1. Vai trò của vật lý trị liệu đối với người mắc hội chứng Seckel
Hội chứng Seckel (Hội chứng người lùn đầu chim) lần đầu tiên được Seckel định nghĩa vào năm 1959, là một tập hợp các thay đổi về thể chất và tinh thần xuất hiện trước khi sinh, có nguyên nhân di truyền.
Đây là một rối loạn di truyền hiếm gặp với đặc điểm dễ nhận thấy như dị tật đầu nhỏ, thường có dạng đầu chim; khuôn mặt nhỏ, mũi khoằm - nhọn - nhô ra, mắt to, hàm dưới nhỏ; thấp bé do xương phát triển không hoàn chỉnh; khiếm khuyết về xương gây khó khăn trong việc di chuyển, vận động; khiếm khuyến nhận thức.
Vật lý trị liệu cho hội chứng Seckel tập trung vào việc cải thiện khả năng thể chất và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Mục tiêu chính của vật lý trị liệu cho hội chứng Seckel là tăng cường khả năng vận động, thăng bằng, giảm biến dạng xương, cải thiện tính độc lập về chức năng, sức mạnh, sức bền, kích thích sự phát triển vận động bình thường.
2. Một số bài tập vật lý trị liệu cho hội chứng Seckel
Chương trình vật lý trị liệu cần được thiết kế và điều chỉnh phù hợp với đặc điểm cá thể cũng như tình trạng sức khỏe của mỗi người.
Dưới đây là một số bài tập vật lý trị liệu cho người mắc hội chứng Seckel:
- Các bài tập tăng cường cơ bắp như kéo dãn, tăng cường sức mạnh và sức bền cho các cơ lớn như cơ cánh tay, cơ lưng, cơ đùi.
Ví dụ như bài tập sau đây:
-
Người bệnh ngồi thẳng lưng, hai chân duỗi thẳng.
-
Dùng hai tay vươn về phía trước và cố gắng chạm vào ngón chân.
-
Giữ tư thế này trong 10 giây rồi thả lỏng, lặp lại 5-7 lần.
Thực hiện bài tập căng cơ nhẹ nhàng như trên sẽ giúp kích thích cơ bắp hoạt động, cải thiện sự linh hoạt của cơ thể.
- Các bài tập phát triển vận động tinh vi cho bàn, ngón tay nhằm cải thiện sự linh hoạt trong các hoạt động sinh hoạt như:
+ Bài tập 1: Để cẳng tay lên trên bàn, đặt một chiếc khăn cuộn cho cẳng tay tỳ lên, đệm dưới cổ tay, bàn tay nghiêng, ngón tay cái hướng lên trên. Từ từ di chuyển cổ tay lên và xuống, cố gắng để di chuyển cổ tay với biên độ lớn nhất có thể. Lặp lại động tác này 5-7 lần.
+ Bài tập 2: Từ từ mở giãn hết cỡ khoảng cách ngón tay cái ra bên ngoài. Di chuyển ngón tay cái qua lòng bàn tay, từ từ quay trở lại vị trí bắt đầu. Thực hiện động tác này 5-7 lần.
+ Bài tập 3: Bắt đầu bằng bàn tay với cả 5 ngón tay mở rộng và duỗi thẳng. Từ từ co nắm các ngón tay lại thành nắm đấm, sau đó trở lại thẳng các ngón tay như ban đầu. Lặp lại động tác 5-7 lần.
- Các bài tập hỗ trợ điều chỉnh tư thế, giữ thăng bằng như tập đứng trên một chân, đi thăng bằng trên một diện tích nhỏ... phối hợp với dụng cụ (thiết bị) chỉnh tư thế (đai lưng, khung tập đi, nẹp chi...).
- Các bài tập hít thở sâu cải thiện chức năng hô hấp, độ giãn lồng ngực. Người bệnh có thể ngồi hoặc nằm ở tư thế thoải mái. Nhắm mắt, hít một hơi thật sâu qua mũi trong vòng 4 giây, giữ hơi trong 3 giây. Sau đó, thở ra từ từ bằng miệng trong vòng 6 giây. Lặp lại quá trình này 10-15 lần giúp tăng cường cung cấp oxy cho cơ thể.
3. Lưu ý khi tập luyện
- Đối với người mắc hội chứng Seckel, trong quá trình thực hiện, các động tác cần được làm chậm rãi, đảm bảo an toàn.
- Lắng nghe cơ thể và nghỉ ngơi khi cần thiết là điều quan trọng để tránh gây tổn hại thêm cho sức khỏe.
- Không nên tập luyện với cường độ quá mạnh ngay từ đầu. Người bệnh cần làm quen với các bài tập nhẹ nhàng và tăng dần cường độ theo thời gian.
- Bổ sung đủ nước trước, trong, sau khi tập luyện để tránh mất nước.
- Lựa chọn quần áo thoáng mát, nhẹ nhàng, đảm bảo đủ thoải mái cho quá trình tập vật lý trị liệu.
Thái Thuý (theo báo SK&ĐS)