image banner
Suy tim cần biết 3 điều sau
Lượt xem: 52
Suy tim là bệnh lý tim mạch khá phổ biến và thuộc vào nhóm nguy hiểm đối với sức khỏe. Việc hiểu rõ về căn bệnh này sẽ giúp người bệnh khỏe mạnh hơn.
 

Suy tim là hậu quả của các bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, các bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh… Cùng với tốc độ già hóa dân số ngày một gia tăng, số bệnh nhân suy tim tăng lên rõ rệt trong những thập kỷ qua và đang trở thành gánh nặng cho cộng đồng cần được giải quyết. Có tới gần 50% số bệnh nhân suy tim có nguy cơ bị tử vong trong vòng 5 năm kể từ khi được chẩn đoán. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp làm chậm tiến triển của suy tim, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.

Nguyên nhân gây suy tim

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy tim bao gồm:

Nguyên nhân do bệnh động mạch vành: Khi các động mạch cung cấp máu cho tim bị tắc nghẽn, điều này có thể làm giảm lượng máu đến tim, gây ra suy tim.

Do tăng huyết áp: Huyết áp cao kéo dài có thể làm cho tim phải hoạt động quá mức, dẫn đến suy yếu cơ tim.

Do bệnh van tim: Nếu các van trong tim không hoạt động đúng cách, tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu thì sẽ dẫn đến suy tim.

Do bệnh cơ tim: Bất kỳ tổn thương nào đến cơ tim, bao gồm bệnh mắc phải như viêm cơ tim hay các bệnh di truyền như cơ tim giãn, bệnh cơ tim hạn chế… đều có thể gây suy tim.

Triệu chứng của bệnh suy tim

Bệnh nhân suy tim thường có các biểu hiện sau:

  • Tim đập nhanh hoặc không đều: Để bù đắp cho khả năng bơm máu giảm.
  • Ho khan dai dẳng: Do dịch tích tụ trong phổi.
  • Khó thở: Đặc biệt là khi gắng sức hoặc khi nằm xuống, cơn khó thở kịch phát về đêm.
  • Mệt mỏi: Do tim không bơm đủ máu đến các cơ quan.
  • Phù: Sưng ở chân, mắt cá chân hoặc bụng do sự tích tụ của dịch.

Để chẩn đoán suy tim, bác sĩ thường sử dụng các phương pháp như:

  • Khám lâm sàng: Kiểm tra các triệu chứng lâm sàng như phù, khó thở, hoặc nhịp tim không đều.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm các chỉ số như BNP (B-type Natriuretic Peptide) có thể giúp xác định suy tim.
  • Siêu âm tim: Để kiểm tra chức năng của các buồng tim và van tim.
  • Điện tâm đồ (ECG): Để đánh giá hoạt động điện của tim.
  • Chụp X-quang ngực: Kiểm tra phổi và tim để phát hiện sự tích tụ dịch hoặc các bất thường khác
  • Anh-tin-bai
    Suy tim là một bệnh lý tim mạch khá phổ biến và thuộc vào nhóm nguy hiểm đối với sức khỏe.
  • Người bệnh suy tim cần làm gì?

Tùy từng cá nhân cụ thể mà các bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc cho thích hợp. Biện pháp điều trị chung cho tất cả các loại nguyên nhân gây ra suy tim, chế độ không dùng thuốc, dùng thuốc và can thiệp.

Ngoài việc tuân thủ chỉ định của các bác sĩ bệnh nhân cần thực hiện các nguyên tắc sau:

  • Cần nghỉ ngơi

Người bệnh suy tim cần nghỉ ngơi là một việc khá quan trọng, tuy nhiên cần hiểu nghỉ ngơi theo ý nghĩa linh hoạt. Tùy mức độ suy tim mà có chế độ nghỉ ngơi, tập luyện khác nhau.

Bệnh nhân suy tim nhẹ với nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch vẫn cần khuyến khích tập luyện thể lực, nhưng không được gắng sức hay thi đấu thể thao. Khi suy tim nặng hơn cần hoạt động nhẹ hơn và trong trường hợp suy tim rất nặng thì phải nghỉ tại giường theo tư thế nửa nằm nửa ngồi.

Trong trường hợp suy tim mà bệnh nhân phải nằm điều trị lâu ngày, nên khuyến khích bệnh nhân xoa bóp, lúc đầu là thụ động, sau đó là chủ động ở các chi, nhất là hai chi dưới để làm cho máu tĩnh mạch trở về tim được dễ dàng hơn, giảm bớt các nguy cơ huyết khối tĩnh mạch.

