, Trung tâm hiện
đang quản lý hơn 400 người bị mắc Thalassemia, phân bố nhiều ở các huyện: Quỳ Hợp,
Quỳ châu, Quế Phong và Tương Dương... Bệnh nhân chủ yếu là người dân tộc thiểu
số, tỉ lệ dân tộc có bệnh nhiều nhất là Thổ, Thái. Đây chỉ là số bệnh nhân được
phát hiện và đang điều trị tại một số bệnh viện, thực tế ở cộng đồng, chủ yếu
là ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi cao, số lượng bệnh nhân chưa được phát hiện
khá lớn. Điều đó cho thấy, chưa có đánh giá cụ thể thực trạng bệnh nhân mắc tan
máu bẩm sinh tại Nghệ An.
Văn nghệ truyền thông Hưởng ứng lễ phát động
Một trong những
nguyên nhân chính của bệnh tan máu bẩm sinh là do kết hôn cận huyết thống hoặc
trong gen của bố mẹ đã có mầm bệnh. Việc xác định nguyên nhân, phát hiện sớm, phòng bệnh được đặt ra như một
giải pháp có ý nghĩa lớn trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trẻ em,
nâng cao chất lượng dân số ở hiện tại và tương lai. Theo chia sẻ của các bác sĩ có
nhiều năm kinh nghiệm trong điều trị bệnh Thalassemia, có thể phòng bệnh hiệu
quả tới 90 - 95% bằng các biện pháp như: khám sức khoẻ trước khi kết hôn để xác
định xem cá nhân có mang gen bệnh hay không, từ đó giúp cho họ có sự lựa chọn
đúng đắn về hôn nhân cũng như quyết định mang thai; thực hiện xét nghiệm tầm soát và chẩn đoán gen đột biến trong giai đoạn
thai kỳ để có quyết định sinh
đẻ nhằm sinh ra những đứa con không mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Đây là những biện pháp hiệu quả và giảm gánh nặng về kinh tế.
Bác sĩ Trung tâm Huyết học - Truyền máu
tỉnh thăm khám bệnh Nhi mắc bệnh Thalassemia
Trong nhiều năm qua, mặc dù các hoạt động truyền thông để giảm thiểu và
ngăn ngừa bệnh Thalassemia được ngành Y tế tổ chức trên quy mô toàn tỉnh, đặc
biệt tập trung tuyên truyền ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa - nơi có
nhiều người mắc Thalassemia nhằm nâng
cao nhận thức của lãnh đạo Đảng, Chính quyền, Đoàn thể các cấp, các
chức sắc tôn giáo, những người có uy tín trong cộng đồng, các cặp vợ chồng
trong độ tuổi sinh đẻ, nam nữ thanh niên sắp kết hôn… về tầm quan trọng của
việc tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh; nguyên
nhân, hệ lụy của bệnh tan máu bẩm sinh đối với cộng đồng và xã hội. Tuy
nhiên, vẫn còn “khoảng trống” trong công tác truyền thông về Tan máu bẩm sinh,
khi mà nhiều người dân nghe khái niệm này vẫn còn xa lạ, thậm chí ngay cả một số bộ phận cán bộ cũng chưa hiểu hết về bệnh
Thalassemia.
Đến giải pháp thiết thực
Hưởng ứng Ngày Thalassemia Thế giới năm nay với chủ đề: “Chung tay
phòng bệnh tan máu bẩm sinh vì sức khỏe cộng đồng và tương lai đất nước”,
ngành Y tế tỉnh Nghệ An đã và đang triển khai nhiều giải pháp thiết thực chăm
sóc sức khỏe toàn diện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân. Trong
đó, Trung tâm Huyết học Truyền máu tỉnh là đơn vị nòng cốt trong chẩn đoán và
điều trị bệnh Thalassemia. Bên cạnh đó, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh cũng đã ứng dụng
hiệu quả phương pháp truyền thải sắt hiện đại, giúp bệnh nhân cải thiện sức khỏe
rõ rệt, hạn chế tác dụng phụ so với các phương pháp cũ, đồng thời giảm chi phí
và thời gian đi lại cho người bệnh. Đặc biệt, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh -
tuyến cuối khu vực Bắc Trung Bộ - đã nhiều năm triển khai thành công công tác
chẩn đoán và điều trị Thalassemia. Với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, trang
thiết bị hiện đại, bệnh viện còn tiên phong ứng dụng hệ thống xét nghiệm giải
trình tự gen, góp phần phát hiện sớm người mang gen bệnh, phục vụ hiệu quả cho
công tác tư vấn tiền hôn nhân và sàng lọc trước sinh.

Các e học sinh ở huyện
Con Cuông hưởng ứng ngày Thalassemia Thế giới (08/5)
Nhờ những nỗ lực đó, Nghệ An đang trở thành địa chỉ tin cậy trong khu vực
về chẩn đoán, điều trị, tư vấn và phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh, góp phần bảo
vệ sức khỏe cộng đồng và nâng cao chất lượng dân số.
Thời gian tới, Trung tâm Huyết học Truyền máu tỉnh, Phòng Dân số sẽ đẩy
mạnh các hoạt động truyền thông về bệnh Thalassemia tại các địa bàn trọng điểm.
Trong đó, trọng tâm là tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế tuyến cơ sở về kiến thức
bệnh học, kỹ năng tư vấn và truyền thông hiệu quả trong cộng đồng; khảo sát,
đánh giá nhận thức của người dân, học sinh và cán bộ y tế về bệnh tan máu bẩm
sinh; thực hiện xét nghiệm sàng lọc cho gần 500 giáo viên và học sinh lớp 11
Trường THPT Quỳ Châu. Đáng chú ý, cuộc thi “Chuyện chưa kể về Thalassemia -
Hành trình sự sống” sẽ được triển khai rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội
và các kênh truyền thông nhằm lan tỏa thông điệp phòng bệnh, nâng cao ý thức,
trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc chăm sóc sức khỏe, góp phần giảm gánh nặng
bệnh tật, bảo vệ hạnh phúc gia đình và nâng cao
chất lượng dân số. Đặc biệt, việc đưa các hoạt động phòng chống bệnh tan
máu bẩm sinh vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là bước tiến quan trọng, góp phần đẩy
lùi căn bệnh này trên địa bàn Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung.
"Sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh là điều
chính đáng. Và cần thiết phải sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh”. Muốn
như vậy, bên cạnh những nỗ lực của ngành Y tế, cần lắm sự quan
tâm của chính quyền các cấp, sự chung tay vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể
và hơn hết là sự chủ động nâng cao ý thức phòng bệnh của mỗi người dân để Tan
máu bẩm sinh không còn là nỗi ám ảnh trong cộng đồng./.
Kim Chung - Phòng Dân số