17/07/2025
Tăng cường triển khai phòng, chống bệnh viêm gan vi rút và hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống viêm gan vi rút (28/7)
Lượt xem: 21
Ngày 28/7 hằng năm được lựa chọn là Ngày Thế giới phòng, chống viêm gan virút. Năm 2025, Việt Nam chọn chủ đề “Phá bỏ rào cản để tiến tới loại trừ bệnh viêm gan vi rút và ngăn ngừa ung thư gan”. Chủ đề này tương đồng với chủ đề do Tổ chức Y tế Thế giới đề ra: “Let’s break it down. Breaking the barriers to hepatitis eliminationand liver cancer prevention” (Hãy cùng phân tích. Phá vỡ rào cản để loại trừ bệnh viêm gan vi rút và phòng ngừa ung thư gan). Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh rằng: nếu triển khai đồng bộ các các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, đẩy mạnh xét nghiệm sớm, điều trị kịp thời, cùng sự chung tay của cộng đồng, chúng ta có thể đẩy lùi và tiến tới loại trừ bệnh viêm gan vi rút vào năm 2030.
Nhằm tăng cường triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh viêm gan vi rút tại Việt Nam và hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống viêm gan vi rút (28/7); ngày 01/7/2025, Cục Phòng bệnh – Bộ Y tế ban hành Công văn số 665/PB-HIV-MT về việc tăng cường triển khai phòng, chống bệnh viêm gan vi rút và hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống viêm gan vi rút; Cục Phòng bệnh đề nghị các đồng chí Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện các nội dung:
1. Tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống viêm gan vi rút (28/7) phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng đơn vị.
2. Xây dựng kế hoạch, huy động sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của các dự án hợp tác quốc tế (nếu có thể), chỉ đạo, tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống viêm gan vi rút theo Kế hoạch phòng, chống viêm gan vi rút tại Việt Nam, giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định 4531/QĐ-BYT ngày 24/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Hướng dẫn triển khai các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống viêm gan vi rút năm 2025
Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống viêm gan vi rút (28/7) năm 2025, Cục Phòng bệnh hướng dẫn các đơn vị triển khai các hoạt động truyền thông phòng, chống viêm gan vi rút như sau:
I. MỤC TIÊU
Tăng cường sự hiểu biết của người dân về phát hiện sớm, xét nghiệm sớm, điều trị kịp thời và các biện pháp dự phòng lây nhiễm viêm gan vi rút nhằm thực hiện mục tiêu giảm lây truyền viêm gan vi rút, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do viêm gan vi rút tiến tới loại trừ bệnh viêm gan vi rút vào năm 2030
II. CHỦ ĐỀ, KHẨU HIỆU VÀ CÁC THÔNG TIN CHÍNH VỀ VIÊM GAN VI RÚT
1. Chủ đề
Năm 2025, Việt Nam chọn chủ đề “Phá bỏ rào cản để tiến tới loại trừ bệnh viêm gan vi rút và ngăn ngừa ung thư gan”. Chủ đề này tương đồng với chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống viêm gan vi rút năm 2025 do Tổ chức Y tế Thế giới ban hành: “Let’s break it down. Breaking the barriers to hepatitis elimination and liver cancer prevention” (Hãy cùng phân tích. Phá vỡ rào cản để loại trừ viêm gan vi rút và phòng ngừa ung thư gan).
Giải thích chủ đề
Chủ đề “Phá bỏ rào cản để tiến tới loại trừ bệnh viêm gan vi rút và ngăn ngừa ung thư gan” là thông điệp trọng tâm của chiến dịch truyền thông cho Ngày Thế giới Phòng chống Viêm gan vi rút, nhằm kêu gọi hành động mạnh mẽ từ ngành y tế và toàn xã hội.
