Ngày 12/9, Bệnh viện Lão khoa Trung ương phối hợp cùng Hội Lão khoa Việt Nam tổ chức chương trình hưởng ứng Ngày bệnh Alzheimer thế giới với chủ đề “Lưu giữ ký ức”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ tháng hành động phòng chống bệnh Alzheimer nhằm nâng cao nhận thức, lan tỏa sự quan tâm và yêu thương của cộng đồng dành cho người mắc bệnh Alzheimer và các bệnh sa sút trí tuệ nói chung.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, sa sút trí tuệ hiện được xem là một trong những vấn đề y tế công cộng quan trọng nhất, không chỉ bởi mức độ nghiêm trọng mà còn bởi những tác động sâu rộng của sa sút trí tuệ đến người bệnh, gia đình và toàn xã hội.
PGS.TS Nguyễn Trung Anh - Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, tại Việt Nam, với tốc độ già hóa dân số nhanh chóng, sa sút trí tuệ đang đặt ra nhiều thách thức to lớn. Tuy nhiên, nhận thức về sa sút trí tuệ trong cộng đồng vẫn còn hạn chế, dẫn đến chẩn đoán muộn, gia tăng gánh nặng chăm sóc và tài chính cho các gia đình.
"Sa sút trí tuệ, trong đó có Alzheimer phải được coi là căn bệnh nghiêm trọng và cần sự chăm sóc đặc biệt. Điều đáng lo là ngày càng có nhiều người trẻ tuổi mắc phải căn bệnh này, kéo dài thời gian sống chung với bệnh nên việc nâng cao nhận thức, phát hiện sớm là rất quan trọng" - GS.TS Trung Anh nói.
Bệnh viện Lão khoa Trung ương tổ chức chương trình hưởng ứng ngày bệnh Alzheimer thế giới với mong muốn nâng cao nhận thức của cộng đồng, khuyến khích người cao tuổi đi khám để phát hiện sớm, điều trị kịp thời và thực hiện tốt các biện pháp dự phòng sa sút trí tuệ. Đồng thời cùng nhau xây dựng một cộng đồng thân thiện, nơi người mắc sa sút trí tuệ được cảm thông, tôn trọng và hỗ trợ.
Theo GS.TS Phạm Thắng – Nguyên Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam, bệnh Alzheimer là nguyên nhân phổ biến nhất của sa sút trí tuệ, là căn bệnh hiểm ác đối với người già. Bệnh không những gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn là gánh nặng cho gia đình, cộng đồng cũng như toàn xã hội. Chính vì vậy cần có biện pháp kiểm soát các yếu tố nguy cơ trong đó có lười vận động, bệnh tiểu đường, chế độ ăn không lành mạnh, ít giao tiếp xã hội...
Các chuyên gia về lão khoa nhấn mạnh, ngoài điều trị bằng thuốc thì với bệnh nhân Alzheimer, việc chăm sóc của gia đình, người thân đóng vai trò rất quan trọng. Nếu không có tình yêu thương thì khó có thể làm được vì công việc này đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại, việc chăm sóc kéo dài có thể tạo áp lực, stress cho chính người chăm sóc. Do đó người chăm sóc cũng cần được cảm thông, sẻ chia để không buông xuôi.
Ai nên đi khám sa sút trí tuệ?
Theo các bác sĩ, hầu hết các trường hợp người cao tuổi đến khám sa sút trí tuệ ở giai đoạn tương đối muộn, thường sau 1-2 năm có triệu chứng, cho tới khi có biểu hiện rối loạn nhận thức nặng, ảnh hưởng lớn đến nhận thức bản thân mới đến khám.
Chuyên gia y tế khuyến cáo, những ai hay quên liên tục từ 6 tháng trở lên, nhất là người lớn tuổi, là đối tượng cần được quan sát, chú ý thăm khám sức khỏe thần kinh định kỳ để nhận biết và điều trị sớm Alzheimer.
Những người trẻ có nguy cơ mạch máu như cao huyết áp, đái tháo đường, kèm triệu chứng hay quên sớm hơn 40 tuổi, nên đi thăm khám thường xuyên vì nguy cơ Alzheimer có thể đến sớm hơn.
Cũng trong chương trình hưởng ứng ngày bệnh Alzheimer thế giới lần này, bên cạnh lễ mít tinh còn có rất nhiều hoạt động tập thể thú vị như: cuộc thi nặn tò he, hoạt động chụp ảnh lấy ngay, tiệm cà phê ký ức với những ly cà phê, nước ép miễn phí và đặc biệt là hoạt động khám sàng lọc phát hiện sớm sa sút trí tuệ tại Trung tâm Nghiên cứu trí nhớ và Sa sút trí tuệ của bệnh viện.
Già hóa dân số dẫn đến sự gia tăng số lượng người cao tuổi mắc sa sút trí tuệ. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, số lượng người mắc sa sút trí tuệ năm 2019 là 55 triệu người. Con số này được dự báo sẽ đạt 82 triệu người vào năm 2030, và 152 triệu người vào năm 2050. Tổng chi phí xã hội toàn cầu cho sa sút trí tuệ năm 2019 là 1.300 tỷ USD và dự báo có thể vượt quá 2.800 tỷ USD vào năm 2030 khi số người bị sa sút trí tuệ và chi phí chăm sóc họ đều tăng lên.
Thái Thúy (theo báo SK&ĐS)