Đầu
óc còn mông lung, tiếng điện thoại tắt phụt, điều dưỡng Thành vùng dậy, chống lại
cơn buồn ngủ, co ro mặc vội bộ đồ rồi lên xe lao đi trong ánh đèn đường vàng lạnh
ngắt. Bảo vệ bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An đã quá quen thuộc với cảnh
Thành phóng xe qua cổng, chạy thẳng tới khu can thiệp, rồi bỏ mặc xe đó, có khi
đỗ ngay giữa con đường nội bộ, chạy ào ào tới phòng can thiệp mạch đang sáng
đèn.
Trong một ca can thiệp
Các bác sĩ của ekip hội chẩn bệnh nhân
Hôm
nay không phải là ca trực của Thành, nhưng là một thành viên trong nhóm kỹ thuật
viên của đơn vị can thiệp mạch của Trung tâm Đột quỵ, Thành và 2 điều dưỡng nam
nữa, cùng một nhóm bác sĩ can thiệp mạch thay nhau đi đến bệnh viện. Chẳng còn
giờ giấc nữa, bệnh nhân vào, cần kíp, là được triệu lên bệnh viện như thế. Sự bất
thường những ngày đầu đến nay đã thành bình thường, mà không ai còn để ý tới.
"Hình ảnh trước và sau can thiệp nút phình bằng Coil"
Đến
nơi, cùng lúc các bác sĩ trong đơn vị can thiệp mạch của Trung tâm Đột quỵ vừa
tới, lại thấy thêm mấy bác sỹ khoa khác đang túm tụm cùng hội chẩn. Ánh đèn
sáng trưng trong phòng thiết bị để lộ đầu tóc chưa kịp vuốt gọn của vài người.
Bác sĩ Long, cao lềnh khềnh, nheo cặp mắt cận nhìn màn hình vi tính. Mạch não
hiện lên trên màn vi tính, lúc mờ lúc tỏ, nhấp nháy như đường sự sống yếu ớt.
Thanh Long lẩm nhẩm một mình, mấy bác sĩ trẻ Tiệp, Thịnh, Hướng.. nhìn người
anh cứng tay nghề, chờ đợi. Với họ, bác sĩ Thanh Long cùng với những yêu cầu
nghiêm ngặt đến mức khó khăn, chưa từng sai sót. Nhưng với công việc này, trả lại
sự bình thường cho đầu óc con người, cho mạch máu não chảy trôi như tạo hóa đã
xếp bày, đối với những bác sĩ trẻ, anh Long “cao” trở thành một người không thể
thiếu.
Một thuyết trình của bác sĩ Nguyễn Thanh Long về "Những điều không ngờ tới trong đột quỵ thiếu máu cục bộ cấp tính do LVO"
Bệnh
nhân nằm trên bàn can thiệp, tuổi ngoài 70, xe cấp cứu chở xuyên mấy huyện mới
tới thành phố Vinh, được xác định tắc cấp tính mạch máu não, tính từ thời điểm
cuối còn bình thường đến hiện tại chỉ hơn 4 giờ đồng hồ. Khoảng thời gian đó được
gọi là “thời gian vàng”, cộng với sự can thiệp kịp thời, một người ở lằn ranh cửa
tử có thể sẽ trở lại cuộc sống bình thường. Đây là một tin tốt cho người bệnh.
Có giọng ai đó nói “Người nhà của bệnh nhân này đáng được nhận lời khen”. Họ đã
kịp thời đưa người thân của mình đến bệnh viện trong khoảng thời gian quý giá đối
với một người bị đột quỵ não.
Chăm sóc bệnh nhân và giải
thích chu đáo cho người nhà
Lại
rù rì tiếng hội chẩn, tiếng phân công lanh lảnh, ai nấy chia ra làm việc của
mình. Tổ can thiệp quyết định lấy huyết khối bằng dụng cụ đi trong lòng mạch nhằm
tái thông mạch máu. Ngoài hành lang, nhóm người nhà bệnh nhân chụm vào với
nhau, ánh mắt mong ngóng, những bàn tay đan xoắn vào nhau, đâu đó khẽ khẽ tiếng
thở dài. Ca can thiệp được xác nhận đã thành công, bóng bác sĩ Long đổ dài trên
sàn gạch hàng lang, người nhà vây quanh chờ đợi. Bên ngoài, miên man đêm đen,
tiếng rủ rỉ trao đổi cũng trở nên vang vọng. Người thân qua cơn hiểm nạn, vài
tiếng thở hắt ra của người nhà như gạt được gánh nặng trên vai.
Cởi
bộ đồ bảo hộ chống tia nặng nề, bác sĩ Lê Quang Toàn, trên người lấm tấm mồ
hôi, ra khỏi phòng sau ca can thiệp. Anh
là người lăn lộn với từ thời đơn vị đột quỵ não thuộc khoa Thần kinh, nay đã ở
cương vị mới - giám đốc của Trung tâm. Tay nghề cao, cứng cựa, vừa chỉ lối cho
bác sĩ khoá sau, vẫn xắn tay vào làm mỗi khi gặp ca khó. Giọng sang sảng Hà
Tĩnh của anh rổn rảng: “Một ca can thiệp thành công, một người bệnh thoát khỏi
di chứng, là một niềm hạnh phúc lớn với cả đội nhóm chúng tôi. Cái cảm giác đó
như điều gây nghiện, chúng tôi chỉ muốn từ chối sự mời gọi của thần chết, của
thần tàn phế. Cho dù, không hẳn lần cò cưa nào, phần thắng cũng nghiêng về y
bác sĩ”.