Phá bỏ rào cản bao gồm rào cản về nhận thức, về tiếp cận dịch vụ y tế, về tài chính, về kỳ thị xã hội. Nhiều người dân không biết mình mắc viêm gan B, C do bệnh diễn tiến âm thầm gây tổn thương gan và ung thư gan, mặc dù viêm gan B, C có thể phòng ngừa, viêm gan vi rút C có thể điều trị khỏi. Tại nhiều địa phương, người dân còn chưa hiểu biết đầy đủ về bệnh viêm gan vi rút và hậu quả của bệnh, do đó, họ chưa chủ động tiếp cận các dịch vụ y tế kịp thời để xét nghiệm, điều trị bệnh. Thêm vào đó, chi phí xét nghiệm và điều trị viêm gan vi rút lâu dài cũng là gánh nặng cho gia đình bệnh nhân khi
họ không có bảo hiểm y tế. Vẫn còn tồn tại sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với những bệnh nhân mắc viêm gan vi rút.
Chủ đề năm nay nhấn mạnh nhu cầu đơn giản hóa, mở rộng quy mô và tích hợp các dịch vụ về viêm gan vi rút như tiêm vắc-xin phòng bệnh, thực hành tiêm an toàn, giảm tác hại và đặc biệt là xét nghiệm và điều trị viêm gan vi rút vào hệ thống y tế.
Đến năm 2030, loại trừ bệnh viêm gan vi rút và ngăn ngừa ung thư gan là mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới. Chúng ta phải hành động ngay để mở rộng khả năng tiếp cận, tích hợp dịch vụ chăm sóc và loại trừ viêm gan vi rút như một mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng vào năm 2030
3. Các thông tin chính về bệnh viêm gan vi rút
3.1. Viêm gan vi rút là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan và là nguyên nhân gây tử vong ngày càng tăng trên toàn cầu.
Trên thế giới, viêm gan vi rút mãn tính gây ra 1,3 triệu ca tử vong mỗi năm, chủ yếu là do ung thư gan và xơ gan. Tức là 3.500 ca tử vong mỗi ngày, tương đương với bệnh lao. Viêm gan B và C đang lây lan âm thầm, với 8.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Mặc dù có thể phòng ngừa và điều trị được, gánh nặng bệnh tật vẫn tiếp tục gia tăng, đặc biệt là ở những khu vực có khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc hạn chế.
Tại Việt Nam, năm 2022, ung thư gan đứng hàng đầu trong 5 bệnh ung thư có tỷ lệ tử vong cao nhất. Việt Nam nằm trong 10 quốc gia có tỷ lệ mắc và tử vong do ung than gan cao nhất thế giới, 90% các trường hợp ung thư gan do viêm gan vi rút B và C. 3.2. Chúng ta có thể ngăn ngừa 2,8 triệu ca tử vong vào năm 2030 nếu hành động ngay. Việt Nam hoàn toàn có khả năng tiến tới loại trừ viêm gan vi rút. Chúng ta đã có trong tay các công cụ hiệu quả như các can thiệp đặc hiệu để dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con, vắc xin phòng viêm gan A và B, cũng như các thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, một thách thức lớn hiện nay là phần lớn các ca mắc viêm gan vi rút chỉ được phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, làm giảm hiệu quả điều trị và gia tăng nguy cơ biến chứng. Triển khai tiêm vắc xin phòng viêm gan vi rút, mở rộng xét nghiệm, chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và chăm sóc toàn diện với con người là trung tâm sẽ góp phần cứu sống hàng triệu người và ngăn ngừa hiệu quả ung thư gan.
4. Các nội dung truyền thông về Dự phòng lây nhiễm viêm gan vi rút
- Đối với người dân:
+ Xét nghiệm viêm gan B và C, đặc biệt là tất cả phụ nữ mang thai cần được xét nghiệm viêm gan B trong lần khám thai đầu tiên hoặc càng sớm càng tốt trong thời gian mang thai.
+ Tiêm vắc xin viêm gan B đầy đủ cho trẻ theo lịch của Chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt tăng cường tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh cho trẻ trong vòng 24 giờ đầu sau sinh.
+ Tìm hiểu thông tin và trao đổi với nhân viên y tế về xét nghiệm và điều trị sớm viêm gan vi rút.
+ Giúp chấm dứt kỳ thị bằng cách chia sẻ thông tin chính xác.
- Đối với các cơ quan y tế tại địa phương
+ Ưu tiên chẩn đoán và điều trị sớm, tập trung vào nhóm đối tượng là người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu vùng xa, chưa có thẻ bảo hiểm y tế.
