Đái dầm là tình trạng phổ biến ở trẻ em và đa số sẽ hết khi lớn lên. Nếu tình trạng này kéo dài, cần đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm.
1. Nguyên nhân gây ra chứng đái dầm
Đái dầm ở trẻ là bệnh tiểu tiện không tự chủ, xảy ra khi đang ngủ, thường gặp ở 10% trẻ 5-6 tuổi. Bệnh có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào, nhưng phổ biến là ban đêm.
Nguyên nhân của chứng đái dầm ở trẻ có thể do tình trạng bàng quang chưa trưởng thành vì trẻ còn nhỏ, do giảm bài tiết vào ban đêm, trẻ bị căng thẳng về tâm lý, ngủ say, di truyền… Một số bệnh lý cũng có thể gây ra chứng đái dầm ở trẻ như: Hội chứng ngưng thở khi ngủ, nhiễm trùng đường tiết niệu, táo bón, bệnh đái tháo đường, các vấn đề về chuyển hóa
2. Cách trị đái dầm ở trẻ
2.1. Biện pháp không dùng thuốc
Có thể áp dụng một số biện pháp thay đổi lối sống để trị chứng đái dầm:
- Hạn chế lượng nước uống vào ban đêm: Để trẻ uống đủ nước trong ngày vào buổi sáng và đầu giờ chiều. Không uống thêm nước trong 1 đến 2 giờ trước khi đi ngủ.
- Nên nhắc trẻ đi tiểu trước khi đi ngủ và ngay khi thức dậy. Ngoài ra, cha mẹ nên nhắc nhở về việc trẻ có thể đi vệ sinh vào ban đêm nếu cần.
- Nhắc trẻ đi tiểu thường xuyên trong ngày, sau mỗi 2 đến 3 giờ.
- Không dùng bỉm vào ban đêm khi trẻ đã biết đi vệ sinh vào ban ngày.
- Có thể sử dụng chuông báo đái dầm để đánh thức trẻ ngay khi có dấu hiệu tiết nước tiểu.
2.2. Thuốc điều trị đái dầm
Nếu thay đổi lối sống không giúp trẻ hết đái dầm, có thể sử dụng một số thuốc kê đơn trong một thời gian ngắn để ngăn ngừa chứng đái dầm.
Thuốc giảm sản xuất nước tiểu vào ban đêm: Thuốc viên desmopressin được sử dụng phổ biến nhất để điều trị chứng đái dầm. Thuốc làm giảm lượng nước tiểu được sản xuất vào ban đêm, nhưng chỉ dùng cho trẻ em trên 6 tuổi.
Tác dụng phụ của thuốc có thể gặp là hạ natri huyết. Do đó, cha mẹ cần lưu ý các dấu hiệu hạ natri như: Lú lẫn, yếu, co giật. Không sử dụng thuốc này nếu trẻ bị sốt, tiêu chảy hoặc buồn nôn và không uống nhiều nước vào buổi tối khi đang dùng desmopressin.
Thuốc làm dịu bàng quang: Thuốc kháng cholinergic như oxybutynin có thể giúp giảm co thắt bàng quang và tăng lượng nước tiểu mà bàng quang có thể chứa. Thuốc cũng có thể dùng điều trị tình trạng tiểu dầm ban ngày. Oxybutynin thường được sử dụng cùng với các loại thuốc khác. Chỉ dùng oxybutynin khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.
Thuốc chống trầm cảm ba vòng: Thuốc chống trầm cảm ba vòng imipramine cũng được dùng trong trị đái dầm. Loại thuốc này trị đái dầm bằng cách thay đổi thói quen ngủ và thức của trẻ, tác động đến thời gian trẻ có thể giữ nước tiểu trong bàng quang, hoặc giảm sản xuất nước tiểu.
Lưu ý, imipramine thường không được sử dụng để điều trị chứng đái dầm ở trẻ em dưới 6 tuổi. Nếu ngừng thuốc, chứng đái dầm có khả năng tái phát và có thể bắt đầu lại liệu trình điều trị. Tuyệt đối không nên dùng imipramine quá liều, vì có thể gây biến chứng nguy hiểm.
Tác dụng phụ có thể gặp: Cáu kỉnh, mất ngủ, buồn ngủ, chán ăn...
3. Lưu ý khi dùng thuốc
Để điều trị đái dầm hiệu quả, an toàn, cần tuân thủ:
- Không nên tự ý dùng thuốc mà chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Cần trao đổi với bác sĩ trước khi dùng các thuốc trị đái dầm cho trẻ.
- Đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng thuốc.
- Tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ.
- Tái khám theo lịch hẹn.
- Tùy từng trường hợp, đái dầm có thể tái phát cho đến khi đái dầm tự hết.
- Nếu gặp triệu chứng bất thường khi dùng thuốc, cần báo ngay cho bác sĩ để được xử trí kịp thời.
Thu Hiền( theo báo SK&ĐS)