image banner
Viêm màng não mô cầu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa
Lượt xem: 446
Viêm màng não mô cầu là một bệnh nguy hiểm, diễn tiến rất nhanh. Trẻ em mắc viêm màng não mô cầu có thể tử vong trong vòng 24 giờ đầu nhập viện nếu không được điều trị kịp thời.

Viêm màng não mô cầu là gì?

Viêm màng não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính thường xảy ra đột ngột với hàng loạt triệu chứng như đau đầu dữ dội, sốt, buồn nôn và nôn, cổ cứng, có ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước. Nếu được phát hiện sớm và điều trị tích cực, tỷ lệ tử vong của bệnh rơi vào khoảng 5% đến 15%.

Anh-tin-bai
Viêm màng não mô cầu thường xảy ra đột ngột với hàng loạt triệu chứng như đau đầu, sốt, buồn nôn,…

Bệnh có các thể lâm sàng đa dạng như viêm màng não tủy cấp có mủ, viêm khớp do não mô cầu, viêm màng trong tim do não mô cầu, nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu (meningococcemia). Những nơi có bệnh lưu hành, có khoảng 5-10% người bị nhiễm não mô cầu khuẩn ở hầu họng mà không có triệu chứng lâm sàng. Thể nhiễm khuẩn không triệu chứng thường gặp trong các vụ dịch, là nguồn lây nhiễm quan trọng trong cộng đồng.

Nguyên nhân gây viêm màng não mô cầu

Nguyên nhân gây viêm màng não mô cầu là do vi khuẩn Neisseria meningitidis, hay còn gọi là meningococcus. Dựa vào kháng nguyên polyozit, vi khuẩn não mô cầu được chia thành 4 nhóm chính: A, B, C và D. Trong đó, vi khuẩn não mô cầu nhóm A, B là thường gặp nhất. Ngoài ra, còn các nhóm vi khuẩn não mô cầu khác như W-135, X, Y và Z. Vi khuẩn trong nhóm huyết thanh này có thể có ít độc lực hơn, nhưng vẫn gây bệnh nặng.

Anh-tin-bai
Neisseria meningitidis là nguyên nhân gây viêm màng não mô cầu

Vi khuẩn não mô cầu thường ở dạng 2 tế bào cạnh nhau như 2 hạt cà phê, gram (-), thường nằm trong bào tương bạch cầu đa nhân. Sức đề kháng của vi khuẩn não mô cầu thường rất yếu, mặc dù trong dịch não tủy nhưng vi khuẩn chỉ sống được vài giờ khi ra ngoài cơ thể, vi khuẩn bị tiêu diệt bởi 56 độ C trong 30 phút hoặc 60 độ C trong 10 phút. Tuy nhiên, trong nhiệt độ -20 độ C, vi khuẩn vẫn có thể tồn tại được.

Triệu chứng viêm màng não mô cầu

Triệu chứng viêm màng não mô cầu thường xảy ra đột ngột. Ca bệnh lâm sàng thường có triệu chứng sốt cao đột ngột, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, cổ cứng và có thể có đốm xuất huyết. Có những trường hợp biểu hiện mệt lả đột ngột, xuất hiện mảng xuất huyết và sốc. Có trường hợp nhiễm não mô cầu nhưng chỉ sốt và/ hoặc viêm mũi họng hoặc thậm chí không có triệu chứng lâm sàng.

Viêm màng não mô cầu nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm màng não mô cầu tiến triển rất nhanh, gây tử vong cho trẻ trong vòng 24 giờ nếu không được điều trị kịp thời. Khoảng 50% – 70% trẻ nhập viện do viêm não mô cầu có nguy cơ tử vong. Nếu may mắn được cứu sống, vẫn có khoảng 20% trẻ bị di chứng như bại não, chậm phát triển tâm thần vận động, suy thận cấp, tổn thương gan, đoạn chi,…

Các loại viêm màng não mô cầu

1. Viêm não mô cầu A,C,Y,W

Vi khuẩn não mô cầu được phát hiện có khoảng 12 nhóm huyết thanh phân loại dựa vào đặc tính của vỏ polysaccharide. Trong đó, các tuýp A, C, Y, W thường gây nên các đợt dịch trên thế giới. Tại Việt Nam, các tuýp A, C, Y, W là các tuýp thường xuyên gây bệnh, trong đó phổ biến nhất là tuýp A.

Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,2 triệu ca mắc viêm não mô cầu, trong đó có khoảng 135.000 ca tử vong (chiếm khoảng 11% số ca). Tỷ lệ mắc bệnh ở nước ta khoảng 2.3/100.000 dân, là bệnh xếp thứ 6 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ chết cao nhất.

2. Viêm não mô cầu BC

Viêm não mô cầu BC là bệnh truyền nhiễm cấp tính kéo theo tình trạng màng não bị nhiễm trùng dẫn đến tổn thương nghiêm trọng. Bệnh do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Ở trẻ em, vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh viêm não mô cầu BC ở trẻ. Đối với người lớn, viêm não do virus là nguyên nhân thứ hai. Do vậy, trẻ em là đối tượng cần các biện pháp phòng ngừa an toàn để không mắc phải.

3. Viêm màng não mô cầu B

Trẻ em là đối tượng nguy cơ cao mắc và tử vong do viêm màng não mô cầu nhóm B. Có 5-10% trẻ tử vong dù được điều trị. Gần 10% trẻ sống sót sau não mô cầu nhóm B chịu di chứng (khuyết tật lớn về thể chất, thần kinh) và >30% bị di chứng cắt cụt chi, mất thính lực, rối loạn tâm lý. Bệnh còn nguy hiểm khi thường được phát hiện muộn, dễ nhầm lẫn trong chẩn đoán dẫn đến khó điều trị kịp thời. Trẻ càng nhỏ, các dấu hiệu càng khó nhận diện.

Các ca bệnh liên quan đến viêm màng não do não mô cầu được điều trị tốn hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng, chưa kể các chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc cho người có các di chứng sức khoẻ nặng sau này cũng vô cùng tốn kém. Tuổi càng nhỏ, chi phí điều trị và theo dõi các di chứng lâu dài càng lớn.

Viêm não mô cầu có lây không? Lây qua đường gì?

Trong các vụ dịch não mô cầu, có đến 25% người có biểu hiện bệnh không điển hình, 50% người có mang vi khuẩn nhưng không biểu hiện triệu chứng. Đây là nguồn lây bệnh chủ yếu trong cộng đồng.

Viêm não mô cầu lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp với các hạt nước bọt vi khuẩn não mô cầu từ người nhiễm sang mũi họng của người cảm nhiễm. Lây truyền bệnh qua đồ vật rất hiếm xảy ra.

Anh-tin-bai
Viêm não mô cầu lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp với các hạt nước bọt vi khuẩn

Thời kỳ lây bệnh của viêm màng não mô cầu tùy vào sự tồn tại của vi khuẩn ở vùng hầu họng của người nhiễm khuẩn. Vi khuẩn có thể biến mất ở vùng họng sau điều trị kháng sinh 24 giờ.

Đối tượng dễ bị viêm não mô cầu

Viêm não mô cầu có thể gặp ở bất kỳ ai, bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, một số đối tượng dễ mắc viêm màng não mô cầu nhất bao gồm:

  • Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi;
  • Thanh thiếu niên và thanh niên;
  • Những người sống trong môi trường đông đúc như ký túc xá hoặc doanh trại quân đội;
  • Những người suy dinh dưỡng kéo dài do bất thường hệ tiêu hóa hoặc suy giảm chức năng hấp thụ đường ruột;
  • Người du lịch đến các khu vực dịch tễ lưu hành như Châu Phi;
  • Nhân viên phòng thí nghiệm tiếp xúc với vi khuẩn não mô cầu;
  • Những người có thể tiếp xúc với vi khuẩn não mô cầu trong ổ dịch.

Ngoài ra, một số yếu tố, lối sống của bộ phận thanh thiếu niên có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, chẳng hạn như:

  • Điều kiện sống đông đúc;
  • Học chung cùng học sinh chuyển từ những vùng có dịch tễ lưu hành đến;
  • Rối loạn chu kỳ thức ngủ;
  • Hút thuốc chủ động hay bị động;
  • Tập trung nơi đông người.

Biến chứng bệnh viêm màng não mô cầu

Bệnh viêm màng não mô cầu nếu được điều trị tốt và kịp thời, tỷ lệ khỏi bệnh có thể lên đến 95%. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm, điều trị muộn, người bệnh phải đối mặt với nhiều di chứng sức khỏe lâu dài.

