Ở người cao tuổi, nhiều chức năng của cơ thể bị suy giảm và sức khỏe yếu dần nên dễ mắc bệnh và những bệnh mãn tính thường hay tái phát
Vậy những nguyên nhân, nguy cơ, yếu tố nào khiên người cao tuổi dễ mắc bệnh và tái nhiễm?
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khiến người cao tuổi dễ mắc bệnh
- Lão hóa làm cho các tế bào cơ thể bị suy yếu và dễ tổn thương, hệ miễn dịch suy giảm. Lão hóa khiến cơ thể của người trung niên và người cao tuổi mất đi lượng canxi cùng các khoáng chất khác. Sự suy giảm mật độ xương tăng nhanh do lão hoá khiến xương trở nên mỏng và yếu hơn. Người cao tuổi còn dễ mắc bệnh hơn do lão hoá làm cho các tế bào dễ bị tổn thương hơn, quá trình phục hồi chậm hơn, sức đề kháng suy giảm.
- Kém vận động hay nằm hoặc ngồi một chỗ.
- Yếu tố tâm lý: vô dụng, cô đơn… khiến người cao tuổi dễ buồn bã, rầu rĩ. Sức khỏe tinh thần không ổn định cũng có ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của người cao tuổi.
- Lối sinh hoạt chưa phù hợp: người cao tuổi thường có tâm lý thoải mái hơn về lối sống và sinh hoạt, ít duy trì lịch ăn uống hoặc nghỉ ngơi đều đặn.
-
- Các bệnh lý hay gặp ở người cao tuổi
Bệnh tim mạch
Trong các bệnh lý về tim mạch thì suy tim là hay gặp nhất. Suy tim là tim không bơm đủ máu để nuôi dưỡng các cơ quan của cơ thể. Suy tim có thể dẫn tới chứng biến chứng nguy hiểm tới tính mạng. Ngoài ra, những bệnh về hệ tim mạch thường gặp như bệnh xơ vừa động mạch tăng huyết áp, hở van tim, loạn nhịp tim, đau tim, nhồi máu cơ tim…
Bệnh hệ thần kinh trung ương
Người cao tuổi có nhiều thay đổi ở hệ thần kinh trung ương như giảm trọng lượng của não, tỷ trọng của chất trắng và chất xám thay đổi, tổng lượng neuron giảm mạnh và số lượng mảng lão hóa tăng lên. Do đó, người cao tuổi thường chậm chạp, kém minh mẫn, suy giảm trí nhớ. Một số bệnh lý thường gặp ở hệ thần kinh trung ương đó là parkinson, sa sút trí tuệ, alzheimer…
Bệnh hệ hô hấp
Ngoài một số các bệnh lý hay gặp về đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản mạn tính, hen, giãn phế quản… thì bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) thường gặp hơn cả nhất là người có tiền sử hút thuốc lào, thuốc lá,... hay những người sống trong tình trạng thiếu dưỡng khí như khói bếp, ô nhiễm không khí, nhà cửa chật hẹp, thiếu ánh sáng,...
Bệnh hệ tiêu hóa
Người cao tuổi do bị viêm lợi, rụng răng, răng yếu nên thường gặp khó khăn trong việc nhai, nuốt thức ăn. Hơn nữa, phải nhai lâu hơn và ăn chậm do giảm nhu động thực quản và làm chậm quá trình vận chuyển thức ăn qua ống tiêu hóa. Giảm nhu động ruột và giảm tiết dịch dạ dày dẫn tới giảm hấp thu chất dinh dưỡng.
Táo bón thường mãn tính, viêm đại tràng mạn tính, trào ngược dạ dày…cũng ảnh hưởng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người người cao tuổi.
Bệnh xương khớp
Thoái hóa khớp đốt sống lưng, khớp gối, đau xương, khớp là những bệnh phổ biến ở người cao tuổi. Bệnh xương khớp ở người cao tuổi thường ảnh hưởng lớn đến chức năng sống, giảm hoạt động, dẫn tới giảm khối lượng xương, cơ và tăng nguy cơ gãy xương.
Cách phòng ngừa và hạn chế
Để người cao tuổi hạn chế mắc bệnh và tái phát, các chuyên gia lão khoa khuyến cáo cần thực hiện những việc làm sau:
- Kiểm soát sức khỏe và thuốc uống.
- Ăn uống khoa học, chia nhiều bữa nhỏ, ăn thức ăn mềm dễ tiêu, bổ sung trái cây tươi.
- Uống đủ nước.
- Tập thể dục đều đặn, phù hợp với sức khỏe.
- Kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ để chủ động kịp thời phát hiện các bất thường, tổn thương từ sớm, giúp can thiệp điều trị ngay từ giai đoạn đầu của bệnh, hạn chế nguy cơ biến chứng.
Thu Hiền ( theo báo SK&ĐS )