27/03/2025
Hoại tử vô mạch: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa
Lượt xem: 53
Hoại tử vô mạch (Osteonecrosis) là một tình trạng thoái hóa xương đặc trưng bởi hoại tử các thành phần tế bào của xương diễn ra thứ phát do việc cung cấp máu dưới sụn bị gián đoạn.
1. Tổng quan bệnh hoại tử vô mạch
Hoại tử vô mạch thường xuất hiện ở các chỏm xương tại các khớp chịu trọng lượng. Bệnh còn được gọi với các tên: hoại tử vô khuẩn, hoại tử xương do thiếu máu cục bộ. Trường hợp nặng có thể dẫn đến sự phá hủy xương dưới sụn gây xẹp chỏm, phá hủy toàn bộ khớp.
Hoại tử vô mạch (Osteonecrosis) là một tình trạng thoái hóa xương đặc trưng bởi hoại tử các thành phần tế bào của xương diễn ra thứ phát do việc cung cấp máu dưới sụn bị gián đoạn.
Hoại tử vô mạch thường gặp nhất ở chỏm xương đùi, song cũng được tìm thấy ở chỏm xương cánh tay, khớp gối,… ít thấy ở các xương nhỏ, xương dẹt. Hoại tử vô mạch tương đối phổ biến. Nam giới có xu hướng bị ảnh hưởng nhiều hơn.
2. Nguyên nhân bệnh hoại tử vô mạch
Những yếu tố có thể dẫn đến hoại tử vô mạch bao gồm:
- Rượu.
- Bisphosphonat. Những loại thuốc làm tăng mật độ xương này có thể dẫn đến hoại tử xương hàm, nhất là khi chúng đang dùng cho bệnh đa u tủy hoặc ung thư vú di căn.
- Điều trị y tế.
- Thuốc steroid.
- Chấn thương.
- Cục máu đông, viêm và tổn thương động mạch: Tất cả những điều này có thể ngăn chặn lưu lượng máu đến xương.
Sinh lý bệnh đặc trưng trong hoại tử vô mạch là thiếu máu cục bộ dẫn đến tổn thương xương. Các yếu tố gây tình trạng thiếu máu cục bộ trong hoại tử vô mạch đã được nghiên cứu bao gồm:
- Gián đoạn mạch máu. Xương, đặc biệt là chỏm xương được cung cấp dinh dưỡng bởi các mạch máu. Khi có yếu tố tác động như gãy xương, trật khớp, chấn thương mạch máu sau phẫu thuật sẽ gây đứt gãy tổn thương các mạch máu tương ứng.
- Tắc nội mạch. Sự gián đoạn dòng chảy của mạch máu đến chỏm xương đùi có thể xảy ra do tắc nghẽn nội mạch. Nhiều căn nguyên có thể gây ra tắc nghẽn này, cụ thể là tắc mạch do cục máu đông, tắc mạch do mỡ, tắc mạch khí.
- Nén nội mạch ngoại vi (nén mạch máu do áp lực từ bên ngoài mạch). Khi có áp lực từ bên ngoài mạch máu tác động vào, dòng máu đi trong mạch có thể giảm dần, gây thiếu máu cục bộ.
- Tổn thương tế bào trực tiếp. Những người bệnh điều trị hóa trị, xạ trị, chấn thương nhiệt, dùng corticoid hoặc hút thuốc sẽ có nguy cơ tổn thương xương và mạch máu gây tình trạng hoại tử vô mạch.
- Các nguyên nhân khác. Tăng lipid máu, tăng acid uric máu, viêm tụy, bệnh bạch cầu hoặc ung thư hạch đều được coi là nguyên nhân tiềm ẩn gây hoại tử vô mạch chỏm xương đùi.
Triệu chứng hoại tử vô mạch
Trong giai đoạn đầu, hoại tử vô mạch thường không có triệu chứng. Khi bệnh nặng hơn, bệnh nhân sẽ cảm thấy:
- Đau có thể đau nhẹ thoáng qua và tự khôi phục. Đến giai đoạn sau, người bệnh bắt đầu xuất hiện đau rõ ràng. Tính chất đau khác biệt ở các bệnh nhân khác nhau. Ở người hoại tử vô mạch không do chấn thương thường đau kiểu cơ học, đau tăng khi đi lại vận động, giảm khi nghỉ ngơi. Ở giai đoạn sau, người bệnh có thể đau tăng về đêm.
- Thay đổi dáng đi, hạn chế vận động. Với tổn thương chỏm xương đùi và đầu dưới xương đùi, người bệnh có thể thấy dáng đi khập khiễng, các vận động của khớp liên quan giảm.
4. Chẩn đoán và điều trị hoại tử vô mạch
Bác sĩ kiểm tra các khớp của người bệnh để kiểm tra các điểm đau và di chuyển các khớp để kiểm tra giới hạn vận động. Người bệnh có thể thực hiện một trong các chẩn đoán hình ảnh sau để tìm nguyên nhân gây ra cơn đau: Xạ hình xương, chụp MRI và CT, Chụp X-quang
Mục tiêu điều trị của hoại tử vô mạch là cải thiện khớp, ngăn chặn tổn thương xương và giảm đau. Phương pháp điều trị tốt nhất sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố như: Tuổi, giai đoạn bệnh, vị trí và số lượng xương bị tổn thương, nguyên nhân của hoại tử vô mạch.
Bác sĩ cũng có thể đề nghị các bài tập vận động đa dạng để giúp khớp vận động. và dùng các loại thuốc: thuốc chống đông, thuốc kháng viêm không steroid, thuốc giảm mỡ máu.
Chăm sóc tại nhà: Cho khớp nghỉ ngơi có thể giúp làm chậm tổn thương. Người bệnh có thể cần phải ngừng hoạt động thể chất hoặc sử dụng nạng trong vài tháng. Tập các bài tập vật lý trí liệu.
Bác sĩ kiểm tra các khớp của người bệnh để kiểm tra các điểm đau và di chuyển các khớp để kiểm tra giới hạn vận động. Ảnh minh họa
5. Phòng ngừa hoại tử vô mạch
Để giảm nguy cơ bị hoại tử vô mạch, người bệnh nên:
- Duy trì lượng cholesterol máu thấp: Mỡ máu là chất phổ biến nhất ngăn chặn nguồn cung cấp máu cho xương.
- Không uống rượu bia.
- Sử dụng steroid cẩn thận bởi dùng steroid nhiều lần có thể làm tổn thương xương trầm trọng hơn.
- Không hút thuốc lá.
- Hạn chế chấn thương.
- Duy trì cân nặng ổn định.
- Hãy gặp bác sĩ nếu bị đau dai dẳng ở bất kỳ khớp nào, nhất là khi triệu chứng không tự thuyên giảm mà tiến triển nặng dần theo thời gian. Và cần đến khám ngay khi có dấu hiệu gãy xương hoặc trật khớp.
Phạm Hường (theo báo SK&ĐS)