Vì sự sống còn của Đảng, không có lựa chọn nào khác là phải tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, dẫu có khó khăn, dẫu có nhiều lực cản.
Mùa Xuân năm nay đánh dấu 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2023) - tổ chức duy nhất trong hệ thống chính trị nắm giữ quyền lực lãnh đạo Nhà nước và xã hội trong nhiều năm qua.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam viết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền... Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Với một Đảng cầm quyền, giữ gìn sự trong sạch không chỉ là trách nhiệm mà còn là mệnh lệnh.
Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" năm 1947, Bác nói: Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính.
Trong nhiều năm qua, Đảng ta luôn nhất quán quan điểm: phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, tìm cách sửa chữa những khuyết điểm trong Đảng. Ở những giai đoạn bước ngoặt, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn liền với tên tuổi người lãnh đạo cao nhất của Đảng.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu được coi là người đặt “viên gạch” đầu tiên cho công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời kỳ mới – thời kỳ mà sự suy thoái bắt đầu manh nha. Tại Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII (năm 1999), với tinh thần rất cao trước Đảng và nhân dân, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã phân tích thực trạng của Đảng đầy sâu sắc. Từ Hội nghị quan trọng này, Ban Chấp hành Trung ương đã có một quyết định đặc biệt là phải tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình.
Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII ra đời ngày 2/2/1999 đã tạo nên một sức mạnh mới, sức chiến đấu mới để xây dựng Đảng và lấy lại lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
Hơn 10 năm trở lại đây, công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh hơn bao giờ hết, gắn liền với vai trò của “người cầm lái”- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
3 khoá liên tục - Đại hội XI, XII, XIII đều chọn Hội nghị Trung ương 4 là hội nghị đầu mỗi khoá để bàn về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI (năm 2011) có tính chất khai phá, đánh thẳng vào những yếu kém của công tác xây dựng Đảng. Những yếu kém này là hệ quả sau một thời gian chúng ta có phần xem nhẹ hoặc đầu tư chưa đúng mức cho công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác phê bình, tự phê bình, kiểm tra, giám sát, đấu tranh để ngăn chặn, phòng ngừa, phát hiện, xử lý những sai phạm trong Đảng, xử lý cán bộ suy thoái chưa được làm quyết liệt.
Từ thời điểm này, Đảng thẳng thắn chỉ ra “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái. Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm, không thực hiện trách nhiệm nêu gương; sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; “tư duy nhiệm kỳ”, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước…
Hai hội nghị Trung ương 4 khóa XII và XIII, Đảng ban hành Nghị quyết và Kết luận, khắc sâu ý thức, nhận thức của cán bộ, đảng viên rằng, nhiệm vụ xây dựng Đảng không được ngơi nghỉ mà phải làm liên tục. Những ai đã “nhúng chàm” thì nên sớm dừng lại. Điều này có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, cảnh báo, giáo dục rất lớn.
Cũng từ các Nghị quyết này, hàng loạt cơ chế, chính sách, chủ trương, biện pháp về phòng, chống tham nhũng, đổi mới công tác quản lý cán bộ được bổ sung, ban hành. Đáng chú ý là việc tái lập ngành Nội chính Đảng và thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cách đây 10 năm. Cũng từ đây, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch Đảng mang một diện mạo mới. Hàng nghìn vụ tham nhũng có tính chất “cộm cán” được đưa ra ánh sáng; hàng trăm cán bộ thoái hóa, biến chất bị trừng trị thích đáng, kể cả những người từng là Ủy viên Bộ Chính trị.
Công cuộc “đốt lò” làm trong sạch Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động và trực tiếp lãnh đạo hơn 10 năm qua đã để lại những dấu ấn đặc biệt, được nhân dân trong nước ủng hộ, bạn bè quốc tế đánh giá cao. “Chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ”- lời nói của Tổng Bí thư đã trở thành hiện thực.
Vì sự sống còn của Đảng, không có lựa chọn nào khác là phải tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, dẫu có khó khăn, dẫu có nhiều lực cản. Dù nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, nhưng nếu không xây dựng Đảng thì những thành tựu kinh tế cũng có thể bị phá hỏng bởi sự suy thoái, tham nhũng, tiêu cực.
Trên thế giới, ít có một Đảng nào cầm quyền lâu như Đảng Cộng sản Việt Nam. Một Đảng cầm quyền thường đối diện với 2 nguy cơ lớn là sai lầm về đường lối và quan liêu, thoái hóa, xa dân. Quan liêu, thoái hóa, xa dân sẽ dẫn đến nguy cơ Đảng mất quyền lãnh đạo và sụp đổ. Bài học về sự suy thoái của Đảng Cộng sản Liên Xô vẫn còn nguyên giá trị với chúng ta ngày hôm nay./.
Theo Báo Nghệ An