Nhiều phụ huynh nghĩ rằng bệnh tuyến giáp chỉ gặp ở người lớn. Tuy nhiên, đây là một quan điểm sai, vì bệnh tuyến giáp không loại trừ ai, kể cả ở trẻ nhỏ.
10 tuổi mắc bướu cổ
Bệnh nhi 10 tuổi ở Nghệ An được gia đình đưa đi khám vì có khối to ở vùng cổ, hay vã mồ hôi, run tay, kèm theo kém tập trung.
Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện bướu cổ lớn, nhịp tim rất nhanh. Xét nghiệm các chỉ số hormone tuyến giáp tăng rất cao, các kháng thể kháng tuyến giáp dương tính, siêu âm tuyến giáp to lan tỏa, tăng tưới máu, điện tâm đồ và siêu âm tim có hình ảnh suy giảm chức năng tim.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị bệnh lý cường giáp (Basedow). Bệnh nhi được điều trị kháng giáp tổng hợp và thuốc hỗ trợ bảo vệ chức năng tim. Sau 7 ngày điều trị thì tình trạng của bệnh nhi đã ổn định, được xuất viện và tái khám theo hẹn.
Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp được thăm khám và điều trị kịp thời. Mỗi năm bệnh viện tiếp nhận không ít trường hợp bệnh nhi mắc bệnh lý Basedow. Đa số trường hợp bệnh nhi nhập viện đều có một hoặc nhiều biểu hiện liên quan đến bệnh lý này như có khối to vùng cổ, không sưng tấy đỏ, kém tập trung, hồi hộp, đánh trống ngực.
Trẻ em cũng có thể mắc bệnh lý tuyến giáp.
Trẻ em mắc bệnh tuyến giáp nào?
Suy giáp bẩm sinh, bệnh basedow, viêm tuyến giáp… là những bệnh lý tuyến giáp mà trẻ nhỏ, thiếu niên có thể mắc phải.
Suy giáp ở trẻ
Suy giáp là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ lượng hormone tuyến giáp. Nguyên nhân có thể do bẩm sinh (nguyên phát) hoặc do tuyến giáp không nhận được các kích thích phù hợp để sản sinh hormone (thứ phát).
Với bệnh lý suy giáp ở trẻ thì lượng hormone tuyến giáp T4 ở mức thấp trong máu và tăng lượng hormone TSH (hormone kích thích tuyến giáp). Đồng thời có thể đi kèm một số triệu chứng sau:
- Da khô, xạm.
- Táo bón.
- Vóc người thấp/chậm lớn.
- Mệt mỏi, ít năng lượng.
- Ngủ nhiều.
- Dễ có vết thâm tím trên da.
- Chậm dậy thì.
- Các vấn đề thị giác.
- Không chịu được lạnh.
Hiện nay, trẻ sơ sinh bị suy tuyến giáp bẩm sinh được phát hiện sớm bằng các xét nghiệm sàng lọc sau sinh. Đây là xét nghiệm thường quy để phát hiện suy giáp bẩm sinh được tiến hành ngay sau sinh trong vòng 72 giờ bằng lấy máu gót chân.
Bệnh cường giáp
Là tình trạng tuyến giáp sản sinh quá nhiều hormone tuyến giáp. Trường hợp này trẻ có mức hormone T3 và T4 trong máu cao, mức TSH thấp.
Một số triệu chứng lâm sàng ở bệnh cường giáp:
- Trẻ dễ xúc động, dễ khóc, dễ bị kích thích, tăng động…
- Trẻ thèm ăn hơn.
- Run ngón tay.
- Sụt cân, chậm lớn.
- Tuyến giáp to.
- Mắt lồi, ít chớp mắt.
- Da ửng đỏ.
- Đổ nhiều mồ hôi.
- Yếu cơ.
- Tim đập nhanh, đánh trống ngực.
- Tăng huyết áp.
Tóm lại: Trẻ em cũng có thể mắc bệnh lý tuyến giáp, vì vậy khi thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường nêu trên, cha mẹ nên trao đổi với bác sĩ để được đánh giá chức năng tuyến giáp của trẻ. Khi đến khám thì điều quan trọng là các bậc phụ huynh phải mô tả đầy đủ những triệu chứng trẻ gặp phải. Và hãy cho trẻ thăm khám sức khỏe thường xuyên để theo dõi, phát hiện, điều trị sớm những dấu hiệu của bệnh lý tuyến giáp (nếu có).
Thu Hiền (theo báo SK&ĐS)