  • Ăn chế độ ăn giảm muối

Khi chúng ta ăn nhiều muối hoặc natri sẽ khiến cơ thể tích nước làm tăng huyết áp và gây áp lực nhiều hơn lên tim và thận. Theo Hiệp Hội Tim Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo hạn chế lượng natri tiêu thụ hàng ngày trong khoảng 1.500 - 2.300 milligram (mg) mỗi ngày.

Natri tự nhiên được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm hải sản, gia cầm, thịt đỏ, sản phẩm sữa và sản phẩm từ thực vật. Nhưng nguồn natri lớn nhất là muối, được thêm vào nhiều món ăn tự làm và hầu hết các loại thực phẩm chế biến.

Hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến đóng gói sẵn, thịt chế biến, các loại mì và gạo đã tẩm gia vị, sốt salad, các loại gia vị, bánh quy và các loại đồ ăn nhẹ khác.

Hạn chế lượng muối thêm vào các món ăn tự làm. Sử dụng sả, gừng và hành là những loại gia vị tự nhiên quen thuộc, không chỉ tạo ra hương vị đặc trưng mà còn giúp tăng cảm giác ngon miệng mà không cần sử dụng nhiều muối. Bạn có thể sử dụng chúng để nêm gia vị cho các món ăn, thay thế cho muối hoặc kết hợp với các loại rau sống để tạo ra các món salad ngon và bổ dưỡng.

Thay vì sử dụng nước sốt và nước sốt mặn giàu natri, bạn có thể thử sử dụng các loại sốt chua như nước cốt chanh, giấm trái cây hoặc nước cốt dừa để tạo ra các món ăn ngon và độc đáo. Sốt chua không chỉ giúp làm dịu vị cay của thực phẩm mà còn làm tăng cảm giác ngon miệng mà không cần sử dụng nhiều muối.

  • Hạn chế uống nước

Bệnh nhân suy tim cần hạn chế lượng nước và dịch dùng cho bệnh nhân hàng ngày, nhằm giảm bớt khối lượng tuần hoàn và giảm gánh nặng với tim.

Tùy mức độ suy tim nặng hay nhẹ mà các bác sĩ sẽ chỉ dẫn uống nước cho phù hợp. Uống nước theo nhu cầu của bệnh nhân và mức độ suy tim. Nếu người bệnh phù nhiều thì cần phải hạn chế lượng nước đưa vào cơ thể và ăn nhạt hoàn toàn. Nói chung chỉ nên dùng cho bệnh nhân khoảng 500 – 1000 ml nước vào cơ thể mỗi ngày. Tránh uống nhiều nước để giảm triệu chứng, tuy nhiên nếu uống quá ít nước cũng rất nguy hiểm, vì có thể gây tụt huyết áp, choáng váng, chóng mặt. Tốt nhất người bệnh suy tim nên trao đổi với bác sĩ để biết nhu cầu nước thế nào là phù hợp với mức độ bệnh.

Ngoài ra, bệnh nhân suy tim cần loại bỏ các yếu tố nguy cơ khác như bỏ thuốc lá, cà phê… Giảm cân nặng ở những bệnh nhân béo phì. Tránh các xúc cảm mạnh (stress). Đối với người bệnh suy tim, cần thực hiện chế độ ăn theo khuyến cáo của bác sĩ. Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh suy tim cần được điều chỉnh theo từng giai đoạn của bệnh để hạn chế sự tiến triển và biến chứng của bệnh, làm giảm các triệu chứng khó thở, mệt mỏi, đau ngực, ho, phù...

Ăn uống lành mạnh cho tim có liên quan đến việc chọn một số loại thực phẩm, chẳng hạn như trái cây và rau quả, đồng thời hạn chế những thực phẩm giàu chất béo bão hòa và đường bổ sung.
 

Thu Hiền (theo báo SK&ĐS)

THÔNG BÁO
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ NGHỆ AN
Chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Y tế Nghệ An
Địa chỉ: Số 18 - Đường Trường Thi - Tp.Vinh - Nghệ An
Điện thoại: (0238) 3844 791 - Fax: 038 3 844 791 - Email:yt@nghean.gov.vn
Đường dây nóng: 0966.64.14.14