Bệnh viêm màng não mô cầu tiến triển nhanh và nguy hiểm. Rất khó phát hiện bệnh trong giai đoạn sớm vì triệu chứng giống với bệnh viêm màng não do nhiễm siêu vi thông thường. Tuy nhiên não mô cầu có thể dẫn đến tử vong hoặc tàn tật trong vòng 24 giờ.

Nếu may mắn sống sót, người bệnh phải gánh chịu những di chứng nặng nề như cắt bỏ chi, ngón tay, ngón chân, tổn thương não, giảm thính lực, tổn thương thận, bị các vấn đề về tâm lý.

Chẩn đoán và điều trị viêm não mô cầu

Viêm màng não có thể bị nhầm lẫn với bệnh viêm màng não mủ do vi khuẩn cúm typ b (Haemophilus influenzae b), bệnh viêm màng não mủ do liên cầu phế viêm (Streptococcus pneumoniae).

Để chẩn đoán phân biệt viêm màng não mô cầu, các bác sĩ chỉ định một số phương pháp xét nghiệm sau:

Loại mẫu bệnh phẩm

  • Ngoáy họng lấy chất nhầy ở thành họng;
  • Lấy máu hoặc chích mụn nước hoặc ban xuất huyết;
  • Lấy dịch não tuỷ.

Phương pháp xét nghiệm

  • Nhuộm gram soi kính hiển vi tìm song cầu khuẩn hình hạt cà phê, thường trú ngụ trong bào tương của bạch cầu đa nhân.
  • Phân lập vi khuẩn não mô cầu.

Nguyên tắc điều trị

Dùng sunfamit, penicillin và/ hoặc các kháng sinh điều trị và dự phòng khác phải đảm bảo các loại thuốc này nhạy cảm với vi khuẩn não mô cầu.

Điều trị dự phòng

Sunfamit dùng trong 5 ngày.

  • Ở trẻ em là 1gr/ngày chia đều 2 lần.
  • Ở người lớn là 2gr/ngày chia đều 2 lần.
  • Ở trẻ dưới 5 tuổi với liều là 0,05 gr/kg/ngày, chia đều 2 lần trong 5 ngày.

Nếu Sunfamit không còn nhạy cảm với vi khuẩn não mô cầu, có thể dùng rifamycin với liều người lớn 600 mg/ngày, chia đều 2 lần trong 2 ngày. Ở trẻ em > 1 tháng tuổi liều 10 mg/kg/ngày; trẻ < 1 tháng tuổi với liều 5 mg/kg/ ngày, chia đều 2 lần trong 2 ngày. (1)

Điều trị đặc hiệu

  • Trẻ sơ sinh – 3 tháng tuổi uống Ampicillin 200 mg/kg, Cephalosporin thế hệ III 100 mg/kg, tiêm tĩnh mạch từ 2 đến 3 lần trong 24 giờ.
  • Trẻ dưới 10 tuổi uống Ampicillin 200 mg/kg, Chloramphenicol 25 mg/kg hoặc Ampicillin và Cephalosporin liều như trên tiêm tĩnh mạch 4 lần trong 24 giờ.
  • Đối với người lớn dùng Penicillin G 2 triệu đơn vị, tiêm tĩnh mạch cách 2 giờ/lần hoặc ampicillin 2g, hoặc cephalosporin thế hệ III 2 gr, tiêm tĩnh mạch 4 lần trong 24 giờ. Thời gian điều trị khoảng 10 ngày.

Phòng ngừa bệnh viêm màng não do não mô cầu

Viêm màng não do não mô cầu được đánh giá là căn bệnh nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao nhất là đối với trẻ nhỏ, di chứng kéo dài nên phòng ngừa là việc rất quan trọng.

Tại nơi ở, trường học, lớp học phải thông thoáng sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Tại nơi có ổ dịch cũ cần tăng cường giám sát để phát hiện sớm các trường hợp sốt, viêm hầu họng phục vụ cho mục đích theo dõi. Nếu có điều kiện tiến hành ngoáy họng bệnh nhân cũ và những người lân cận để xét nghiệm tìm người lành mang vi khuẩn não mô cầu.

Phạm Hường (tổng hợp)

THÔNG BÁO
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ NGHỆ AN
Chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Y tế Nghệ An
Địa chỉ: Số 18 - Đường Trường Thi - Tp.Vinh - Nghệ An
Điện thoại: (0238) 3844 791 - Fax: 038 3 844 791 - Email:yt@nghean.gov.vn
Đường dây nóng: 0966.64.14.14