1. Vì sao vỏ chuối chín có nhiều đốm nâu?
Giống như nhiều loại trái cây, chuối tiếp tục chín khi để lâu. Vỏ chuối ban đầu có màu xanh nhưng chuyển sang màu vàng khi bắt đầu chín.
Khi chuối chín, chúng tạo ra và giải phóng khí ethylene, khiến sắc tố màu vàng trên vỏ quả bị phân hủy và chuyển dần sang đốm nâu hoặc thâm.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, đốm nâu trên vỏ chuối là dấu hiệu cho thấy độ chín. Các đốm sẽ có nhiều màu nâu khác nhau tùy thuộc quá trình chín tự nhiên hoặc do tiếp xúc với không khí.
Chuối là loại trái cây thải ra nhiều khí ethylene, giống như táo, bơ, lê và cà chua... Sự phát thải ethylene là tự nhiên và là một phần của quá trình chín của chuối. Khi thịt chuối tiếp xúc với không khí do bị rách hoặc thủng trên vỏ, quá trình oxy hóa (hay còn gọi là hiện tượng hóa nâu do enzyme) sẽ xảy ra, hiện tượng này cũng xuất hiện dưới dạng vết thâm.
Theo nghiên cứu, enzyme chịu trách nhiệm tạo ra màu nâu được gọi là polyphenol oxidase (hoặc PPO). Khi có oxy, enzyme PPO sẽ biến đổi các chất được gọi là hợp chất phenolic (thông qua quá trình oxy hóa) thành các chất khác nhau, các hợp chất gọi là quinone sau đó phản ứng với các hợp chất khác để tạo thành melanin. Melanin là sắc tố màu nâu sẫm tương tự như màu tóc, da và tròng mắt của chúng ta. Nó cũng làm cho trái cây và rau quả có màu đốm nâu.
Vì vậy, chuối bị oxy hóa, mặc dù có thể kém bắt mắt hơn so với khi vỏ màu vàng nhưng vẫn có thể ăn được.
Chuối đốm nâu có ăn được hay không tùy thuộc vào độ chín của chuối miễn là chuối không bị mốc, không quá nhũn khi bóc vỏ thì có thể ăn chuối nâu một cách an toàn.
Đốm nâu trên vỏ: Nếu vỏ chuối chỉ có những đốm nâu nhỏ, đó là dấu hiệu cho thấy tinh bột trong chuối đã chuyển hóa thành đường khiến chuối ngọt và mềm hơn. Chuối như vậy hoàn toàn ăn được và thậm chí còn ngon hơn.
Vỏ nâu nhưng thịt chuối vẫn tốt: Nếu vỏ chuối chuyển sang màu nâu nhưng thịt chuối bên trong vẫn có màu vàng tươi, không bị nhũn nát, không có mùi lạ hay nấm mốc thì vẫn có thể ăn được. Chuối lúc này thường rất ngọt.
Sử dụng chuối nâu để chế biến: Chuối chín nâu thích hợp để làm các món như sinh tố, bánh chuối, kem chuối...
Lưu ý, chuối càng chín thì càng dễ bị vi khuẩn xâm nhập, do đó nên ăn chuối sau khi chín càng sớm càng tốt.
2. Khi nào không nên ăn chuối có vỏ màu nâu?
Thông thường, việc để thịt chuối tiếp xúc với không khí là nguyên nhân chính gây thối rữa. Bất kỳ lỗ hở nào trên lớp phủ bảo vệ của vỏ đều cho phép oxy đi vào thịt, điều này có thể khiến thịt chuối trước tiên bị oxy hóa và sau đó bị phân hủy. Vỏ bị hư hỏng cũng có thể tạo điều kiện cho các loài gây hại như ruồi giấm hoặc ruồi nhà tiếp cận.
Vì vậy, nên bỏ qua những quả chuối có vết thâm đen bất thường. Khi mua chuối, luôn chọn chuối còn nguyên cuống. Bất kỳ lỗ hở nào trên vỏ đều tạo điều kiện cho không khí và vi khuẩn xâm nhập vào thịt chuối sẽ khiến chuối hỏng nhanh hơn.
Không nên ăn chuối khi:
Chuối bị nhũn nát, chảy nước: Nếu chuối quá chín, bị nhũn nát, chảy nước và có mùi chua hoặc mùi lên men thì không nên ăn.
Có nấm mốc: Nếu trên vỏ hoặc thịt chuối xuất hiện nấm mốc (thường có màu trắng, xanh hoặc đen), tuyệt đối không nên ăn vì có thể gây ngộ độc.
Có mùi lạ: Nếu chuối có mùi hôi, mùi khó chịu khác thường thì cũng không nên ăn.
3. Ăn chuối đốm nâu có tốt cho sức khỏe không?
Một số người nghĩ rằng chuối có vỏ màu nâu ít dinh dưỡng hơn chuối khi vỏ vàng nhưng trên thực tế, sự khác biệt giữa hai loại này khá nhỏ. Chuối chuyển sang vỏ màu nâu mà thịt chuối vẫn thơm ngon thì vẫn chứa các chất dinh dưỡng lành mạnh như vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa.
Tuy nhiên, một số chất dinh dưỡng cần lưu ý trong chuối nâu là chất xơ và đường. Khi chuối chín, các chất xơ bắt đầu phân hủy và tinh bột phức tạp chuyển hóa thành đường đơn giản. Nếu lo lắng về lượng đường tiêu thụ hoặc lượng đường trong máu, tốt nhất nên ăn chuối khi còn vỏ màu vàng.
Phạm Hường (tổng hợp)