Từng bước hiện thực hóa chiến lược phát triển ngành dược Việt Nam
Theo Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược, Việt Nam phấn đấu phát triển nền công nghiệp dược trong nước đạt cấp độ 4 - cấp độ cao nhất, theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới.
Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có mức tăng trưởng ngành dược lớn nhất thế giới.
Định hướng đến năm 2045, thuốc sản xuất trong nước đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và nâng cao giá trị xuất khẩu, hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu; chủ động sản xuất được các thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, vaccine, sinh phẩm và nguyên liệu làm thuốc; có thuốc biệt dược gốc từ nguồn dược liệu trong nước được nghiên cứu, sản xuất và đăng ký bản quyền. Phấn đấu tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP trên 20 tỷ USD. Hệ thống kiểm nghiệm, phân phối thuốc, công tác dược lâm sàng, thông tin thuốc và cảnh giác dược đạt trình độ tương đương các nước tiên tiến trên thế giới.
Mục tiêu của Chiến lược là: Trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực.
Từng bước hiện thực hóa chiến lược phát triển ngành dược Việt Nam
Với tầm nhìn đó, Việt Nam đang chú trọng nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sản xuất thuốc mới, đẩy mạnh phát triển dược lâm sàng, tăng cường giám sát sử dụng thuốc an toàn, hợp lý... hướng tới trở thành trung tâm khoa học, đổi mới sáng tạo y tế mới trong khu vực.
Để làm được điều này, Việt Nam phải có những thay đổi và bứt phá để nhanh chóng tiếp cận với các thành tựu phát triển của thế giới trong ngành công nghiệp.
Hiện nay, trong công tác nâng cao chất lượng cuộc sống và chăm sóc sức khỏe, các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu, thực tế ảo, blockchain và robot học đã được áp dụng rộng rãi, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người bệnh.
Với xu hướng đó, trong Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam đến 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đang chú trọng nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sẵn có để sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất gia công, tiếp nhận chuyển giao công nghệ các thuốc biệt dược gốc của khu vực ASEAN.
Chia sẻ về thử nghiệm lâm sàng và cơ hội tiếp cận thuốc, phương pháp mới trong điều trị, Tiến sĩ Đào Văn Tú - Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng (Bệnh viện K) cho biết, khoảng 5 - 6 năm trước, nhiều bệnh nhân và không ít bác sĩ cho rằng tham gia thử nghiệm lâm sàng là "chuột" thí nghiệm, nhưng đến nay những suy nghĩ này đã thay đổi. Bởi thực tế cho thấy tại Việt Nam, việc thử nghiệm lâm sàng hiện chỉ thực hiện với các sản phẩm đã đủ điều kiện dùng trên người, chứ không phải nghiên cứu nguy hiểm. Những người tham gia vào đề án, dự án nghiên cứu lâm sàng có cơ hội tiếp cận phương pháp điều trị mới, thực tế đã có bệnh nhân ung thư được điều trị lui bệnh khi tham gia nghiên cứu.
Tiến sĩ Tạ Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết trước đây tiền thuốc bình quân đầu người hàng năm của một người Việt chưa đến 5 USD thì đến nay đã tăng lên 70 USD/người/năm và ngành dược đã cơ bản đáp ứng nhu cầu thuốc trong nước.
Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có tỷ lệ thuốc giả thấp nhất trong khu vực. Các thuốc không đạt chất lượng trong các năm gần đây được duy trì ở mức thấp dưới 2% trên tổng số mẫu lấy trên thị trường. Trong khi vào những năm 1990, tỷ lệ thuốc giả trên thị trường chiếm đến hơn 10%.