Mề đay mẩn ngứa là bệnh gì?
Mề đay là một phản ứng cấp hoặc mạn tính của mao mạch do dị ứng gây phù ở da và niêm mạc. Và mẩn đỏ, ngứa ngáy là một triệu chứng điển hình của bệnh mề đay.
Mề đay mẩn ngứa gây khó chịu cho người bệnh
Đối với một số người, mề đay mẩn ngứa có thể tự hết sau 1-2 tuần. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp không may mắc bệnh đều không thể tự khỏi mà cần phải điều trị. Mề đay không được điều trị sớm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như mề đay mạn tính, suy hô hấp, tiêu chảy, đau bụng... Ngoài ra, ngứa ngáy kéo dài cũng làm giảm chất lượng cuộc sống và khiến người bệnh rất mất tự tin.
Nguyên nhân gây bệnh mề đay mẩn ngứa
Như đã đề cập ở trên, mề đay là do các phản ứng quá mẫn của hệ thống miễn dịch. Nhìn chung, các trường hợp nổi mề đay đều liên quan đến dị ứng, tác động vật lý, bệnh tự miễn…
Dị ứng gây nổi mề đay
Thông thường, nguyên nhân gây nổi mề đay là do dị ứng. Dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch phản ứng bất thường với một chất vô hại và giải phóng hóa chất gây viêm là histamin. Việc giải phóng histamin thường có thể kích hoạt các mao mạch dưới da bị sưng lên, đồng thời tiết dịch kẽ vào các mô xung quanh. Khi điều này xảy ra, lớp hạ bì sẽ bị sưng cục bộ, hình thành các nốt sẩn phù, ban đỏ. Đồng thời, histamin cũng kích thích dây thần kinh cảm giác gây ngứa.
Tác động vật lý
Nổi mề đay do các tác nhân vật lý hoặc môi trường cũng khá phổ biến, chẳng hạn: lạnh, nóng, áp lực, rung, ma sát, ánh sáng mặt trời. Nguyên nhân của hiện tượng này chưa được giải thích, song các nhà khoa học cho rằng, mề đay vật lý là hệ quả của các phản ứng tự miễn dịch (không do tác nhân bên ngoài).
Nắng nóng có thể kích thích mẩn ngứa, mề đay xảy ra
Bệnh tự miễn
Ngoài những nguyên nhân thường gặp, mề đay còn là triệu chứng của một số bệnh tự miễn như lupus ban đỏ, bệnh hệ thống...
Cách chữa mề đay mẩn ngứa hiệu quả
Những cơn ngứa của mề đay vô cùng khó chịu nên hầu hết người bệnh đều muốn tìm cách điều trị thật nhanh. Dưới đây là các cách chữa mề đay mẩn ngứa phổ biến mà bạn nên thử:
Mẹo chữa mề đay bằng lá kinh giới
Tinh dầu trong lá kinh giới có tác dụng giảm phong, làm ấm nên có tác dụng rất tốt với người bị mề đay mẩn ngứa. Để sử dụng kinh giới làm nguyên liệu chữa mề đay mẩn ngứa, bạn nên lấy phần ngọn đã mang hoa, đem sao nóng già, sau đó gói vào mảnh vải mỏng và chà nhẹ lên da. Thực hiện nhiều lần cho đến khi các triệu chứng của mề đay cũng sẽ giảm dần. Cách chữa mề đay mẩn ngứa này hiện cũng được khá nhiều người áp dụng.
Thuốc tây chữa mề đay mẩn ngứa
Mề đay mẩn ngứa gây khó chịu và làm ảnh hưởng đến cuộc sống thì ai cũng biết. Vậy nên, phần lớn người bệnh đều dùng thuốc tây để giảm nhanh cơn ngứa. Một số thuốc chữa mề đay phổ biến như: kháng histamin, corticosteroid…
- Thuốc kháng Histamin: Hiện nay, bất kể nguyên nhân gây nổi mề đay là gì thì thuốc kháng histamin luôn được chỉ định đầu tiên. Thuốc kháng histamin có tác dụng ức chế hệ miễn dịch không giải phóng histamin - hóa chất chính gây ra các phản ứng viêm, từ đó làm giảm các triệu chứng dị ứng.
- Thuốc Corticosteroid: Corticosteroid là thuốc kháng viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch, nên có tác dụng với hầu hết các bệnh liên quan đến dị ứng hoặc tự miễn, điển hình là mề đay mẩn ngứa. Tuy có tác dụng tốt nhưng cách chữa mề đay mẩn ngứa bằng thuốc tây lại tiềm ẩn nhiều rủi ro, bao gồm: gây viêm loét dạ dày - tá tràng, teo da, chậm liền sẹo,...
Thái Thúy (Theo Báo SK&ĐS)