Cuộc sống gia đình vất vả
Sinh ra ở Yên Thành,
cả gia đình chị chuyển lên xã Đồng Văn - huyện Tân Kỳ để khai hoang theo chính
sách của nhà nước. Sau khi học tại trường Cao đẳng y tế Thanh Hóa chị được cử về
xã Đồng Văn làm việc, năm 2009 chị được thuyên chuyển về trạm y tế xã Tiên Kỳ và
nhận nhiệm vụ trưởng trạm y tế bắt đầu từ tháng 10 năm 2021. Hoàn cảnh gia đình
rất khó khăn. Bố của chị là thương binh hạng 1/4 với tỉ lệ thương tật trên 90% do
bị chấn thương sọ não trong chiến tranh chống Mỹ nên không thể lao động được. Ông thường xuyên bị những cơn đau đầu dữ dội và không thể lao động. Mẹ
chị với những năm tháng khó nhọc làm lụng nuôi gia đình, chăm chồng đã kiệt sức đổ bệnh. Bà bị tai biến mạch máu não phải nằm liệt giường.
Mọi gánh nặng gia đình đều đè lên vai chị.Vừa phải phục vụ ông bà sinh hoạt tại chỗ từ ăn uống, tắm giặt, vệ sinh cho đến lúc mẹ chị mất
vào năm 2024. Cuộc sống
lại vất vả hơn khi chị quyết định làm mẹ đơn thân sau một biến cố hôn nhân, một
mình nuôi hai cô con gái còn nhỏ. Ít ai biết,
phía sau vẻ ngoài nhỏ nhắn ấy là một trái tim người mẹ đầy phi thường. Hầu như ngày nào vừa đi làm về là chị lại
tất bật đón con, nấu nướng, làm vườn, rồi dạy con học, gần như 23h đêm chị mới
xong việc. Sáng mai chị lại dậy sớm nấu ăn cho kịp giờ đi học của con. Có những
đêm trực chị phải đưa con theo bên mình. Vất vả là thế nhưng người ta ít khi thấy
chị kêu than hay trách móc. Chị Vi Thị Năm, viên chức dân số trạm y tế xã chia
sẻ: “Tuy ngoại hình nhỏ nhắn nhưng tính cách của chị rất mạnh mẽ. Có những hôm
tôi thấy chị còn về muộn hơn cả anh chị em trong trạm để hoàn thành báo cáo, kế
hoạch được giao, vì thế mà trạm y tế Tiên Kỳ chưa khi nào bị khiển trách vì chậm
trễ trong công việc”.
Chân dung Điều dưỡng Trần Thị Hồng - nữ Trưởng
trạm y tế xã Tiên Kỳ
Từ Những khó khăn tại một xã vùng sâu
Nằm sâu trong vùng đồi núi của huyện Tân Kỳ, xã Tiên Kỳ là nơi
sinh sống chủ yếu của 80% đồng bào dân
tộc thiểu số, với nhiều khó khăn về
điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội. Đặc thù dân cư phân tán, các xóm cách
trung tâm xã từ 4km trở lên, đường sá quanh co, mùa mưa bão thường xuyên ngập lụt
khiến việc di chuyển càng trở nên gian nan. Trong khi đó, các con đường ở trung
tâm xã đã được bê tông hóa, nhưng ở sâu trong các xóm làng, những lối đi vẫn
còn là đường đất, trở thành thử thách lớn mỗi khi đội ngũ y tế thực hiện các
chương trình khám chữa bệnh lưu động.Thêm vào đó, nhận thức về chăm sóc sức khỏe
của người dân những năm trước còn nhiều hạn chế. Tỷ
lệ tiêm phòng thấp, thủ tục khám chữa bệnh chưa được chú trọng, và tâm lý phụ
thuộc vào các bài thuốc dân gian đã từng là rào cản lớn cho ngành y tế tại đây.
Những hủ tục, niềm tin vào phương pháp chữa bệnh truyền miệng đôi khi khiến bệnh
tình nặng thêm, gây khó khăn cho công tác chăm sóc sức khỏe toàn diện.Điều dưỡng
Trần Thị Hồng, trong vai trò Trưởng trạm y tế xã Tiên Kỳ, đã không ít lần phải
lội nước qua những con tràn ngập lũ để đến các xóm xa khám bệnh cho người dân.
Chị chia sẻ: “Có những lần đi tiêm chủng cho trẻ em ở các xóm xa, chúng tôi phải
cử nhân viên vừa thuyết phục bà con, vừa giải thích tỉ mỉ từng lợi ích của tiêm
phòng”.
