image banner
Quy hoạch ngành Dược: Giải pháp tạo đà cho sự phát triển
Lượt xem: 65
 Nhà nước có vai trò dẫn dắt và cần có chính sách hỗ trợ để tăng cường hoạt động nghiên cứu phát triển, khuyến khích đầu tư của tư nhân trong lĩnh vực này.

Thách thức phát triển ngành Dược

Theo cục quản lý Dược, đến thời điểm cuối năm 2023, cả nước có khoảng 250 nhà máy sản xuất thuốc, 200 cơ sở xuất nhập khẩu, 4.300 đại lý bán buôn và hơn 62.000 đại lý bán lẻ thuốc. Với hệ thống nhà máy, đại lý Dược được phủ khắp các tỉnh, thành trong cả nước phần nào đáp ứng được nhu cầu về dược phẩm chăm sóc sức khỏe của người dân.

Theo nhận định của các chuyên gia, các doanh nghiệp dược trong nước hiện mới đáp ứng được nhu cầu của người dân và các cơ sở y tế về các loại thuốc điều trị bệnh thông thường. Các sản phẩm thuốc đặc thù, đặc trị, thuốc chuyên khoa, thuốc hiếm… vẫn phải nhập khẩu nên giá trị sản xuất thuốc trong nước chỉ mới đạt khoảng 50% so với tổng giá trị tiền thuốc sử dụng của người dân. Bên cạnh đó, thách thức lớn nhất của ngành Dược Việt Nam hiện nay là còn phải nhập khẩu dược liệu từ nước ngoài với tỷ lệ khá cao, lên tới 80-90%. Trong đó, số nguyên liệu nhập khẩu từ Ấn Độ và Trung Quốc chiếm tỷ trọng lên tới 85% tổng kim ngạch nguyên liệu nhập khẩu.

Việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu cũng khiến ngành dược chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài như biến động tỷ giá, nguồn hàng cung cấp. Chi phí nhập khẩu cao đã đẩy giá thành xuất khẩu thuốc của Việt Nam cao hơn khoảng 20-25% so với Trung Quốc, Ấn Độ, trong khi giá nhiều nguyên liệu dược phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng mạnh từ 15-80%. Với một nước có nhiều điều kiện để phát triển nguồn dược liệu như Việt Nam thì việc nhập khẩu dược liệu từ nước ngoài với tỷ lệ cao như hiện nay là một bất lợi. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 11 tháng năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 3257 triệu USD tân dược, tăng 7,3% so cùng kỳ năm 2022; riêng tháng 11/2023, nhập khẩu 450 triệu USD, tăng 45,6%.

Quy hoạch ngành Dược: Giải pháp tạo đà cho sự phát triển- Ảnh 1.

Cục trưởng Cục Hóa chất Phùng Mạnh Ngọc phát biểu khai mạc Hội thảo “Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tại Hội thảo “Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Cục trưởng Cục Hóa chất Phùng Mạnh Ngọc cho biết thêm, hiện tại, nguyên liệu sản xuất thuốc và các chế phẩm y tế của Việt Nam mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu của thị trường. Để phát triển ngành công nghiệp dược, ngày 17/03/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 376/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quyết định 376). Quyết định 376 đặt ra mục tiêu chung: xây dựng ngành công nghiệp dược trong nước đạt mức độ phát triển ở trình độ cao, đạt cấp độ 4 theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có giá trị thị trường trong top 3 Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), góp phần bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá hợp lý. Về mục tiêu cụ thể đến năm 2030.

Quyết định 376 đặt mục tiêu: phấn đấu đáp ứng 20% nhu cầu nguyên liệu hóa dược (dược chất, tá dược, chất chiết dược liệu giàu hoạt chất) cho sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm; xây dựng 03 khu công nghiệp tập trung về dược - sinh học, dược phẩm và y - dược ở trong nước; xây dựng 01 trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ hóa dược; triển khai xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc giá về nguyên liệu hóa dược.

Quy hoạch ngành Dược: Giải pháp tạo đà cho sự phát triển- Ảnh 2.

Phải xác định rõ mục tiêu từng khâu khi hiện thực hóa chiến lược phát triển ngành Dược

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với Lãnh đạo Bộ Y tế và các chuyên gia về Dự thảo Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã có những chỉ đạo cụ thể. Trong đó nêu rõ:

Cần đánh giá đầy đủ tiềm năng, thế mạnh và xác định rõ mục tiêu cho từng khâu, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả kinh tế và phù hợp với năng lực. Trong đó, lưu ý phát huy lợi thế của từng khâu và lựa chọn giải pháp phát triển, bảo đảm hiệu quả cho từng khâu; phải lựa chọn được những trọng tâm mà khi được tạo các điều kiện cần thiết thì phát triển có hiệu quả, ví dụ như có thể đi thẳng lên hiện đại việc phát triển thuốc sinh học, đối với lĩnh vực dược liệu có thể chỉ tập trung vào phát triển vùng nguyên liệu để phục vụ sản xuất và cung ứng.

Đồng thời, xác định rõ các tiêu chí về kinh tế, năng lực thực hiện để từ đó đề xuất, lựa chọn hướng đi, các hoạt động đầu tư cho phù hợp, bảo đảm khả thi, hiệu quả.

Đánh giá lại khâu sử dụng thuốc, hoạt động dược lâm sàng (trong đó lưu ý đến những tác dụng của thuốc đối với sức khỏe con người), xác định nguyên nhân làm cho chi phí thuốc tăng cao để có giải pháp phù hợp.

Phó Thủ tướng yêu cầu phải tập trung hoàn thiện thể chế, trong đó thực hiện hài hòa chính sách phù hợp thông lệ quốc tế, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với lĩnh vực dược của Tổ chức y tế thế giới và của các quốc gia tiên tiến, thực hiện việc công nhận lẫn nhau nhằm chuẩn hóa quá trình sản xuất và phân phối.

Hợp tác quốc tế cần được xác định là giải pháp "mũi nhọn" nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để ngành dược Việt Nam tham gia các chuỗi giá trị của các doanh nghiệp dược hàng đầu thế giới. Nhà nước phải xác định các tiêu chí, quy định, trong đó chia sẻ về bản quyền và công nghệ là yêu cầu tiên quyết khi quyết định các hoạt động hợp tác với các doanh nghiệp dược hàng đầu thế giới, các doanh nghiệp có công nghệ bào chế hiện đại... Cần có các giải pháp căn cơ trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác với các đối tác chiến lược của Việt Nam.

Nhà nước có vai trò dẫn dắt và cần có chính sách hỗ trợ để tăng cường hoạt động nghiên cứu phát triển, khuyến khích đầu tư của tư nhân trong lĩnh vực này.

Phạm Hường (theo báo SK&ĐS)
THÔNG BÁO
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ NGHỆ AN
Chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Y tế Nghệ An
Địa chỉ: Số 18 - Đường Trường Thi - Tp.Vinh - Nghệ An
Điện thoại: (0238) 3844 791 - Fax: 038 3 844 791 - Email:yt@nghean.gov.vn
Đường dây nóng: 0966.64.14.14