Viêm loét dạ dày không chỉ là vấn đề của những người thường xuyên sử dụng rượu bia, mà còn là nỗi ám ảnh của rất nhiều người, kể cả những người có lối sống lành mạnh. Thậm chí khi chúng ta không uống rượu bia mà vẫn phải đối mặt với những cơn đau dạ dày khó chịu. Vậy nguyên nhân và giải pháp là gì?
1. Viêm loét dạ dày là gì?
Viêm loét dạ dày hay còn gọi là viêm niêm mạc dạ dày. Dưới tác động kích thích từ acid dịch vị hoặc sự tấn công của vi khuẩn Helicobacter pylori (H.p), Niêm mạc dạ dày vốn chỉ là một lớp nhầy mỏng dạng gel có vai trò bảo vệ thành dạ dày sẽ bị thoái hóa và tổn thương, từ đó tăng cao nguy cơ bị viêm loét dạ dày.
Viêm dạ dày cấp tính:
Viêm dạ dày cấp tính là tình trạng dạ dày bị viêm cấp tính, triệu chứng điển hình là đau bụng vùng thượng vị như đau âm ỉ, hoặc bỏng rát, đau quặn, đau có tính chất chu kỳ, đau khi đói, hoặc đau sau khi ăn vài giờ; Kèm theo các triệu chứng: ợ hơi, ợ chua, đầy bụng, chán ăn, buồn nôn, nôn.
Viêm dạ dày mạn tính:
Viêm dạ dày mạn tính xảy ra phần lớn là do nhiễm khuẩn H.pylori. Bệnh có thể tiến triển thành viêm teo, dị sản ruột, tăng nguy cơ ung thư dạ dày cho người bệnh.
Hình ảnh minh họa
2. Những tác nhân gây viêm loét dạ dày, thậm chí có thể dẫn đến ung thư dạ dày nhưng nhiều người bỏ qua.
Ăn uống không lành mạnh:
Theo nghiên cứu khoa học trên 3.500 người bệnh, viêm loét dạ dày xuất hiện ở 21,2% người có thói quen ăn mặn và 11,8% ăn đồ cay. Để giữ cho dạ dày khỏe, việc thay đổi lối sống và chế độ ăn uống là rất quan trọng. Khi ăn, hãy cố gắng tránh ăn quá no và các món ăn cay nồng. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc ăn những bữa nhỏ, thường xuyên hơn để giảm áp lực lên dạ dày và tăng cường tiêu hóa. Hạn chế hoặc tránh sử dụng các chất kích thích như caffein vì chúng có thể gây kích thích dạ dày và gây ra các vấn đề về tiêu hóa. Ngoài ra, đảm bảo rằng chế độ ăn uống cung cấp đủ chất xơ bằng cách tiêu thụ nhiều rau củ và ngũ cốc nguyên hạt. Chất xơ sẽ giúp tăng cường chức năng tiêu hóa và duy trì sức khỏe của dạ dày.
Sử dụng thuốc không đúng cách:
Với tình trạng lạm dụng thuốc như hiện nay, việc sử dụng quá liều hoặc dùng lâu dài các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như aspirin, ibuprofen,… sẽ gây ức chế sản xuất chất bảo vệ niêm mạc dạ dày, từ đó khi acid dịch vị tiết ra nhiều hơn so với nhu cầu có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày và dẫn đến viêm loét. Vì vậy, điều quan trọng nhất chính là đọc và hiểu rõ hướng dẫn sử dụng của thuốc. Trước khi bắt đầu sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, hãy hỏi ý kiến của chuyên gia y tế để có thể đánh giá nguy cơ và lợi ích của việc sử dụng thuốc trong trường hợp cụ thể.
Stress và căng thẳng:
Căng thẳng và lo âu có thể kích tích hệ thần kinh làm tăng sản xuất acid trong dạ dày và gây ra viêm loét. Thiền, yoga hoặc tập thể dục thường xuyên được cho là các phương pháp giảm căng thẳng hiệu quả được các chuyên gia tâm lý khuyên dùng. Mọi biện pháp thư giãn đều có thể giúp giảm nguy cơ viêm loét dạ dày một cách hiệu quả.
Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori:
Helicobacter pylori là một loại vi khuẩn thường nằm trong dạ dày. Khi vi khuẩn tồn tại ở niêm mạc dạ dày sẽ tiết ra các độc tố gây thoái hóa lớp nhầy bảo vệ niêm mạc. Chính vì vậy, nhiễm khuẩn này có thể gây ra viêm nhiễm và làm hỏng lớp niêm mạc bảo vệ, gây nên viêm loét dạ dày dẫn đến ung thư dạ dày. Đảm bảo nguồn nước sạch và tránh ăn những thực phẩm không đảm bảo vệ sinh thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ giúp giảm nguy cơ tiếp xúc với vi khuẩn H.p. Rửa tay thường xuyên và sạch sẽ cũng là một biện pháp ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn.
"Thói quen ăn uống không lành mạnh là một trong những
nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày"
Lạm dụng đồ uống có cồn
Đồ uống có cồn là những chất kích thích có thể gây ra tổn thương cho niêm mạc dạ dày. Khi tiêu thụ một lượng lớn có thể gây kích thích mạnh mẽ tới niêm mạc dạ dày, gây tổn thương và ảnh hưởng đến quá trình bảo vệ của nó, dẫn đến tình trạng dễ tổn thương và dễ bị viêm loét.
Nguyễn Linh ( theo báo SK&ĐS )