Cứng khớp là tình trạng khó cử động các khớp, thường xuất hiện ở các đốt ngón tay, bàn tay, cổ tay, khuỷu, gối, cổ chân, bàn ngón chân. Hiện tượng này có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào và ít nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng vận động.
Cứng khớp theo thời gian triệu chứng càng trở nên nghiêm trọng và có thể khiến bệnh nhân không thể cử động ở vùng chi bị ảnh hưởng. Vì vậy, việc thay đổi một số thói quen trong sinh hoạt sẽ giúp hạn chế diễn tiến của cứng khớp.
Nguyên nhân dẫn đến cứng khớp
Tuổi tác là nguyên nhân phổ biến gây cứng khớp, chủ yếu do hiện tượng lão hóa các cơ, sụn khớp, dây chằng, xương khớp. Ngoài quá trình lão hóa thông thường, một số bệnh hoặc tình trạng nhất định có thể gây cứng khớp bao gồm:
Cứng khớp thường diễn ra vào buổi sáng sau khi ngủ dậy hoặc sau một tư thế bất động kéo dài, sau khi người bệnh có động tác gấp duỗi thì các khớp sẽ vận động dễ dàng hơn hoặc gần như bình thường (thường gọi là dấu hiệu phá gỉ khớp), "thời gian phá gỉ khớp" thường mất khoảng 15 - 20 phút đến 1 giờ, thậm chí có thể hơn 1 giờ.
Nguyên nhân là bởi khi ngủ và nằm yên trong vài giờ, chất lỏng giúp khớp cử động dễ dàng sẽ không thể thực hiện được nhiệm vụ. Đây cũng là một lý do tại sao bạn thức dậy với đầu gối hoặc bàn tay cứng và sưng. Điều này khiến việc cử động các khớp trở nên khó khăn hơn vào buổi sáng.
Cứng khớp nhẹ có thể chỉ ảnh hưởng đến khả năng vận động của bạn trong một khoảng thời gian ngắn vào mỗi buổi sáng hoặc sau khi ngồi trong thời gian dài. Nhưng tình trạng khô khớp có thể nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng đến khả năng vận động hàng ngày. Để giảm thiểu tình trạng này hãy cố gắng di chuyển nhiều hơn trong ngày.
Cứng khớp là tình trạng khó cử động các khớp.
Điều trị cứng khớp
Triệu chứng cứng khớp chỉ được điều trị nhanh chóng và triệt để khi tìm ra nguyên nhân. Nếu bị cứng khớp cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa, các cơ sở y tế uy tín để được đánh giá, thăm khám và chữa trị nhằm giảm bớt tình trạng khớp bị cứng, ngăn chặn các biến chứng liên quan.
Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần có thói quen sinh hoạt khoa học để hạn chế diễn tiến của cứng khớp.
Chườm nóng hoặc chườm lạnh
Chườm lạnh hoặc sử dụng túi đá đặt lên khớp cứng trong 15 – 20 phút nhiều lần mỗi ngày. Điều này có thể giúp giảm viêm hoặc sưng, giúp khớp dễ vận động, đồng thời giảm đau nhanh chóng.
Sử dụng miếng đệm nóng, chai nước nóng hoặc nước ấm từ vòi hoa sen hoặc bồn tắm để thư giãn cơ bắp và tăng cường tuần hoàn. Lưu ý để tránh bị bỏng lạnh hay bỏng nhiệt cần có túi chườm bằng vải không trực tiếp lên vị trí tổn thương.
Chế độ sinh hoạt
- Uống nhiều nước, ít nhất 1,5 lít nước/ngày.
- Bỏ rượu bia, thuốc lá.
- Duy trì cân nặng bình thường.
- Giảm căng thẳng bằng tập thiền, tập yoga và dành thời gian với bạn bè.
- Tập thể dục mỗi ngày.
- Làm việc, nghỉ ngơi hợp lý.
Chế độ dinh dưỡng
Vì cứng khớp có liên quan chặt chẽ đến tình trạng viêm, nên ăn thực phẩm chống viêm có thể giúp giảm cứng khớp.
Thực phẩm có xu hướng chống viêm bao gồm:
- Rau xanh.
- Cá hồi, cá thu hoặc cá ngừ.
- Dâu tây, quả việt quất, quả mâm xôi.
- Quả óc chó hoặc hạnh nhân.
- Dầu ô liu.
- Nghệ.
Thực phẩm cần hạn chế khi bị cứng khớp bao gồm:
- Đường, nước ngọt, nước uống có ga.
- Thịt đỏ.
- Thức ăn nhanh.
Cần kiểm soát tốt cân nặng
Người bệnh cần kết hợp tập thể dục hàng ngày để ổn định sức khỏe và loại bỏ biến chứng từ cứng khớp. Đi bộ 10 nghìn bước mỗi ngày cũng là cách được khuyến khích. Trong lúc đi đừng quên đung đưa cánh tay để giải phóng endorphin, một hormone giảm đau tự nhiên giúp triệu chứng chuyển biến tích cực.
Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao tăng sức khỏe cơ bắp và xương khớp như các bài tập tăng cường, các bài tập phạm vi chuyển động, các bài tập aerobic, bài tập thăng bằng…
NL ( theo báo SK&ĐS )