Nâng cao năng lực, chất lượng xét nghiệm chẩn đoán lao tại Việt Nam và các quốc gia trong khu vực
Trong hai ngày 11-12/9/2024, tại Hà Nội, Bệnh viện Phổi Trung ương và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cùng phối hợp tổ chức "Hội thảo khu vực về ngoại kiểm Xpert TB". Đây là hoạt động trong khuôn khổ của dự án hợp tác giữa Chương trình Chống lao Quốc gia (CTCLQG), Bệnh viện Phổi Trung ương và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) triển khai đào tạo nhằm nâng cao năng lực đảm bảo chất lượng xét nghiệm lao cho nhân lực thực hiện xét nghiệm lao tại Việt Nam.
Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo BV Phổi TƯ, Chương trình Chống lao Quốc gia; Đại diện các Phòng xét nghiệm khu vực thuộc Chương trình Chống lao Quốc gia; Đại diện Bộ Y tế, các đối tác CDC- US, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Toàn cầu; Đại diện các phòng xét nghiệm tham chiếu lao khu vực của Ấn Độ, Úc và các đại biểu của Chương trình chống lao quốc gia và Phòng xét nghiệm tham chiếu lao quốc gia của Lào, Philippines, Papua New Guinea, Bangladesh, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Indonesia …
Số người được phát hiện bệnh lao chiếm 60%, số còn lại chưa được phát hiện trong cộng đồng
Theo WHO, năm 2022 Việt Nam có thêm 172.000 người mới mắc lao và khoảng 13.000 người tử vong do lao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao, lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Số bệnh nhân lao được phát hiện, đưa vào điều trị và được báo cáo hằng năm mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính. Việt Nam vẫn có một số lượng lớn người bệnh lao không được phát hiện, chẩn đoán trong cộng đồng.
Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc BV Phổi TƯ, Phụ trách điều hành Chương trình Chống Lao quốc gia TS.BSCC Đinh Văn Lượng cho biết: "Để nâng cao tỉ lệ phát hiện ca lao trong thời gian tới, Chương trình Chống Lao quốc gia (CTCLQG) Việt Nam đang tập trung nguồn lực để mở rộng tiếp cận các xét nghiệm phân tử nhanh chẩn đoán lao do Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo. Đi cùng với việc tăng cường, mở rộng phạm vi và số lượng xét nghiệm lao, CTCLQG Việt Nam cũng chú trọng đến đảm bảo chất lượng xét nghiệm như là yếu tố then chốt trong việc phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh lao và theo dõi điều trị hiệu quả. Để đảm bảo độ chính xác, kịp thời và tin cậy của các kết quả xét nghiệm lao, việc đẩy mạnh triển khai chương trình đảm bảo chất lượng, bao gồm hình thức ngoại kiểm là điều hết sức cần thiết đối với các CTCLQG".
Nâng cao chất lượng xét nghiệm bệnh lao tại Việt Nam và các nước trong khu vực
Việc đảm bảo dịch vụ xét nghiệm lao (TB) chất lượng cao trong các cơ sở y tế là hoạt động rất cần thiết để phát hiện hiệu quả các trường hợp mắc bệnh lao và theo dõi kết quả điều trị bệnh nhân lao. Tuy nhiên, việc duy trì chất lượng kết quả xét nghiệm trong phòng xét nghiệm vẫn là một thách thức đáng kể trong các môi trường hạn chế về nguồn lực.
TS.BSCC Đinh Văn Lượng cho biết, Việt Nam như là trung tâm khu vực trong việc cung cấp và chuyển giao các chương trình ngoại kiểm cho xét nghiệm phân tử Xpert tới nhiều quốc gia trong khu vực. "Mô hình và kinh nghiệm triển khai chương trình ngoại kiểm của Việt Nam sẽ được chia sẻ tại hội thảo này, với hy vọng sẽ hỗ trợ việc triển khai và nâng cao các phương pháp đảm bảo chất lượng xét nghiệm lao trong khu vực", TS.BSCC Đinh Văn Lượng nói.
Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam Eric Dziuban cho rằng, Việt Nam đã áp dụng các khuyến nghị của WHO về các công cụ sàng lọc và chẩn đoán lao tiên tiến. Quốc gia này cũng đã triển khai thành công các chương trình nhằm đảm bảo chất lượng xét nghiệm phát hiện bệnh lao với độ tin cậy ngay tại Việt Nam và các quốc gia trong khu vực.
Xét nghiệm Xpert MTB/RIF là xét nghiệm sinh học phân tử chẩn đoán lao và lao đa kháng được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo từ tháng 12/2010. Đến nay trên thế giới đã có khoảng 140 quốc gia và vùng lãnh thổ thực hiện xét nghiệm này. Tại Việt Nam, xét nghiệm Xpert MTB/RIF đã được Chương trình Chống lao Quốc gia (CTCLQG) triển khai từ năm 2011 tại Labo lao chuẩn Quốc gia, đến nay đã và đang lắp đặt đưa vào sử dụng, quản lý 332 máy GeneXpert tại 182 điểm máy triển khai trên toàn quốc. Số lượng xét nghiệm toàn quốc tăng dần theo từng năm. Năm 2023 đã thực hiện 452.279 xét nghiệm trên cả nước, tăng hơn 113% so với năm 2022.
Khoa Vi sinh và Labo lao chuẩn Quốc gia thuộc BV Phổi TƯ đã xây dựng Chương trình ngoại kiểm Xpert MTB/RIF trong nước nhằm duy trì tính chủ động, bền vững cho hoạt động đảm bảo chất lượng xét nghiệm mũi nhọn Xpert MTB/RIF.
Chương trình ngoại kiểm MTB/RIF của BV Phổi TƯ đã cung cấp bộ mẫu ngoại kiểm các nước như: Lào, Myanmar, Philipines, Bangladesh, Papua New Guinea trong các năm gần đây. Năm 2024, Bệnh viện Phổi Trung ương vẫn duy trì hai hoạt động cung cấp bộ mẫu ngoại kiểm cho 2 nước Bangladesh, Papua New Guinea với hơn 200 bộ mẫu và hỗ trợ tư vấn công nghệ sản xuất bộ mẫu cho Phillippines.
Chương trình ngoại kiểm lao-xét nghiệm phân tử Xpert MTB/RIF & Xpert MTB/RIF Ultra tổ chức cho tất cả các đơn vị thực hiện Xpert trên toàn quốc với sự hỗ trợ kinh phí từ nguồn Quỹ toàn cầu giai đoạn 2024-2026.
Mục tiêu của Chương trình ngoại kiểm là theo dõi giám sát chất lượng xét nghiệm Xpert MTB/RIF & MTB/RIF ULTRA, hỗ trợ các phòng xét nghiệm trong công tác đảm bảo chất lượng xét nghiệm thường xuyên và liên tục.
Phạm Hường (theo báo SK&ĐS)