Tiếp thu tối đa ý kiến, hoàn thiện dự thảo sửa đổi Luật Dược để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8
Chiều 29/8, tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Phát biểu đóng góp ý kiến, ĐBQH Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, đây là dự án luật sửa đổi nhưng được thảo luận, "mổ xẻ" rất kỹ. Điều này cho thấy sự cố gắng của Bộ Y tế, đặc biệt là Ủy ban Xã hội.
Về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử (TMĐT) tại khoản 1a, Điều 42 sửa đổi có quy định "thuốc bán lẻ theo phương thức TMĐT phải thuộc danh mục thuốc không kê đơn, thuốc thuộc danh mục hạn chế bán lẻ, thuốc phải kiểm soát đặc biệt", theo ông Nguyễn Anh Trí, quy định như vậy là đúng nhưng chưa đủ.
Phân tích thêm, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói: "Việc khám, chữa bệnh từ xa đang dần phát triển, việc kê đơn tất nhiên phải là kê đơn điện tử, bệnh án điện tử, v.v. đưa thuốc đến tận nhà cho người bệnh, chính đó là TMĐT, hầu hết là các loại thuốc được kê đơn. Vì vậy, mong Ban soạn thảo cân nhắc có thêm quy định cho phép bán thuốc qua mạng cho những trường hợp thực hiện khám, chữa bệnh từ xa với điều kiện: Do nhà thuốc có uy tín, được cấp phép; người giao hàng là người có đăng ký với nhà thuốc".
Cũng liên quan đến vấn đề trên, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, Ban soạn thảo đã chỉnh sửa rất nhiều và nổi lên 2 nội dung chính, đó là nếu bán lẻ theo phương thức TMĐT thì sẽ thực hiện danh mục thuốc không kê đơn. Tuy nhiên, trong dự thảo quy định một hình thức nữa, đó là bán buôn theo phương thức TMĐT, tức là bán cả thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, các thuốc quản lý đặc biệt và nguyên liệu làm thuốc.
"Việc triển khai hình thức này sẽ rất vướng mắc trong thực tiễn, bởi vì nếu kinh doanh theo phương thức TMĐT thì khó phân biệt được hình thức bán buôn hay bán lẻ. Theo quy định việc bán buôn thuốc không phải là bán nhiều, bán lẻ thuốc không phải là bán ít mà bán buôn thuốc là bán cho một cơ sở có pháp nhân, bán lẻ thuốc là bán đến tay người tiêu dùng", đại biểu Nhị Hà nói.
Bà Trần Thị Nhị Hà cũng nhấn mạnh, đã TMĐT thì chỉ bán thuốc không kê đơn và đây là một mô hình rất nhiều nước trên thế giới đã áp dụng việc thực hiện TMĐT với thuốc không kê đơn. Đồng thời, cần phải xây dựng nguyên tắc cụ thể tại luật, sau đó Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ quy định để tránh tình trạng mua bán thuốc tràn lan, không kiểm soát được và sử dụng thuốc quá liều, đặc biệt là những thuốc gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người dân trên môi trường TMĐT.
Bên cạnh đó, tại phiên thảo luận, các ĐBQH cũng đã cho ý kiến liên quan đến chính sách phát triển dược liệu và thiết kế các nội dung liên quan đến ưu đãi về đầu tư trong lĩnh vực dược, trong đó có ưu đãi vùng dân tộc thiểu số; Việc quản lý giá thuốc, trong đó quan tâm đến vấn đề công bố giá thuốc cũng như thủ tục kê khai giá thuốc.
Giải trình, làm rõ một số ý kiến ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cảm ơn các ý kiến phát biểu của các ĐBQH đóng góp và đây là cơ sở quan trọng để cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Bộ trưởng khẳng định, đây là một luật rất quan trọng đối với ngành y tế. Khi luật được ban hành sẽ đi vào cuộc sống.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho hay, UBTVQH sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo các ý kiến của các vị ĐBQH tại Hội nghị chuyên trách hôm nay để hoàn chỉnh hồ sơ, lấy ý kiến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan có liên quan và gửi hồ sơ dự án luật lấy ý kiến của các Đoàn ĐBQH để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 8.
Thu Hiền (theo báo SK&ĐS)