29/05/2024
U xương lành tính
Lượt xem: 1144
U xương lành tính là thuật ngữ miêu tả tình trạng tế bào bên trong xương phát triển không kiểm soát tạo thành khối u, với biểu hiện các cơn đau âm ỉ quanh vùng khối u. Bệnh tác động xấu đến cấu trúc của xương do sự tồn tại của khối u. Tuy nhiên, khối u lành tính trong xương không có khả năng phát triển thành ung thư xương hay gây tổn thương các cơ quan xung quanh.

Hình ảnh minh họa
Đối tượng dễ bị u xương lành tính
U xương lành tính thường xuất hiện khi xương đang ở trong quá trình phát triển. Đây cũng là lý do vì sao tình trạng này phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là ở tuổi dậy thì. Theo nghiên cứu của Trung tâm y tế Clever Clinic năm 2021, khối u lành tính thường xảy ra ở người lớn dưới 30 tuổi, nhưng phổ biến nhất là trẻ em lứa tuổi xương phát triển. Những khối u lành tính sẽ ngừng phát triển khi xương của trẻ đã hoàn thiện. Với người lớn tuổi, u xương có thể là bệnh thứ phát, do di căn gây nên và tiến triển thành u xương ác tính.
Các loại u xương lành tính phổ biến
Có khoảng 5 loại u xương lành tính, trong đó phổ biến nhất là u lành tính sụn, bên cạnh các bệnh khác như u xơ không cốt hóa; u tế bào khổng lồ; u sụn và nang xương phình mạch.
U xương sụn
Bệnh xuất hiện do sụn và xương tăng trưởng quá nhiều trong một thời gian nhất định. Thường xảy ra tại các vị trí đầu xương dài như cánh tay hoặc chân. Bệnh chiếm tỷ lệ khoảng 40% trong các trường hợp u xương lành tính, gặp nhiều vào đối tượng trẻ vị thành niên và thanh niên.
U xơ không cốt hóa
Đây là loại u xương tạo ra các ổ khuyết có kích thước nhỏ, được lấp đầy bằng mô xơ thay vì mô xương.
U tế bào khổng lồ
Bệnh còn được gọi là u hủy cốt bào, cũng được xét là một loại u xương lành tính phổ biến. Bệnh gồm ba giai đoạn: u nhỏ lành tính, u tăng kích thước và u tăng sinh mạnh. U tế bào khổng lồ là khối u có khả năng tiến triển thành u xương ác tính.
U sụn
U sụn là hiện tượng u nang sụn phát triển bên trong tủy xương. Bệnh gây ra triệu chứng điển hình là sưng và đau tại vị trí tổn thương. Ngoài ra, rất hiếm có các triệu chứng khác đi kèm. Tuy nhiên, trường hợp người bệnh bị chảy máu mô mềm, có nhiều khối u nội sụn sẽ làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư nội sụn.
Nang xương phình mạch
Bệnh xảy ra nhiều ở đối tượng trên 25 tuổi. Nang xương phình mạch gây ra triệu chứng phồng xương, khiến nang xương có xu hướng phát triển chậm bất thường.
Dù không gây nguy hiểm cho tính mạng, u xương lành cũng sẽ gây bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày do các cơn đau xương âm ỉ và kéo dài. Điều này có thể khiến người bệnh gặp một số hạn chế nhất định trong sinh hoạt, vận động thông thường.
NL ( theo Bệnh viện Chấn thương -Chỉnh hình Nghệ An)