Mặc dù địa bàn rộng,
dân cư phân bố thưa nhưng cán bộ làm việc trạm chỉ có 5 người. Công tác y tế
đòi hỏi cần phải cập nhật tình hình thực hiện lên sổ sách và phần mềm liên tục.
Ngoài công tác khám chữa bệnh, trạm y tế còn phải thực hiện 18 chương trình mục
tiêu y tế quốc gia. Nhiều nhân viên trong trạm kỹ năng máy tính còn chưa thành
thạo. Với tình hình đó, chị đã liên tục tập huấn, phổ biến và hướng dẫn cách
ghi chép hồ sơ, sổ sách cho trạm. Chính chị cũng là người tiên phong trong cách
làm hồ sơ sổ sách đẹp mắt trong các chương trình như truyền thông giáo dục sức
khỏe, quản lý dược – trang thiết bị được cấp trên nhiều lần khen ngợi và có
nhiều khen thưởng trong phong trào Cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp.
Trạm chỉ có ít người nên chị đã tranh thủ sự phối hợp
của các chính quyền đoàn thể như đoàn xã, hội phụ nữ, Ủy ban nhân dân xã trong
việc chăm sóc môi trường cảnh quan của trạm cũng như trong các chiến dịch. Anh Lô
Hồng Tượng, bí thư đoàn xã Tân Kỳ chia sẻ: Lúc dịch Covid bùng phát, chúng tôi
vẫn chứng kiến chị đi lấy mẫu lúc 2,3 giờ sáng, thức đêm để giao cho kịp mẫu,
rồi đến sáng chị vẫn đi làm bình thường. Đối với công tác xanh sạch đẹp, đoàn
xã và trạm y tế đã có nhiều lần thực hiện cùng nhau như trồng cây, dọn dẹp nên
môi trường của trạm lúc nào cũng xanh tươi là vì thế”.
Dưới bàn tay của Trưởng trạm Trần Thị Hồng và các đồng nghiệp Trạm Y tế Tiên Kỳ luôn có khuôn viên xanh
tươi, sạch đẹp
Để nắm bắt tâm tư tình cảm của người dân, hàng
tuần chị cùng với cán bộ trạm và trưởng thôn còn đến từng hộ tuyên truyền vận
động bà con nhân dân về lợi ích của dịch vụ y tế, giúp người dân xóa bỏ các hủ
tục lạc hậu trong đời sống, ốm đau, sinh đẻ phải đến trạm y tế xã, thực hiện
các biện pháp ăn sạch, uống sôi, phòng trừ bệnh tật. Bằng tình cảm chân tình
của người con của đồng bào và trách nhiệm người cán bộ y tế, chị đã làm thay
đổi nhận thức của nguời dân trong việc khám và chữa bệnh và đã tạo thêm niềm tin
tưởng của người dân đối với cán bộ y tế xã. Chị Hồng kể lại: “Có những ngày cả
trạm phải dốc toàn lực để phòng chống dịch bệnh. Chúng tôi đã không ngủ suốt
nhiều đêm liền, chỉ mong không để bất kỳ ca nhiễm nào lây lan ra cộng đồng.
Anh Vi Văn Tiên, Phó Bí Thư xã Tiên Kỳ chia sẻ: “Được giao nhiệm vụ khi
còn ít tuổi nên việc chỉ đạo nhân viên trạm và nhân viên y tế thôn bản đã lớn
tuổi cũng là điều không dễ dàng, vì thế chúng tôi luôn thấy chị gương mẫu trong
công việc và xông xáo nhận các nhiệm vụ khó khăn.”
Đến kỷ niệm “nghẹt thở”
đem lại sự sống mới “Mẹ
tròn con vuông
Sáng ngày 22/9/2023, tại xóm Bản Chiềng, xã Tiên Kỳ, một câu chuyện
nghẹt thở nhưng đầy cảm hứng đã xảy ra, phản ánh chân thực những khó khăn và nỗ
lực của đội ngũ y tế tại vùng sâu. Sản phụ M.T.S., sinh năm 1992, bất ngờ chuyển
dạ sớm hơn dự kiến. Gia đình vội đưa chị đi sinh bằng ô tô, nhưng con đường dẫn
vào xóm đang thi công khiến xe không thể tiếp tục. Khi nhận ra em bé sắp chào đời,
người nhà vội quay lại và tìm đến sự giúp đỡ của Trạm Y tế xã Tiên Kỳ.Ngay khi
nhận được tin báo, chị Hồng đã không chút
chần chừ, mang theo dụng cụ y tế cần thiết, vượt đường đất lầy lội để đến nhà sản
phụ. Với chuyên môn vững vàng và kinh nghiệm nhiều năm, chị Hồng đã nhanh chóng
đỡ đẻ thành công trong hoàn cảnh vô cùng cấp bách. Một bé gái nặng 2,9kg cất tiếng
khóc chào đời khỏe mạnh, mẹ con sản phụ an toàn. Người dân chứng kiến không khỏi
xúc động, dành những lời cảm ơn chân thành cho chị Hồng.Câu chuyện tại Bản Chiềng
chỉ là một trong hàng ngàn ca chăm sóc y tế mà chị Hồng và đội ngũ y tế tại
Tiên Kỳ đã thực hiện trong điều kiện khó khăn.
