Biểu hiện zona thần kinh
Bệnh zona thần kinh còn gọi là bệnh zona là bệnh nhiễm trùng da do virus thần kinh Varicella zoster (VZV) – virus gây bệnh thủy đậu, thuộc họ virus herpes gây nên. Sau khi người bệnh bị bệnh thuỷ đậu đã khỏi thì vẫn còn một số virus Varicella tồn tại ở trạng thái tiềm tàng nhưng không gây bệnh.
Các virus này cư trú ở các hạch thần kinh trong nhiều tháng, nhiều năm. Khi gặp các điều kiện thuận lợi như: suy giảm miễn dịch, các sang chấn tinh thần hoặc suy nhược cơ thể… loại virus này sẽ tái hoạt. Chúng nhân lên và phát triển lan truyền ra các đầu dây thần kinh cảm giác làm tổn thương niêm mạc, da từ đó gây nên bệnh zona. Đó chính là lý do mà zona là một bệnh ngoài da nhưng lại có tổn thương gốc ở dây thần kinh.
Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng người lớn gặp nhiều hơn ở trẻ em. Bệnh thường có những biến chứng và di chứng: nhiễm trùng, loét , đau sau zona và thành sẹo.
Khi mắc bệnh zona vùng da tổn thương sẽ bị nổi ban đỏ. Các vết ban này sẽ biến thành mụn nước và tập trung theo từng đám như chùm nho. Ở giai đoạn đầu, các mụn nước căng lên và có dịch trong. Sau vài ngày sẽ chuyển màu đục dần rồi hóa mủ. Cuối cùng, chúng bị vỡ, hình thành nên các vảy và bong dần sau khi khô, để lại sẹo lấm tấm màu trắng trên da…
- Người bệnh có thể có sốt, người mệt mỏi và mất ngủ.
- Đau trước, trong và sau khi tổn thương da.
- Ngứa, rát bỏng hoặc rối loạn cảm giác vùng da bị tổn thương.
- Mụn nước, bọng nước thành đám
Điều trị bệnh zona thần kinh như thế nào ?
Khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh, cần đến bác sĩ để được thăm khám và có biện pháp điều trị càng sớm càng tốt, tránh để lại di chứng.
Nếu người bệnh có miễn dịch tốt, được chẩn đoán và điều trị thuốc kháng virus kịp thời thì các bọng nước sẽ xẹp dần, đóng vảy bong ra và không để lại sẹo.
Nếu người bệnh bị suy gảm miễn dịch hoặc không được điều trị kịp thời thì tổn thương lan rộng, có thể tổn thương lớp hạ bì, sau đó khỏi để lại sẹo và đau dai dẳng, kéo dài sau zona, hoặc có thể có biến chứng như viêm não, màng não, viêm tủy, viêm mạch,…Vì vậy, nếu nghi ngờ mắc bệnh cần đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán chính xác bệnh zona thần kinh và điều trị kịp thời.
Điều trị bệnh zona thần kinh, có thể chỉ định cho dùng thuốc kháng virus giúp rút ngắn thời gian lành bệnh, kháng viêm và giảm đau, kháng sinh, sát khuẩn, giảm đau tại chỗ,… Cụ thể như:
- Thuốc kháng virus
Những loại thuốc này có tác dụng làm chậm tiến trình phát ban của bệnh zona, đặc biệt nếu bạn sử dụng trong vòng 72 giờ đầu tiên sau khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng. Bên cạnh đó, thuốc cũng có thể làm giảm nguy cơ gặp biến chứng. Các thuốc kháng virus thường được sử dụng là: Acyclovir (Zovirax); Famciclovir (Famvir) và Valacyclovir (Valtrex).
- Thuốc giảm đau
Bệnh zona thần kinh sẽ gây viêm và đau, do đó bác sĩ có thể cho phép bệnh nhân dùng các loại thuốc giảm đau như: Acetaminophen; Ibuprofen và Naproxen để giảm bớt sự khó chịu và làm dịu nhẹ các triệu chứng đau sau zona thần kinh.
- Các loại thuốc khác
Nếu người bệnh bị đau dữ dội sau khi đã hết phát ban hoặc nhiễm trùng trong đợt bùng phát bệnh zona, bác sĩ có thể kê đơn những loại thuốc sau:
+ Kem giảm đau tại chỗ dùng ngoài. Khi sử dụng cần chú ý cẩn thận, không để thuốc dính vào mắt.
+ Thuốc chống co giật, động kinh.
+ Thuốc gây tê có thể là loại kem bôi, dung dịch lỏng, miếng dán, dạng bột và xịt, ...để giảm đau.
+ Thuốc kháng sinh được chỉ định khi có tình trạng bội nhiễm vi khuẩn.
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà các bác sĩ chỉ định phù hợp, người bệnh cần tuân thủ chỉ định của các bác sĩ. Ngoài ra, để nhanh khỏi người bệnh zona thần kinh nên áp dụng các biện pháp chăm sóc sau đây để giúp làm da mau chóng lành lại.
- Giữ cho vùng da bị bệnh sạch sẽ, khô ráo và thông thoáng nhiều nhất có thể.
- Đôi khi người bệnh sẽ bị ngứa dữ dội, nhưng cố gắng không gãi, làm các vỡ mụn nước.
- Tắm nước mát hoặc chườm lạnh trên vùng da tổn thương để giảm ngứa và đau;
- Hạn chế stress, căng thẳng trong cuộc sống.
Tham khảo ý kiến bác sĩ về những loại kem bôi hoặc nguyên liệu thiên nhiên có thể dùng để giảm đau và ngứa, cũng như giúp bệnh mau lành.
Người bệnh cần lưu ý đến chế độ dinh dưỡng phù hợp, vệ sinh thân thể, có chế độ luyện tập thể dục hợp lý.
Cần kiêng thực phẩm nhiều chất béo, đồ uống có cồn, chất kích thích, hạn chế thức ăn nhiều đường, ngũ cốc tinh chế. Nên tăng cường thức ăn đủ Protein, vitamin C và ăn nhiều rau, củ, quả.
Thái Thuý (Theo Báo SK&ĐS)