+ Lồng ghép truyền thông về phòng ngừa viêm gan vi rút vào các chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
+ Đảm bảo quyền tiếp cận xét nghiệm và điều trị viêm gan vi rút cho người dân. + Thực hành tiêm/truyền máu an toàn.
+ Đảm bảo tiêm vắc xin viêm gan B đầy đủ cho trẻ theo lịch của Chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt tăng cường tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh.
+ Mở rộng quy mô xét nghiệm và điều trị tích hợp vào hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu, bao gồm HIV, kiểm soát bệnh không lây nhiễm, kiểm soát ung thư và sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
+ Mở rộng và lồng ghép cung cấp các dịch vụ về viêm gan vi rút qua bảo hiểm y tế.
+ Tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức về mối liên hệ giữa viêm gan vi rút và ung thư gan.
+ Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống bệnh viêm gan vi rút...
5. Một số khẩu hiệu của Ngày Thế giới phòng, chống viêm gan vi rút
- Chung tay hành động – Loại trừ bệnh viêm gan vi rút vào năm 2030!
- Viêm gan vi rút có thể phòng ngừa và điều trị – Đừng bỏ lỡ cơ hội!
- Chung tay vì một Việt Nam không còn bệnh viêm gan vi rút!
- Xét nghiệm viêm gan B cho phụ nữ mang thai ngay trong lần khám thai đầu tiên!
- Phụ nữ mang thai nhiễm viêm gan B cần được can thiệp dự phòng lây truyền từ mẹ sang con!
- Chủ động tiêm phòng viêm gan vi rút B để trẻ lớn lên khỏe mạnh!
- Tiêm phòng viêm gan vi rút – Lựa chọn cho sức khỏe cả đời!
- Đừng để bệnh viêm gan vi rút ẩn mình – Xét nghiệm là cách tốt nhất để phát hiện!
- Phát hiện sớm – Điều trị sớm – Để tránh xa xơ gan, ung thư gan!
- Tiêm phòng – Xét nghiệm – Điều trị: Hãy chủ động để bảo vệ gan và sức khỏe của bạn!
III. CÁC HOẠT ĐỘNG HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG, CHỐNG VIÊM GAN VI RÚT (28/7)
1. Ban hành văn bản hướng dẫn chỉ đạo
Sở Y tế các tỉnh, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc triển khai các hoạt động phòng, chống viêm gan vi rút và hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống viêm gan vi rút năm 2025.
2. Tổ chức các hoạt động truyền thông
Tùy thuộc điều kiện cụ thể, từng địa phương, đơn vị cân nhắc và lựa chọn việc tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống viêm gan vi rút cụ thể như sau:
a) Tổ chức Lễ phát động, lễ mít tinh
- Các tỉnh, thành phố tổ chức hoặc lồng ghép tổ chức Lễ phát động các hoạt động truyền thông phòng, chống viêm gan vi rút.
- Tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống viêm gan vi rút (28/7). Lễ mít tinh nên được tổ chức vào thời điểm thuận lợi cho việc huy động cộng đồng tham gia và nên tổ chức trong tháng 7/2025.
- Bên cạnh đó, việc tổ chức lễ phát động hoặc mít tinh, các địa phương, đơn vị có thể tổ chức các hoạt động phối hợp trong cùng thời gian Mít tinh để huy động sự tham gia của cộng đồng, người dân như: Diễu hành quần chúng, giải chạy, đi bộ, đạp xe, thi chạy, trưng bày, triển lãm, ca nhạc, biểu diễn kịch và chiếu phim lưu động hoặc tổ chức các sự kiện tặng quà cho người bệnh viêm gan vi rút...
b) Tổ chức các hoạt động truyền thông
Truyền thông đại chúng
Tăng cường truyền thông phòng, chống viêm gan vi rút trên báo in, trang tin điện tử, các đài phát thanh truyền hình cũng như hệ thống truyền thanh xã, phường thông qua xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, tọa đàm, phóng sự, phim ngắn, lồng ghép nội dung phòng, chống viêm gan vi rút vào các chương trình giải trí, các chương trình quảng cáo, các chương trình tọa đàm, giao lưu với những người nổi tiếng...