Trưởng trạm Trần Thị Hồng giúp mẹ con sản phụ M.T.S vượt cạn thành công tại
nhà vào tháng
9/2023
Và những con số ấn tượng
Giữa những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, chị Hồng cùng
đội ngũ của mình đã từng bước thay đổi tư duy, nhận thức của cộng đồng, mang
ánh sáng y tế đến với từng ngôi làng xa xôi nhất của xã Tiên Kỳ.Dưới sự lãnh đạo
của chị, Trạm Y tế xã Tiên Kỳ đã đạt được
nhiều thành tích ấn tượng.
Trong giai đoạn từ 2022 đến 2024, trạm y tế Tiên Kỳ đã phục vụ
trung bình hơn 3.600 lượt khám chữa bệnh/năm, tỷ lệ điều trị ngoại trú luôn vượt
mức 100% kế hoạch. Năm 2019 tổng số lượt người được khám chữa bệnh chỉ có 1481 lượt người
thì đến năm 2024 thì con số này đã tăng lên 3407 lượt người.
Trong giai đoạn từ 2022 đến 2024, trạm đã phục vụ trung bình hơn
3.600 lượt khám chữa bệnh/năm, tỷ lệ điều trị ngoại trú luôn vượt mức 100% kế
hoạch
Đặc biệt Trước đây trạm y tế xã Tiên Kỳ
chưa tổ chức tiêm vắc xin dịch vụ tại cơ sở thì từ cuối năm 2021 đến nay trạm
đã tuyên truyền về các loại vắc xin dịch vụ dành cho các đối tượng có nhu cầu
như vắc xin Cúm, Bạch Hầu- Uốn ván, 6 in 1, Phế cầu, Rota... Đến năm 2024 số
người dân được tiêm vắc xin là 347 liều.
Trưởng trạm Trần Thị Hồng và các đồng nghiệp
tổ chức tiêm vắc xin cho học sinh tại trưởng THCS Tiên Kỳ
Đối với công tác an sinh xã hội, hằng năm
chị đã vận động cán bộ nhân viên y tế trạm quyên góp để ủng hộ các gia đình có
hoàn cảnh khó khăn. Tổng số tiền mà trạm y tế xã Tiên Kỳ đã ủng hộ trong 3 năm
qua là hơn 7 triệu đồng. Những bệnh nhân đang điều trị tại trạm cũng được chị
và trạm ủng hộ thường xuyên, khi thì quà, khi thì hiện vật.
Trưởng trạm Trần Thị Hồng hỗ trợ cho các bệnh
nhân có hoàn cảnh khó khăn
Những nỗ lực của chị Hồng không chỉ được lãnh đạo các cấp ghi nhận,
mà còn là nguồn cảm hứng lớn lao cho những nhân viên y tế khác. Trong những năm
gần đây, chị đã đạt nhiều danh hiệu cao quý như 3 lần liên tiếp đạt "Chiến
sĩ thi đua cơ sở" từ năm 2022 - 2024 , năm 2022 chị nhận bằng khen của Ủy ban
nhân dân tỉnh Nghệ An về phòng chống dịch Covid19, được Tỉnh hội điều dưỡng tặng
giấy khen vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022, năm 2024 chị được Liên
đoàn lao động huyện giấy khen với danh hiệu “Giỏi viêc nước, đảm việc nhà”.
Có thể nói, Trưởng trạm Trần Thị Hồng là minh chứng sống động cho câu nói: “Nghị lực lớn
lao không nhất thiết phải thể hiện qua những việc phi thường, mà có thể từ sự tận
tụy hàng ngày”. Cuộc đời chị là bản giao hưởng giữa tình yêu nghề, tình yêu gia
đình và sự hy sinh thầm lặng vì cộng đồng.Trong bối cảnh xã hội còn nhiều khó
khăn, những con người như chị Hồng chính là ngọn hải đăng, soi sáng cho những
vùng quê xa xôi. Họ nhắc nhở chúng ta rằng, bất kể hoàn cảnh, chỉ cần trái tim
đủ ấm, nghị lực đủ lớn, chúng ta có thể biến những điều bình thường thành phi
thường.
Hương Trà (TTYY Tân Kỳ)