29/07/2024
PrEP những điều cần biết
Lượt xem: 3762
PrEP có nghĩa là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho những người có hành vi nguy cơ, nhưng không nhiễm HIV bằng việc sử dụng thuốc kháng virus (ARV) hàng ngày hoặc theo chỉ định để phòng lây nhiễm.
PrEP là một chiến lược mới, là “lá chắn” hiệu quả góp phần hạn chế sự lây lan của HIV qua đường tình dục đến hơn 90%. Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo nên sử dụng PrEP trong dự phòng lây nhiễm HIV cho những nhóm có nguy cơ cao.
PrEP an toàn với hầu hết người sử dụng, chỉ có một số ít người (khoảng 10%) gặp tác dụng phụ như buồn nôn, đau đầu…, nhưng các tác dụng phụ thường nhẹ và chấm dứt sau khoảng một tuần. PrEP không ảnh hưởng tới việc sử dụng hoóc môn nữ. Trong trường hợp khách hàng gặp các tác dụng phụ hoặc có câu hỏi thắc mắc liên quan đến sử dụng PrEP, hãy trao đổi ngay với bác sĩ điều trị để được hướng dẫn cụ thể hơn.
PrEP được chứng minh rất hiệu quả với ba nhóm đối tượng sau: Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người chuyển giới nữ (TGW); Phụ nữ bán dâm, người sử dụng ma túy; Các cặp dị nhiễm, tức có 1 người nhiễm và một người không nhiễm HIV trong đó người nhiễm HIV chưa điều trị bằng thuốc ARV hoặc điều trị ARV chưa đủ 6 tháng, hoặc đã điều trị ARV trên 6 tháng nhưng vì lý do nào đó mà tải lượng HIV không đạt được dưới ngưỡng 200 bản sao/ml.
PrEP phòng lây nhiễm HIV nhưng không phòng được các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như lậu, giang mai, viêm gan B, C … Chính vì vậy, hãy sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục và bơm kim tiêm sạch khi tiêm chích bên cạnh việc sử dụng PrEP để giảm nguy cơ hơn nữa.
Ai nên sử dụng PrEP?
Những người chưa nhiễm HIV và có nguy cơ nhiễm HIV gồm:
Gần đây, có quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su với nhiều bạn tình, hoặc với bạn tình không rõ tình trạng nhiễm HIV
Bạn tình có HIV nhưng chưa điều trị hoặc đang điều trị nhưng chưa đạt tải lượng virus dưới 200 bản sao/ml máu.
Thường sử dụng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích.
Gần đây có mắc nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.
Có trao đổi tình dục lấy tiền hoặc ma tuý
Với bạn tình không rõ tình trạng nhiễm HIV
Bạn tình có HIV nhưng chưa điều trị hoặc đang điều trị nhưng chưa đạt tải lượng virus dưới 200 bản sao/ml máu.
Thường sử dụng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích.
Gần đây có mắc nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.
Có trao đổi tình dục lấy tiền hoặc ma tuý
Truyền thông sử dụng PrEP trong dự phòng lây nhiễm HIV cho những nhóm có nguy cơ cao.
PrEP có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV đến hơn 90%...
Ai không nên sử dụng PrEP?
Người dị ứng với thuốc (tenofovir và emtricitabine);
Người mắc rối loạn chức năng thận;
Người có dấu hiệu hoặc triệu chứng của nhiễm HIV cấp tính.
Người đa nhiễm HIV…
Do không phải tất cả mọi người đều dùng được PrEP, nên một người muốn dùng PrEP cần phải được bác sĩ tư vấn, khám và làm xét nghiệm trước khi chỉ định dùng.
Khi muốn sử dụng PrEP cần làm gì?
Khi một người có hành vi nguy cơ cao bị nhiễm HIV như quan hệ tình dục không an toàn hoặc tiêm chích không an toàn, hãy đến cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP.
Tại cơ sở cung cấp, các bác sỹ chuyên khoa sẽ hỏi sẽ hỏi một số câu hỏi để xác định khách hàng có nguy cơ cao bị nhiễm HIV hay không. Tất cả thông tin cá nhân của khách hàng đều được bảo mật.
Nếu khách hàng có nguy cơ cao, bác sỹ sẽ:
- Xét nghiệm HIV. Nếu khách hàng đã nhiễm HIV thì không cần dùng PrEP mà chỉ cần điều trị HIV/AIDS.
- Xét nghiệm viêm gan B. Nếu bị viêm gan B mãn tính, khách hàng cần đến gặp bác sỹ chuyên khoa về viêm gan trước khi dùng PrEP.
- Xét nghiệm chức năng của thận, vì thận có thể bị ảnh hưởng bởi thuốc PrEP.
- Xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác (lậu, giang mai, chlamydia…)
- Nếu khách hàng có thể dùng được PrEP, bác sỹ sẽ kê đơn thuốc, giải thích và hướng dẫn việc sử dụng PrEP.
Cách dùng PrEP như thế nào ?
Uống thuốc đều đặn 1 viên mỗi ngày vào 1 thời điểm nhất định. Dùng các biện pháp hỗ trợ như hẹn giờ, ứng dụng điện thoại nhắc nhở … để khỏi quên. Nếu lỡ quên hãy uống ngay khi nhớ ra (không uống quá 2 viên trong 24 giờ); PrEP đạt hiệu quả bảo vệ tối đa khi dùng 7 ngày liên tục với quan hệ tình dục hậu môn và 21 ngày liên tục đối với quan hệ tình dục âm đạo hoặc tiêm chích ma túy.
Truyền thông cộng đồng nhóm nguy cơ cao
Khi nào có thể dừng sử dụng PrEP?
PrEP không cần phải dùng cả đời, có thể dừng sử dụng PrEP khi:
Không còn nguy cơ lây nhiễm HIV, ví dụ: luôn sử dụng bao cao su đúng cách mỗi lần quan hệ tình dục; không sử dụng chung bơm kim tiêm…;
Chỉ có một bạn tình mà bạn tình đó có HIV âm tính và không có hành vi nguy cơ cao;
Vợ/chồng hoặc bạn tình có HIV đã điều trị ARV trên 6 tháng và có tải lượng virus đạt ngưỡng ức chế (dưới 200 bản sao/ml máu);
PrEP có miễn phí?
Hiện dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng PrEP đang được miễn phí cho các bệnh nhân tham gia điều trị.
PrEP được cung cấp ở đâu?
Hiện nay trên địa bàn tỉnh nghệ An được triển khai tại 05 điểm bao gồm:
- Phòng khám ngoại trú - Bệnh viện Đa khoa TP Vinh; ĐT: 091 6042227
- Phòng khám ngoại trú - Trung tâm Y tế Quỳ Hợp; ĐT: 098 2981003
- Phòng khám ngoại trú – Bệnh viện đa khoa Diễn Châu; ĐT: 098 4809235 - Phòng khám Glink Nghệ An – số 5 ngõ 12 đường Lệ Ninh, P Quán Bàu; ĐT: 097 5544553
Khi đến các địa chỉ trên khách hàng sẽ được tư vấn kỹ càng và làm các xét nghiệm cần thiết để được cấp thuốc điều trị.
Quỳnh Trang (Khoa HIV- AIDS)