image banner
Thuốc nào dùng trong điều trị hội chứng Reye?
Lượt xem: 63
Hội chứng Reye không phổ biến, nhưng có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Đây là lý do tại sao việc nhận biết triệu chứng, hiểu về các biện pháp điều trị cũng như phòng ngừa là rất quan trọng.

1. Hội chứng Reye nguy hiểm như thế nào?

Hội chứng Reye được đặt theo tên của R. Douglas Reye, một nhà nghiên cứu bệnh học người Australia, người đầu tiên báo cáo về hội chứng này vào những năm 1960. Đây là một căn bệnh hiếm gặp, có khả năng tử vong do gây sưng tấy, tổn thương cả não và gan. Tình trạng này có liên quan đến việc sử dụng thuốc aspirin, đặc biệt là khi dùng cho trẻ em và thanh thiếu niên đang hồi phục sau nhiễm trùng do virus như thủy đậu hoặc cúm.

Hội chứng Reye được phân loại là bệnh gan ty thể thứ phát. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh phổ biến bao gồm cúm A và B, thủy đậu, sử dụng thuốc salicylate (aspirin). 

Hội chứng này cũng có thể xuất hiện do một số lỗi bẩm sinh của quá trình chuyển hóa như khiếm khuyết beta-oxy hóa và thường ảnh hưởng đến trẻ em từ 5 đến 14 tuổi.

Bệnh nhân thường có biểu hiện nôn mửa cấp tính, thay đổi cảm giác, tiến triển thành co giật ở hơn 80% các trường hợp. Các biểu hiện khác cũng có thể bao gồm gan to, hạ đường huyết, nhiễm toan chuyển hóa có hoặc không có kiềm hô hấp, thường không có vàng da, sốt hoặc tăng bilirubin huyết thanh.

Anh-tin-bai
Hội chứng Reye không phổ biến nhưng có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời (ảnh minh họa).

Hội chứng Reye có thể được phân loại dựa trên mức độ nghiêm trọng của các dấu hiệu và triệu chứng:

Giai đoạn 1: Lờ đờ, nôn mửa, chán ăn và có dấu hiệu bệnh gan.

Giai đoạn 2: Lú lẫn, mê sảng, thở nhanh, phản xạ quá mức, kích động.

Giai đoạn 3: Mất tập trung, co giật.

Giai đoạn 4: Hôn mê sâu.

2. Điều trị hội chứng Reye như thế nào?

Hội chứng Reye là một căn bệnh nghiêm trọng cần phải nhập viện điều trị. Nếu không được điều trị đúng cách, não có thể bị tổn thương dẫn đến tử vong.

Nếu trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào nêu trên, đặc biệt là sau khi bị nhiễm thủy đậu hoặc cúm, bị nôn mửa liên tục, chậm chạp hoặc có những thay đổi đột ngột về hành vi, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế.

Trẻ sẽ được điều trị tại khoa chăm sóc đặc biệt trong những trường hợp nghiêm trọng. Vì không có liệu pháp điều trị cụ thể hoặc cố định nào cho hội chứng Reye nên mục tiêu của điều trị là hỗ trợ làm giảm các triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng.

Các biện pháp sau đây được áp dụng điều trị hội chứng Reye

- Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng tim và phổi (hệ thống hô hấp tim mạch), theo dõi dịch não và huyết áp.

- Sử dụng máy thở hoặc máy trợ thở nếu trẻ khó thở.

- Bên cạnh việc tiêm thuốc tĩnh mạch để điều trị sốt hoặc đau và truyền dịch để cân bằng nồng độ muối, khoáng chất và glucose trong máu, có thể điều trị bằng vitamin K, huyết tương và tiểu cầu để ngăn ngừa chảy máu do bất thường ở gan.

Trẻ có thể được chỉ định sử dụng một số loại thuốc:

- Insulin để cải thiện quá trình chuyển hóa glucose.

Corticosteroid có tác dụng chống viêm, giúp giảm sưng não.

Thuốc lợi tiểu để đào thải lượng dịch dư thừa.

- Thuốc điều trị co giật để kiểm soát cơn động kinh và những tác động tiêu cực của chúng...

Tất cả các loại thuốc này đều được sử dụng trong cơ sở y tế, dưới sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế

Anh-tin-bai
Để giảm nguy cơ mắc hội chứng Reye, không cho trẻ uống aspirin hoặc các loại thuốc có chứa aspirin để điều trị các bệnh do virus.

3. Cách tốt nhất để phòng ngừa hội chứng Reye là gì?

Aspirin còn được gọi là axit acetylsalicylic, axit salicylic hoặc acetylsalicylate, là loại thuốc giảm đau được sử dụng rất phổ biến. Thuốc hoạt động bằng cách ức chế cơ thể sản xuất prostaglandin, đây là hợp chất do các enzyme trong cơ thể sản xuất, đóng vai trò chính trong phản ứng viêm của cơ thể đối với nhiễm trùng hoặc chấn thương.

Khi được sử dụng để điều trị bệnh do nhiễm virus, aspirin có thể ảnh hưởng đến ty thể của người, đây là những cấu trúc nhỏ trong tế bào có chức năng tạo ra năng lượng để vận hành tế bào. Rối loạn chức năng ty thể có thể dẫn đến sự tích tụ amoniac, một sản phẩm phụ của quá trình trao đổi chất, trong máu. Tình trạng này được gọi là tăng amoniac máu, có thể dẫn đến tình trạng não bị sưng và tăng áp lực lên não khi não đè vào hộp sọ. Mức độ sưng và áp lực quyết định mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng thần kinh của một cá nhân.

Do vậy, để giảm nguy cơ mắc hội chứng Reye, không cho trẻ uống aspirin hoặc các loại thuốc có chứa aspirin để điều trị các bệnh do virus. Trừ khi được bác sĩ chỉ định và hướng dẫn cụ thể, không được cho trẻ em, thanh thiếu niên dưới 19 tuổi sử dụng thuốc aspirin.

Có thể không thể ngăn ngừa tất cả các trường hợp mắc hội chứng Reye, vì một số trường hợp không liên quan đến aspirin, nhưng khả năng mắc căn bệnh hiếm gặp này sẽ giảm đáng kể, bằng cách đảm bảo rằng trẻ em bị nhiễm virus không dùng bất kỳ loại thuốc nào có chứa aspirin.

Nếu trẻ bị cúm hoặc thủy đậu, hãy sử dụng các loại thuốc khác như paracetamol (acetaminophen), ibuprofen hoặc naproxen sodium để hạ sốt hoặc giảm đau. Kiểm tra nhãn trên bất kỳ loại thuốc nào để đảm bảo thuốc không có aspirin trước khi cho con bạn uống.

Thu Hiền (theo báo SK&ĐS)

THÔNG BÁO
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ NGHỆ AN
Chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Y tế Nghệ An
Địa chỉ: Số 18 - Đường Trường Thi - Tp.Vinh - Nghệ An
Điện thoại: (0238) 3844 791 - Fax: 038 3 844 791 - Email:yt@nghean.gov.vn
Đường dây nóng: 0966.64.14.14