Dù đã có nhiều cảnh báo về nguy cơ ngộ độc thịt cóc gây tử vong nhưng ở một số nơi vẫn sử dụng thịt cóc làm thức ăn. Mới đây, hai anh em ở Đắk Lắk ăn thịt cóc tự làm, một trẻ đã tử vong, trẻ còn lại ngộ độc nặng. Thịt cóc có độc tính như thế nào, tại sao có thể gây tử vong?
Nguy cơ rất lớn đe dọa đến sức khỏe và tính mạng khi sử dụng thịt cóc
Được biết, cháu Y.T.N. (11 tuổi, trú xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) tự làm thịt cóc, nấu lên rồi cho em gái (5 tuổi) cùng ăn.
Sau khi ăn, 2 anh em N. bị ngộ độc, biểu hiện khó thở, tím tái và được người thân phát hiện, đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên, đến tối cùng ngày, N. tử vong, em gái của N. ngộ độc nặng.
Trước đó hồi tháng 8 tại huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) cũng có người tử vong sau khi ăn thịt cóc nướng. Cụ thể, người đàn ông 42 tuổi cùng con trai 5 tuổi vào rừng hái măng, sau đó bắt cóc về sơ chế, nướng ăn cùng cơm. Vài giờ sau, người đàn ông tử vong, còn cháu bé ngất xỉu, được cấp cứu kịp thời.
Trước đó nữa, tại xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu (Nghệ An) cũng đã xảy vụ ngộ độc trứng cóc khiến người bố tử vong, người con phải điều trị tích cực.
Trên thực tế vẫn còn không ít người còn chế biến cóc làm thức ăn bởi cho rằng thịt và trứng cóc rất giàu dinh dưỡng; thịt cóc tốt cho trẻ còi xương, suy dinh dưỡng, chậm lớn. Một số người dùng thịt cóc để làm thực phẩm bổ dưỡng cho người cao tuổi, người vừa ốm dậy, trẻ em suy dinh dưỡng, chán ăn, chậm lớn, còi xương, cam tích, lở ngứa…
Theo Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, dù có những lợi ích về sức khỏe nhưng thịt cóc cũng có những nguy cơ rất lớn đe dọa đến sức khỏe và tính mạng. Khoa học đã chứng minh, trong các tuyến dưới da, tuyến sau tai, tuyến trên mắt, trứng và gan cóc có chứa các độc tố như Bufotalin, Bufotenin, Bufotonin, Epinephrine, Norepinephrine, Serotonin.
Một trong những nguy cơ đó là ngộ độc do ăn thịt cóc bị nhiễm độc tố (do nhựa cóc, gan, mật bị nát dính trên thịt cóc) và có trường hợp do ăn gan, trứng cóc.
Các bộ phận của cóc có thể gây độc bao gồm da, trứng cóc, nhựa mủ cóc từ tuyến sau tai và tuyến trên da cóc. Những độc tố ở một số bộ phận cơ thể chúng như nhựa cóc, gan và trứng cóc khi ăn vào gây ngộ độc cấp tính, tỷ lệ tử vong rất cao. Nếu nhựa cóc bắn dính vào trực tiếp niêm mạc mắt xuất hiện bỏng rát, phù nề niêm mạc...
Chuyên gia khuyến cáo gì?
Chia sẻ về độc tố có trong thịt cóc, TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay, năm nào cũng có người ngộ độc, tử vong do ăn thịt cóc. Dù thịt cóc có nhiều đạm, nhiều chất dinh dưỡng nhưng người dân không nên sử dụng thịt cóc làm thức ăn hoặc chữa bệnh. Thịt cóc có nhiều chất độc như bufadienolide (độc với tim), serotonin, tryptamin. Đây là các chất độc mạnh với tim mạch, thần kinh và tâm thần.
Chất độc này có rất nhiều ở các tuyến dưới da và mang tai, gan và trứng cóc cũng chứa nhiều chất độc. Tuyến tiết nọc là một tuyến nhỏ nằm ở hông và đùi của cóc. Tuyến này chứa một lượng lớn nọc độc.
"Trong quá trình chế biến cóc, rất dễ gây vỡ các tuyến nọc độc của cóc. Vì chất độc của cóc có trong nhựa cóc (là dịch tiết màu trắng đục) có "chi chít" ở các tuyến dưới da và mang tai. Đó là lý do nhiều trường hợp ngộ độc thịt cóc dù đã bỏ hết da, nội tạng, trứng cóc. Độc tố rất dễ dính vào vùng thịt, khi ăn vẫn xảy ra ngộ độc như thường.
Trong nọc cóc có những thành phần rất độc với hệ thần kinh và đặc biệt là tim. Tỷ lệ tử vong của loại ngộ độc này rất cao, có những bệnh nhân tử vong ngay tại nhà hoặc trên đường tới bệnh viện" - TS Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo.
Triệu chứng của ngộ độc khi ăn thịt cóc bao gồm các biểu hiện trên tim mạch, chất độc gây tăng nhịp tim, tăng lực co bóp của tim. Khi nồng độ chất độc cao, nó có thể gây ra rối loạn nhịp tim, nhịp tim chậm rồi ngừng tim. Ngoài ra, chất độc này có thể gây buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy, lo lắng, bồn chồn, ảo giác và co giật.
Triệu chứng ngộ độc thường xuất hiện trong vòng 1-2 giờ sau khi ăn. Người bị ngộ độc dễ tử vong nhanh chóng do nguyên nhân chính là loạn nhịp tim. Nhiều trường hợp tử vong tại nhà hoặc trên đường đưa đến bệnh viện
TS Nguyên nhấn mạnh cóc là động vật có độc và độc tính rất cao, do đó người dân tuyệt đối không dùng làm thức ăn hay làm thuốc.
Chuyên gia này khuyến cáo khi phát hiện người ngộ độc thịt cóc, nếu người bệnh còn tỉnh táo thì có thể gây nôn chủ động cho người bệnh. Sau đó nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế có khả năng cấp cứu gần nhất.
Đặc biệt, loạn nhịp tim xuất hiện ở hầu như tất cả các trường hợp ngộ độc thịt cóc. Dấu hiệu này xuất hiện nhanh, tiến triển nặng, có thể gây tử vong bất cứ lúc nào. Khi phát hiện ngộ độc thịt cóc, người bệnh tuyệt đối không tốn thời gian tự tìm cách điều trị, có thể dẫn tới tử vong đáng tiếc.
Thu Hiền (theo báo SK&ĐS)