Thứ trưởng Bộ Y tế tham dự phiên thảo luận của WHO Tây Thái Bình Dương về biến đối khí hậu và sức khoẻ
Từ ngày 21-25/10, đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng làm Trưởng đoàn đã tham dự Kỳ họp lần thứ 75 của Tổ chức Y tế thế giới Khu vực Tây Thái Bình Dương tổ chức tại Manila, Philippines (RCM75).
Tại kỳ họp lần này, biến đổi khí hậu và sức khỏe là một trong những nội dung ưu tiên quan trọng của chương trình nghị sự. Bộ Y tế Việt Nam được mời tham dự 2 phiên thảo luận liên quan đến biến đổi khí hậu gồm: Phiên thảo luận chuyên đề "Xây dựng cơ sở y tế chống chịu với khí hậu" (Agenda item 9) và phiên thảo luận về các hoạt động của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại các quốc gia thành viên tập trung vào hỗ trợ của WHO cho hoạt động thích ứng biến đổi khí hậu (Agenda item 15.2).
Trong khuôn khổ Kỳ họp RCM75, chiều 21/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã tham dự phiên thảo luận chuyên đề về "Xây dựng cơ sở y tế chống chịu với khí hậu" cùng với Bộ trưởng Bộ Y tế Fiji và Thứ trưởng Bộ Y tế Lào.
Tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương chia sẻ, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan như hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng, lũ lụt, bão, gần đây nhất là cơn bão số 3 (bão Yagi).
Do đó trong những năm qua Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chiến lược, chính sách tổng thể hướng tới xây dựng cơ sở y tế chống chịu với khí hậu và môi trường bền vững theo hướng dẫn của WHO như ban hành chính sách quốc gia về kế hoạch thực hiện cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp từ năm 2016 với các tiêu chí về cơ sở y tế phải đảm bảo về cây xanh, cung cấp nước sạch, nhà vệ sinh sạch, vệ sinh môi trường, quản lý chất thải y tế, tiết kiệm năng lượng;
Đưa các giải pháp về công trình ứng phó với biến đổi khí hậu vào quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế để có khả năng chống chịu trước bão, lũ, sạt lở đất, xâm nhập mặn, nước biển dâng; thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực khám chữa bệnh;
Ứng dụng TeleHealth để kịp thời hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới; triển khai thí điểm một số mô hình đảm bảo cung cấp nước sạch cho các cơ sở y tế bị thiếu nước; áp dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm tiên tiến thân thiện với môi trường;
Đồng thời, chú trọng đầu tư, cải tạo các hệ thống xử lý nước thải y tế tại các cơ sở y tế có quy mô phát thải lớn như các bệnh viện để đảm bảo nước thải được xử lý đạt quy chuẩn về môi trường;
Thí điểm các mô hình khử muối trong nước sinh hoạt bị nhiễm mặn tại Bệnh viện Cù Lao Minh, tỉnh Bến Tre; hệ thống xử lý nước mưa tại Trung tâm y tế Bảo Nhai huyện Bắc Hà tỉnh Lào Cai; cung cấp thiết bị xử lý nước bề mặt, thiết bị vi sóng xử lý chất thải rắn lây nhiễm và lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời tại Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cũng cho biết, để duy trì và nâng cao tính bền vững môi trường trong cơ sở y tế, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các chính sách khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường trong xử lý chất thải; tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải; không đầu tư mới các lò đốt công suất nhỏ tại các cơ sở y tế để hạn chế phát sinh khí thải độc hại như Dioxin và Furan.
Đồng thời Bộ Y tế đã ban hành thông tư quy định về quản lý chất thải y tế, trong đó có các quy định về giảm thiểu phát sinh chất thải nguy hại, giảm phát sinh chất thải nhựa và phân loại chất thải nhựa để tái chế; kế hoạch, lộ trình giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế với các mục tiêu giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần thay bằng các sản phẩm dễ phân hủy, thân thiện với môi trường hoặc sử dụng được nhiều lần trong cơ sở y tế.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ ban hành các tiêu chí đánh giá chất lượng môi trường bệnh viện; xây dựng kế hoạch hành động của Bộ Y tế về tăng trưởng xanh và lộ trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong ngành y tế.
Đặc biệt, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao vai trò của WHO trong việc hỗ trợ Việt Nam tham gia Liên minh chuyển đổi hành động về khí hậu và sức khỏe (ATACH). Trong bối cảnh các cơ sở y tế Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và phải chịu ảnh hưởng rất nhiều từ những tác động của biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, việc Việt Nam tham gia ATACH sẽ giúp Việt Nam hợp tác, kết nối với các đối tác để kêu gọi, huy động các nguồn lực nhằm xây dựng và duy trì việc triển khai các chính sách, các mô hình cơ sở y tế bền vững và có khả năng chống chịu với khí hậu.
Với sự hỗ trợ của ATACH, Việt Nam đang tham gia sáng kiến toàn cầu để xin tài trợ từ Quỹ Khí hậu Xanh nhằm hỗ trợ các hoạt động về biến đổi khí hậu và y tế trong 5 năm (từ năm 2026 đến năm 2030). Điều này sẽ giúp Việt Nam tăng cường khả năng phục hồi trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tại các cơ sở y tế.
ATACH cũng sẽ hỗ trợ triển khai các mô hình cơ sở y tế xanh, sạch, đẹp, bền vững, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và sự cố môi trường; hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực, tham gia các hội nghị quốc tế chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác trên thế giới.
Phạm Hường (theo báo SK&ĐS)