Truyền thông qua mạng xã hội:
Tăng cường sự tham gia của cán bộ y tế vào công tác truyền thông về phòng, chống viêm gan vi rút trên hệ thống mạng xã hội như (Facebook, Zalo, TikTok, Youtube, Viber, Lotus…); tin nhắn điện thoại; các loại hình truyền thông trên nền tảng Internet; thông qua các hình thức truyền tải thông điệp hiệu quả cao như: Infographic, videoclip, audioclip.
Truyền thông trực tiếp và truyền thông nhân sự kiện
- Tổ chức truyền thông cá nhân và truyền thông nhóm về phòng, chống viêm gan vi rút tại gia đình và cộng đồng. Lấy lực lượng y tế xã và thôn bản làm nòng cốt, giao nhiệm vụ và định kỳ kiểm tra, giám sát kết quả và hiệu quả các hoạt động truyền thông.
- Kết hợp với các nền tảng số truyền thông của các đơn vị, mạng lưới truyền thông Sở Y tế các tỉnh/thành phố – các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ; các đơn vị y tế tuyến tỉnh, tuyến cơ sở, cơ sở bảo trợ xã hội để mở rộng phạm vi tiếp cận.
- Tổ chức các sự kiện truyền thông về phòng, chống viêm gan vi rút và các nội dung có liên quan tại các cơ quan, trường học, khu công nghiệp...nhằm thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân.
- Lồng ghép và đẩy mạnh truyền thông, tư vấn phòng, chống viêm gan vi rút qua cơ sở cung cấp dịch vụ y tế.
Cung cấp thông tin cho đội ngũ phóng viên, cán bộ truyền thông viết bài về phòng, chống viêm gan vi rút
- Tổ chức gặp mặt đội ngũ phóng viên viết bài về phòng, chống viêm gan vi rút để định hướng và cung cấp thông tin.
- Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác truyền thông y tế tại địa phương (chú ý tuyến xã và thôn bản).
- Tập huấn truyền thông, cung cấp thông tin cho người phát ngôn và lãnh đạo đơn vị, cán bộ truyền thông các cấp, lưu ý cán bộ truyền thông trong các cơ sở khám chữa bệnh.
Sản xuất và nhân bản tài liệu truyền thông
- Sản xuất nhân bản các tài liệu truyền thông dưới các hình thức thích hợp chuyển cho các cơ sở cung cấp dịch vụ, các tuyên truyền viên, cộng tác viên truyền thông phòng, chống viêm gan vi rút để lan tỏa thông điệp tới nhân dân.
- Xây dựng và phổ biến các thông điệp phòng, chống viêm gan vi rút qua các phương tiện và tài liệu truyền thông khác: Xây dựng các cụm panô, khẩu hiệu, treo băng rôn tại các địa điểm công cộng có đông người qua lại như các trục đường giao thông chính, các bến xe, công viên; cửa ngõ tỉnh, thành phố, xã phường, thôn, ấp, bản và cổng các cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện; Phổ biến các ấn phẩm truyền thông phòng, chống viêm gan vi rút khác như áp phích, tranh gấp, tờ rơi, sách mỏng....
3. Tổ chức các hoạt động chuyên môn (hội nghị, hội thảo, tập huấn...)
Tùy từng điều kiện cụ thể, các đơn vị, địa phương tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn với số người tham gia và hình thức tổ chức phù hợp với tiêu chí trang nghiêm, tiết kiệm. Các hội nghị, hội thảo, tập huấn... tập trung phổ biến về các nội dung:
- Nguyên nhân, đường lây truyền các bệnh viêm gan vi rút, biện pháp dự phòng lây nhiễm viêm gan vi rút và các biện pháp chăm sóc, điều trị các bệnh viêm gan vi rút.
- Hậu quả của bệnh viêm gan vi rút đối với sức khỏe, tính mạng con người và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
- Tiêm vắc xin phòng, chống viêm gan vi rút
- Các phương pháp, dịch vụ xét nghiệm vi rút
- Điều trị các bệnh viêm gan vi rút
4. Đường link/QR code một số sản phẩm truyền thông của Cục Phòng bệnh, Tổ chức Y tế Thế giới về phòng, chống viêm gan vi rút để các địa phương tham khảo và sử dụng (nếu cần).
Khoa Truyền thông - GDSK
|