Trào ngược dạ dày thực quản nên kiêng gì để cải thiện triệu chứng?
Người bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản không nên sử dụng các loại thực phẩm và hạn chế các loại hoa quả, đồ uống sau:
Không nên uống cà phê, hút thuốc lá, uống bia rượu
Cà phê, thuốc lá, rượu bia hay các chất kích thích nói chung đều có khả năng làm giảm các yếu tố bảo vệ cho thực quản, làm tăng các yếu tố tấn công, tăng tiết cortisol khiến tình trạng trào ngược dạ dày thực quản trầm trọng hơn. Cortisol không chỉ gây tăng tiết acid HCl, pepsine mà còn làm giảm tiết chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Không nên ăn các loại quả nhiều chất nhựa chát
Các loại quả có nhiều chất nhựa chát khi đi vào dạ dày kết hợp với acid dạ dày sẽ tạo thành những cục nhỏ. Nó có thể phát triển thành sỏi tồn tại trong cơ thể, ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa.
Hạn chế thức ăn nhiều chất béo, dầu, mỡ
Thức ăn nhiều chất béo sẽ khiến dạ dày khó tiêu và tăng áp lực cho dạ dày. Dạ dày trướng sẽ tăng áp lực lên cơ thắt thực quản dưới. Thời gian tiêu hóa thức ăn cũng lâu hơn khiến quá trình tiêu hóa thức ăn bị chậm lại, gây khả năng trào ngược dạ dày thực quản.
Hạn chế ăn cà chua khi đói
Bệnh nhân không nên ăn cà chua khi bụng đói, đặc biệt nếu bạn bị trào ngược acid hoặc loét dạ dày. Vì cà chua có nhiều acid tannic có thể làm tăng nồng độ acid trong dạ dày và làm tình trạng trào ngược trở nên tồi tệ hơn, gây khó chịu.
Hạn chế ăn lê
Nhiều người nghĩ lê là một loại quả vô hại cho dạ dày. Nhưng với người bị trào ngược dạ dày có dạ dày yếu, ăn lê sẽ khiến cho lớp bảo vệ niêm mạc dạ dày bị phá vỡ. Do lê là loại quả chứa nhiều chất xơ không hòa tan nên người bị trào ngược dạ dày sẽ bị kích ứng dạ dày khi ăn lê.
Kiêng các loại đồ ăn, thức uống có chứa nhiều acid
Trái cây chứa rất nhiều dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin và khoáng chất, tuy nhiên bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản cần tránh những loại hoa quả nhiều acid. Các loại hoa quả nằm trong danh sách này bao gồm chanh, cam, quýt, bưởi… vì có vị chua, chứa nhiều vitamin C và acid tự nhiên. Những loại quả chứa nhiều acid, chua sẽ không tốt cho dạ dày, vì nó làm acid trong dạ dày nhiều hơn, dễ gây viêm loét dạ dày và làm căng thẳng tình trạng trào ngược.
Hạn chế ăn muối
Muối không những không tốt đối với các loại bệnh như thận, huyết áp cao, tim mạch… mà ngay cả bệnh trào ngược dạ dày thực quản cũng thế. Nó là một trong nhiều tác nhân gây ra trào ngược dạ dày. Chính vì vậy khi bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản, các bạn nên hạn chế dùng muối hoặc ăn nhạt chút.
Không nên ăn socola
Trong socola có chứa nhiều chất béo và sữa. Như đã nói ở trên chất béo khiến tình trạng trào ngược nặng hơn. Menthyxanthine trong socola là một chất làm giãn cơ thắt thực quản dưới gây trào ngược.
Trào ngược dạ dày thực quản nên ăn gì để giảm triệu chứng?
Người bị trào ngược dạ dày thực quản cần thay đổi lối sống, lựa chọn thực phẩm có tính kiềm, có khả năng trung hòa acid như thực phẩm từ tinh bột như bánh mì, bột yến mạch, đạm dễ tiêu... vì các thực phẩm này giúp tránh sự bào mòn lớp nhầy trong dạ dày của acid, hạn chế các nhịp cơ thắt thực quản có acid trào lên.
Ngoài ra, cần chú ý lựa chọn các thực phẩm sau:
Đậu Hà Lan, đậu xanh, đậu đỏ... chứa hàm lượng chất xơ cao cùng các amino acid... được lựa chọn tốt nhất dành cho người bị trào ngược dạ dày thực quản.
Các loại đạm dễ tiêu bao gồm: Thịt thăn lợn, thịt ngan, thịt lưỡi lợn. Những loại đạm này góp phần giúp trung hòa acid, hạn chế các triệu chứng của bệnh đối với người bị trào ngược dạ dày.
Sữa chua giúp tiêu hóa thức ăn nhanh hơn, không những thế trong sữa chua có chứa men lợi khuẩn cải thiện tiêu hóa. Người bị trào ngược dạ dày nên sử dụng sữa chua hàng ngày, tuy nhiên không nên ăn khi đói.
Nghệ, mật ong được sử dụng như một gia vị phổ biến trong các bữa ăn hàng ngày, không chỉ thế nó còn hỗ trợ điều trị cho người bị trào ngược dạ dày thực quản rất hiệu quả.
Tóm lại: Trào ngược dạ dày thực quản là vấn đề hay gặp, mỗi người có thể có phản ứng khác nhau với thực phẩm, vì vậy quan trọng nhất là lắng nghe cơ thể của bạn và xác định những thực phẩm cụ thể gây triệu chứng cho bạn. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc quản lý bệnh trào ngược dạ dày thực quản, hãy thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để nhận được lời khuyên và hướng dẫn cụ thể.
Khi điều chỉnh bằng chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng mà không cải thiện triệu chứng thì cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Thái Thuý (theo báo SK&ĐS)