11/02/2025
U lành tính có chuyển thành ác tính không, khi nào nên sàng lọc ung thư vú?
Lượt xem: 21
Ung thư vú ngày càng trẻ hóa, vậy khi nào đi tầm soát ung thư vú là hợp lý? U lành tính có chuyển thành ác tính không?
U lành tính có nguy hiểm không?
U lành tính có gọi là ung thư không? Nhiều người thường thắc mắc u lành tính có nguy hiểm không? Hoặc u lành tính có chuyển thành ác tính không? Không phải tất cả những tổn thương lành tính đã được xác định từ trước sẽ không có khả năng tiến triển thành ác tính. Các tổn thương lành tính được chia làm 2 nhóm:
Nhóm không có tổn thương tiến triển thành ác tính: các nang đơn thuần, các u mỡ, u thừa, hoại tử mỡ của tuyến vú… Các tổn thương này được xếp loại BI-RADS 2 trong bảng phân loại BI-RADS. Nhóm này, người bệnh chỉ cần khám sức khỏe định kỳ hàng năm và không cần có lưu ý gì đặc biệt.
Nhóm có khả năng tiến triển thành ác tính (dưới 2%): u xơ tuyến vú, u nhú, tổn thương có các tế bào không điển hình ở tuyến vú…
ThS.BS Nguyễn Văn Quế giải đáp thông tin về việc tầm soát ung thư vú cho từng đối tượng.
Nên tầm soát ung thư bao lâu một lần?
Theo một số nghiên cứu trên thế giới tỷ lệ ung thư vú đang có xu hướng trẻ hóa trong thời gian gần đây. Tỷ lệ mắc ung thư vú ở giới trẻ chiếm khoảng 5% tổng số ca mắc ung thư vú. Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng ung thư vú đang có xu hướng trẻ hóa bao gồm:
Di truyền
Đột biến gen
Yếu tố khác: môi trường sống độc hại, chế độ ăn uống, lười vận động, béo phì, sử dụng rượu bia thuốc lá...
Các đối tượng nguy cơ sẽ tầm soát ung thư vú theo khuyến cáo riêng của bác sĩ.
Vì vậy ngay cả ở những người trẻ cũng cần có sự quan tâm và thăm khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc ung thư vú nhằm phát hiện sớm những bất thường giúp tăng hiệu quả điều trị.
Nên tầm soát ung thư bao lâu một lần? Theo khuyến cáo sàng lọc ung thư vú của các nước trên thế giới, từ 40 tuổi trở lên là lứa tuổi cần được tầm soát ung thư, Tuy nhiên độ tuổi tầm soát ung thư còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố ví dụ như yếu tố nguy cơ. Dựa vào yếu tố nguy cơ, các đối tượng sẽ được chia làm 3 nhóm chính:
Nhóm nguy cơ thấp: Những bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng, trong gia đình không có người mắc ung thư vú và không có tiền sử xạ trị ở vùng ngực. Đối với những người ở nhóm nguy cơ thấp nên sàng lọc ung thư vú 1 năm/lần sử dụng X-quang để sàng lọc.
Nhóm có nguy cơ trung bình: Bao gồm những người có người thân trong gia đinh mắc ung thư vú nhưng không có đột biến gen, không có tiền sử xạ trị ở vùng ngực thì nên tầm soát ở độ tuổi từ 35 tuổi và nên dùng X-quang vú để sàng lọc 1 năm/lần.
Đối với những phụ nữ có nguy cơ cao: Đã mắc ung thư vú hoặc người thân trong gia đình mắc ung thư vú, có hoặc nghi ngờ mang gen đột biến, có tiền sử xạ trị ở vùng ngực nên tầm soát từ 25 tuổi. Phương pháp được khuyến cáo là nên khám lâm sàng với bác sĩ chuyên khoa vú ít nhất 1-2 năm/lần và kết hợp X-quang với cộng hưởng từ để sàng lọc 1 năm/lần.
Thu HIền (theo báo SK&ĐS)