Ghi nhận tại cơ sở y tế cho thấy, một số bệnh nhân nhập viện vì hạ đường huyết nhưng khi kiểm tra lại có đường huyết cao và vẫn không đủ tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường hoặc được xét nghiệm không đúng. Vì vậy, việc chẩn đoán đái tháo đường muộn sẽ giết chết sớm cả nghìn người.
Khuyến cáo về chẩn đoán xác định đái tháo đường
Theo hướng dẫn của Hội đái tháo đường Hoa Kỳ, chẩn đoán xác định đái tháo đường có thể dựa vào đường huyết lúc đói, hoặc đường huyết 2h sau làm nghiệm pháp dung nạp với 75g glucose, hoặc HbA1C.
Cả 3 xét nghiệm này có giá trị như nhau trong sàng lọc đái tháo đường.
- Chẩn đoán ngay nếu bệnh nhân có triệu chứng điển hình của tăng đường huyết và xét nghiệm đường huyết bất ký ≥ 11,1 mmol/l (200mg/dl). Nếu không thì cần 2/3 kết quả sàng lọc trên cao hơn ngưỡng, có thể trong cùng 1 mẫu máu hoặc từ 2 mẫu máu riêng biệt.
- Nếu cho làm mẫu thứ 2 (làm cùng hoặc khác với xét nghiệm ban đầu) mà kết quả cũng cao thì cho phép chẩn đoán xác định ngay. Ví dụ nếu HbA1C là 7,0% và xét nghiệm lại là 6,8% thì chẩn đoán đái tháo đường.
- Nếu 2 kết quả khác nhau (ví dụ HbA1C và đường huyết đói), ở cùng 1 mẫu hoặc từ 2 mẫu máu khác nhau đều trên ngưỡng thì cũng chẩn đoán đái tháo đường.
Trong trường hợp 2 kết quả xét nghiệm mâu thuẫn nhau thì xét nghiệm nào cho kết quả cao hơn ngưỡng chẩn đoán nên được làm lại, với lưu ý đặc biệt đến khả năng xét nghiệm HbA1C bị tương tác bởi các yếu tố khác.
Chẩn đoán có bị đái tháo đường hay không sẽ dựa vào kết quả của xét nghiệm được làm lại này. Ví dụ, nếu HbA1C ≥ 6,5% mà đường huyết đói < 7,0 mmol/l, nhưng làm lại HbA1C vẫn ≥ 6,5% thì bệnh nhân được chẩn đoán ngay là đái tháo đường.
Lưu ý là các xét nghiệm sàng lọc có thể có những dao động nên khi làm lại có thể lại cho kết quả thấp dưới ngưỡng chẩn đoán, hay gặp khi làm xét nghiệm đường huyết đói hoặc đường huyết sau 2h làm nghiệm pháp dung nạp glucose mà mẫu máu bị để lâu mới được cho vào máy.
Trường hợp kết quả xét nghiệm xấp xỉ ở ngưỡng chẩn đoán thì bác sĩ nên tìm hiểu kỹ các dấu hiệu và triệu chứng của người bệnh, và cho xét nghiệm lại sau 3-6 tháng.
Chẩn đoán đái tháo đường muộn sẽ giết chết sớm hàng nghìn người
Đái tháo đường là một vấn đề sức khỏe lớn trong thời đại của chúng ta. Số lượng người mắc đái tháo đường ngày càng gia tăng. Nhưng việc chẩn đoán muộn sẽ khiến người bệnh bị mắc suy thận, mù lòa, nhồi máu cơ tim sớm hơn.
Theo công bố của Liên đoàn đái tháo đường Thế giới (IDF) công bố năm 2021, cả thế giới có tới 537 triệu người mắc đái tháo đường, tương ứng với tỷ lệ cứ 10 người lớn độ tuổi 20 - 79 tuổi có 1 người mắc đái tháo đường; cứ 6 trẻ sinh ra có 1 trẻ bị ảnh hưởng bởi đái tháo đường trong giai đoạn phát triển thai nhi. Đặc biệt, có tới 50% số người trưởng thành mắc đái tháo đường mà không được chẩn đoán.
Tại Việt Nam, kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2021 cho thấy tỷ lệ mắc đái tháo đường ở người trưởng thành ước tính là 7,1%, tương đương với khoảng gần 5 triệu người đang mắc bệnh đái tháo đường.
Trong đó, số đã được chẩn đoán chỉ chiếm khoảng 35% và số đang được quản lý, điều trị tại các cơ sở y tế chiếm 23,3%. Theo dự báo, số mắc đái tháo đường của Việt Nam cũng như toàn thế giới sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới.
Vì vậy, việc phát hiện sớm là vô cùng quan trọng, cụ thể chúng ta cần sàng lọc để chẩn đoán sớm bệnh đái tháo đường được thực hiện cho những đối tượng sau:
1. Người trưởng thành ở bất kỳ tuổi nào có thừa cân hoặc béo phì (BMI ≥ 23 kg/m2) và có kèm một trong số các yếu tố nguy cơ sau:
- Có người thân đời thứ nhất (bố mẹ, anh chị em ruột, con đẻ) bị đái tháo đường
- Tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch
- Tăng huyết áp (huyết áp ≥ 140/90 mmHg, hoặc đang điều trị tăng huyết áp)
- Chỉ số HDL cholesterol < 35 mg/dL (0,9mmol/l) và/hoặc triglyceride >250mg/dL (2,8mmol/l)
- Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang
- Người ít hoạt động thể lực
- Các tình trạng lâm sàng khác liên quan với kháng insulin (như béo phì nặng, dấu gai đen (acanthosis nigricans)
2. Phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ cần theo dõi lâu dài, xét nghiệm ít nhất mỗi 3 năm.
3. Tất cả mọi người từ tuổi 45 trở lên.
4. Nếu các kết quả bình thường, xét nghiệm sẽ được làm lại trong vòng 1- 3 năm sau hoặc ngắn hơn tùy theo kết quả ban đầu và các yếu tố nguy cơ.
Đừng để chẩn đoán đái tháo đường muộn, nếu bạn có yếu tố trên, hãy đến khám bác sĩ chuyên khoa đái tháo đường, và hãy làm đúng hướng dẫn của các bác sĩ tránh tình trạng hạ đường huyết, biến chứng khác của bệnh đái tháo đường nguy hiểm đến tính mạng.
Có thể chẩn đoán đái tháo đường trong 4 tình huống sau:
1. HbA1c ≥ 6.5%.
2. Glucose máu đói ≥ 7.0 mmol/L (126 mg/dL)
3. Glucose máu 2h sau làm nghiệm pháp dung nạp glucose ≥ 11.1 mmol/L (200 mg/dL)
4. Bệnh nhân có các triệu chứng kinh điển của đái tháo đường (uống nhiều, đái nhiều, gầy sút), và glucose máu bất kỳ ≥11.1 mmol/L (200 mg/dL).
Theo SK&ĐS