Các loại giun đường ruột ở người chủ yếu gồm giun đũa (Ascaris lumbricoides), giun tóc (Trichuris trichiura), giun móc/mỏ (Ancylostoma duodenale/Necator americanus), và giun kim (Enterobius vermicularis) rất phổ biến ở Việt Nam. Người bị nhiễm giun truyền qua đất là do ăn phải trứng giun từ thức ăn, nước uống bị ô nhiễm, qua bàn tay bẩn. Đối với giun móc/mỏ ấu trùng xâm nhập xuyên qua da vào cơ thể và gây bệnh cho người.
Các triệu chứng thường gặp khi bị nhiễm giun như gầy yếu, da xanh, hay bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, ăn uống khó tiêu, bụng chướng, chậm lớn.
Các bệnh do giun gây nên nhiều tác hại như rối loạn tiêu hóa, đau bụng, thiếu máu, suy dinh dưỡng, gầy yếu, chậm lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển cả về trí tuệ và tinh thần, gây ra các biến chứng tắc ruột, giun chui vào ruột thừa gây viêm, giun chui ống mật, có thể gây tử vong.
Việt Nam có khí hậu nhiệt đới, là môi trường thuận lợi cho giun phát triển, nên có tỉ lệ nhiễm giun cao. Trong đó, trẻ em là đối tượng nguy cơ cao vì thường hiếu động, nghịch ngợm, hay cầm nắm mọi thứ. Vì vậy, việc tẩy giun định kì tại cộng đồng được khuyến cáo. Trẻ trên 12 tháng tuổi ở cần tẩy giun định kì từ 6 tháng đến 1 năm.
Thực hiện kế hoạch số 1263/KH-KSBT ngày 24/11/2023 của Trung tâm KSBT tỉnh Nghệ An về việc triển khai công tác tẩy giun cho trẻ từ 24-60 tháng tuổi đợt 2 năm 2023. Toàn Tỉnh đã và đang triển khai và tổ chức thực hiện tẩy giun cho trẻ mầm non (24-60 tháng tuổi).
Tẩy giun định kỳ chỉ nên bắt đầu thực hiện khi trẻ được 1 tuổi trở lên. Khi uống thuốc tẩy giun, trẻ không cần nhịn đói hay ăn kiêng, cũng không phải dùng thuốc xổ. Một số phản ứng phụ ít gặp sau khi dùng thuốc là trẻ có thể đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy thoáng qua, những triệu chứng này thường nhẹ và sẽ tự khỏi. Một số rất ít trường hợp trẻ có thể có phản ứng dị ứng với thuốc như phát ban, ngứa, nổi mề đay. Khi đó, nên đưa bé đi khám để được bác sĩ tư vấn cách xử lý phù hợp.
Ngoài việc tẩy giun định kỳ, để giảm tỷ lệ nhiễm giun đường ruột cần:
1. Vệ sinh cá nhân:
- Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi chơi đùa, sau khi tiếp xúc với đất và sau khi đi đại tiện. Luôn cắt móng tay sạch sẽ, không mút ngón tay.
- Luôn đi giày, dép, không ngồi lê trên đất.
- Ăn uống bảo đảm vệ sinh, ăn chín, uống chín.
2. Vệ sinh môi trường:
- Xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không dùng phân tươi bón ruộng và cây trồng, không phóng uế bừa bãi.
- Thường xuyên vệ sinh trường lớp, nhà cửa sạch sẽ.
3. Giáo dục truyền thông: Tăng cường các biện pháp giáo dục truyền thông phòng chống giun truyền qua đất, nâng cao nhận thức về phòng chống bệnh cho cá nhân và cộng đồng.
BS Phạm Thị Hoàng Liên