Tự ý truyền dịch, bệnh nhân sốt xuất huyết vào viện đã rất nặng; Cần lưu ý thời điểm nguy hiểm của bệnh
Các chuyên gia cảnh báo người bệnh sốt xuất huyết không tự ý truyền dịch tại nhà. Những trường hợp này cảnh báo sốc sốt xuất huyết phải được phát hiện và điều trị tích cực bởi chỉ sau 4-6 tiếng, bệnh nhân có thể bị sốc sốt xuất huyết, khi đó người bệnh sẽ diễn biến nguy kịch rất nhanh, thậm chí tử vong.
Cẩn trọng với bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo sốc sốt xuất huyếtBệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết tại đây đang điều trị một số bệnh nhân sốt xuất huyết rất nặng. Mới nhất là trường hợp nữ bệnh nhân 32 tuổi, trú tại Hoài Đức, Hà Nội bị sốt xuất huyết Dengue nhập viện trong tình trạng tràn dịch ổ bụng, tràn dịch màng phổi số lượng nhiều, gây chèn ép, khó thở, suy hô hấp.. Kết quả chiếu chụp phát hiện bệnh nhân bị tràn dịch ổ bụng, tràn dịch màng phổi số lượng nhiều. Trước đó, bệnh nhân truyền dịch trong 3 ngày đầu.
Xét nghiệm máu có tình trạng cô đặc máu, tăng Hematocrit và giảm tiểu cầu, men gan tăng rất cao hơn 8000U/L. Bệnh nhân được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue thể nặng. Sau 10 ngày điều trị tích cực - hôm qua 18/9, tình trạng bệnh nhân đã cải thiện, dịch ổ bụng màng phổi đã giảm rõ rệt, bệnh nhân thấy dễ chịu hơn, ăn uống, đi lại được, tiểu cầu đã trở về bình thường.
Bác sĩ điều trị trao đổi với bệnh nhân sốt xuất huyết. Ảnh: BVCC.
Trường hợp khác là bệnh nhân N. T. T T. (76 tuổi, trú tại Hoài Đức, Hà Nội) vào viện ngày 13/9 vì sốt xuất huyết Dengue ngày thứ 5, đại tiện phân đen số lượng nhiều. Bệnh nhân có bệnh nền tăng huyết áp, viêm gan B, khi vào viện trong tình trạng nhợt nhạt, mất máu, tiểu cầu giảm thấp, hồng cầu giảm còn 2 triệu/mm3.
Các bác sĩ đã truyền 10 đơn vị máu, gồm khối hồng cầu, huyết tương tươi và khối tiểu cầu, đồng thời nội soi kẹp cầm máu ổ chảy máu ở dạ dày cho bệnh nhân. Sau 6 ngày điều trị, hiện tại người bệnh không còn tình trạng chảy máu. Xét nghiệm chỉ số tiểu cầu đã cải thiện. Bệnh nhân tỉnh táo, dễ chịu hơn.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết hiện 2 cơ sở của bệnh viện đang theo dõi, điều trị 157 ca sốt xuất huyết điều trị, trong đó 40 bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo. Riêng Khoa Cấp cứu mỗi ngày khám trên dưới 50 ca sốt xuất huyết, trong đó có 3-5 ca nặng.
Trao đổi với Sức khoẻ & Đời sống, BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW cho hay, bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện có xu hướng tăng nhanh trong những ngày qua. Trung bình, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 4-5 trường hợp có dấu hiệu cảnh báo sốc sốt xuất huyết với biểu hiện: Đau bụng, đau tức vùng gan, chảy máu niêm mạc, tiểu cầu thấp, máu cô đặc.
"Những trường hợp này cần phải được phát hiện và điều trị tích cực bởi chỉ sau 4-6 tiếng, bệnh nhân có thể bị sốc sốt xuất huyết, khi đó người bệnh sẽ diễn biến nguy kịch rất nhanh, thậm chí tử vong. Do đó, các cơ sở y tế và người bệnh phải chú ý để đến bệnh viện hoặc điều trị đúng, kịp thời" - bác sĩ Cấp lưu ý.
Mắc sốt xuất huyết nguy hiểm vào giai đoạn nào?
ThS.BS Trần Văn Bắc, Phó Trưởng khoa Cấp cứu- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo: Bệnh nhân trong 3 ngày đầu thường sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, nên đi khám làm xét nghiệm chuẩn đoán mắc Sốt xuất huyết Dengue và xét nghiệm chỉ số Hematocrit nền.
Nên bù nước điện giải bằng đường uống (VD Oresol), hạn chế truyền dịch, không tự ý truyền dịch tại nhà.
Theo hướng "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue" được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cả nước do Bộ Y tế ban hành, Bộ Y tế nêu rõ giai đoạn nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết thường vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh với các biểu hiện lâm sàng như: Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt.
Có thể có các biểu hiện sau:
- Đau bụng nhiều: đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau nhất là ở vùng gan.
- Vật vã, lừ đừ, li bì.
- Gan to > 2cm dưới bờ sườn, có thể đau.
- Nôn ói.
- Biểu hiện thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24 - 48 giờ).
- Xuất huyết ( Xuất huyết dưới da: Nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn hoặc mảng bầm tím; Xuất huyết niêm mạc như chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, đi ngoài (tiêu) phân đen hoặc máu, xuất huyết âm đạo hoặc tiểu máu; Xuất huyết nặng: chảy máu mũi nặng (cần nhét bấc hoặc gạc cầm máu), xuất huyết âm đạo nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng (phổi, não, gan, lách, thận)...)
- Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như tổn thương gan nặng/suy gan, thận, tim, phổi, não.
Theo Bộ Y tế, phần lớn các trường hợp mắc sốt xuất huyết đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời.
Cần xem xét chỉ định nhập viện trong các trường hợp sau
- Sống một mình.
- Nhà xa cơ sở y tế, không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng.
- Gia đình không có khả năng theo dõi sát.
- Trẻ nhũ nhi.
- Dư cân, béo phì.
- Phụ nữ có thai.
- Người lớn tuổi (≥60 tuổi).
- Bệnh mạn tính đi kèm (thận, tim, gan, hen, COPD kém kiểm soát, đái tháo đường, thiếu máu tan máu...).
-
Theo thống kê tuần 36/2023 cả nước ghi nhận 5.180 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 1 trường hợp tử vong tại Hòa Bình. So với tuần trước số mắc tăng 0,5%. Trong đó, số nhập viện là 3.891, so với tuần trước, số nhập viện giảm 1,7%. Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 81.808 trường hợp mắc, 23 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (203.709/107) số mắc giảm 59,8%, tử vong giảm 84 trường hợp.
Tại Hà Nội, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.010 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 29 quận, huyện (tăng gấp đôi so với tuần cuối của tháng 8/2023).
Thu Hiền (theo báo SK&ĐS)