Gửi đi học nâng cao
chuyên môn là sự đầu tư liên tục đang được trung tâm áp dụng
Dừng
một lát, lặng im, giọng anh trầm xuống: “Nhiều ca khi đưa vào trung tâm, đã quá
thời gian 6 giờ vàng sau khi cơn đột quỵ khởi phát. Sau khoảng thời gian đó, bệnh
nhân không được tái thông các mạch lớn bị tắc trong não sẽ có nguy cơ tử vong
cao hoặc bị tàn phế nặng nề. Rất đau lòng và bất lực.”
Ngồi
cạnh, bác sĩ Nguyễn Thanh Long cũng trầm ngân thở dài, mắt kính đọng làn hơi mỏng
mảnh, “Để bệnh nhân mình điều trị phải trả về nhà để lo việc hậu sự chưa bao giờ
là cảm giác có thể quen được. Bao nhiêu ca thành công, thì nhẹ nhàng dần quen dần
quên, nhưng khi bất lực phải buông tay để người ta vội vã đưa người thân của
mình trở về. Nó đau tức và trằn trọc lắm !”
Tiến
sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hòa, giám đốc đầu tiên của trung tâm, nay đã là Phó giám
đốc bệnh viện, luôn có những tâm tình sâu nặng với nơi mình đã đi lên. Anh trăn
trở: “Kỹ thuật trong can thiệp và điều trị đột quỵ thì nhiều. Bác sĩ chúng tôi
nói với nhau hằng ngày mà có khi nào hết đâu. Nhưng đó là người chuyên môn nói
với nhau. Còn bà con nhân dân mình, nhiều người có ít sự hiểu biết quá. Cái sự
đáng tiếc xảy ra, có khi chỉ cách nhau có vài hiểu biết mà thôi.”
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hoà
trong một buổi hội thảo
“Chỉ
vài chữ thôi” - Anh nhấn mạnh - “Mọi người chỉ cần nhớ là F.A.S.T, chỉ là
F.A.S.T thôi, chỉ cần chừng ấy thôi là đã cứu sống được bao nhiêu người, là bao
nhiêu người trở lại bình thường, không mắc phải những di chứng nặng nề nữa” Nó
là “ Face ( khuôn mặt) có lệch
không, miệng có méo không? là Arms
(cánh tay) và chân, một bên thân có tê, liệt không ? Là Speech (lời nói) có còn bình thường tỉnh táo hay khó khăn? Và cuối
cùng là Time (thời gian) 3-6 giờ là
khoảng thời gian vàng, hay là ta lại chần chừ chờ đợi để rồi đánh mất ?”
Những giải thưởng vàng,
kim cương, bạch kim đã trao cho Trung
tâm đột quỵ
“Tôi
chẳng mong bà con hiểu được những cái chuyện chuyên môn sâu sắc cao thâm. Đó là
chuyện của khoa học, của bác sĩ điều trị. Bà con chỉ cần nhớ mấy chữ đó, càng
nhiều người nhớ, chúng tôi càng mừng vui càng biết ơn lắm. Cuộc đời này sẽ bớt
đi rất nhiều đau thương” - bác sĩ Hoà gửi gắm.
Hội Đột quỵ thế giới làm
việc tại Trung
tâm Đột
quỵ BVHNĐK Nghệ An
Dù
mới 6 năm tuổi, trung tâm đột quỵ ở Nghệ An không có gì e thẹn khi đứng cạnh những
người anh lớn trong điều trị đột quỵ não của cả nước. Các giải thưởng vàng, kim
cương, bạch kim của Hội Đột quỵ thế giới là sự xác nhận cho những cố gắng vươn
lên, học hỏi và làm chủ kỹ thuật điều trị chuyên sâu. Sau ánh sáng của những
chúc tụng và xác nhận, như giám đốc Toàn tâm sự: “Chỉ còn lại người bệnh trên
bàn can thiệp”, và những cánh tay bác sĩ, kỹ thuật viên đang vội vã chạy đua với
thời gian cho mạch máu được thông suốt.
Người bệnh và thân nhân
yên tâm khi có được chữa trị tận tình
Trên
4000 ca bệnh mỗi năm, và ngày càng có dấu hiệu đột quỵ đang tăng lên nhanh
chóng, khiến nó trở thành một vấn nạn y tế chưa có điểm dừng. Nó là sự thôi
thúc y bác sĩ chạy đua với thời gian, với kỹ thuật, với hiểu biết. Thôi thúc với
cả những nỗi đau thương trong lòng và niềm vui khi thấy mình nhẹ nhàng bước ra
khỏi phòng can thiệp sau mỗi ca bệnh thành công.
Điều dưỡng Nguyễn Nhật
Thành sau một ca can thiệp thành công
Rời
phòng kỹ thuật, điều dưỡng Thành bước vào hành lang khu can thiệp, đưa điện thoại
ra nhắn tin với vợ, cũng là một điều dưỡng - “Sắp sáng rồi, em chuẩn bị cho 2
con dậy mà đi học, anh ở lại làm luôn. Mất ngủ, nhưng ca này thành công !”
Thành mỉm cười rồi rảo rảo bước lên tầng 5 bệnh viện, nơi đặt trung tâm đột quỵ,
hằng ngày trên dưới 120 người bệnh ổn định hơn đang điều trị tại đây.
Đã
tang tảng sáng, bầu trời nhàn nhạt màu đêm, le lói màu vàng hồng ở chân trời
phía đông. Tiếng gà gáy lanh lảnh đâu đó nghe như ở bên kia con đường sát bệnh
viện, quanh đây phố xá vẫn còn trong cơn ngái ngủ.
Võ Thị Thơ - Điều dưỡng Trung tâm Đột
Quỵ, Bệnh viện Hữu
nghị đa khoa
Nghệ An