Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone được triển khai tại Việt Nam từ năm 2008, đến nay đã chứng minh hiệu quả, góp phần cải thiện sức khỏe, tinh thần, giảm lây nhiễm HIV, các bệnh lây truyền qua đường máu và nhiều lợi ích khác...
Trong những năm qua, cũng như nhiều nước khác trên thế giới, tại Việt Nam điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone vẫn là một giải pháp vàng về can thiệp giảm tác hại cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện.
Cần hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân khi cấp phát thuốc methadone nhiều ngày
TS. Hán Đình Hòe, Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội - chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật Chương trình Điều trị Nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone tại Việt Nam cho biết, khi người nghiện các chất dạng thuốc phiện tham gia vào chương trình điều trị methadone (MMT), sẽ giảm cảm giác thèm nhớ heroin. Với liều dùng MMT tăng dần đến khi ổn định, giúp người bệnh sẽ hạn chế tối đa sự thèm nhớ, và giảm dần số lần, số tiền sử dụng, tiến tới ngưng sử dụng.
Khi người bệnh đã ngưng sử dụng, sẽ không sử dụng qua đường tiêm chích, sẽ không có nguy cơ lây nhiễm HIV, giúp tinh thần người bệnh tỉnh táo hơn, sức khỏe được cải thiện. Người tham gia uống thuốc MMT sẽ tăng cân rất nhanh, có những bệnh nhân tăng 5 -8kg trong mấy tháng điều trị...
Về cấp phát thuốc methadone nhiều ngày, TS. Hán Đình Hòe cho biết, hiện nay việc điều trị bằng methadone nhiều ngày tuân thủ quy trình chuyên môn hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong quá trình điều trị, người bệnh sẽ được các tư vấn viên tại cơ sở MMT có lịch hẹn định kỳ để tư vấn hỗ trợ về mặt tâm lý cho bệnh nhân.
Phương pháp được các tư vấn viên sử dụng đó là “phỏng vấn tạo động lực”. Đây là phương pháp giúp người tham gia thay đổi hành vi, dựa trên nguyên tắc xây dựng sự hợp tác và thúc đẩy người tham gia nhận thức về những thay đổi tích cực cần thiết để cải thiện sức khỏe của mình.
Phỏng vấn tạo động lực tập trung vào việc khám phá và tăng cường động lực thay đổi của người bệnh, thay vì áp đặt giải pháp hay yêu cầu. Các kỹ thuật trong phỏng vấn tạo động lực thường bao gồm lắng nghe phản ánh, đặt câu hỏi mở, giúp người tham gia nhận ra sự mâu thuẫn giữa mục tiêu cá nhân và hành vi hiện tại của họ, hỗ trợ trong việc tìm kiếm giải pháp.
Chương trình methadone nhiều ngày tạo thuận lợi nhiều cho người bệnh
TS. Hán Đình Hòe chia sẻ, chương trình methadone nhiều ngày rất có ý nghĩa với người bệnh. Việc cấp phát thuốc nhiều ngày bên cạnh những hiệu quả về sức khỏe, còn tạo thuận lợi hơn cho người bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân ở khu vực miền núi, địa bàn đi lại khó khăn.
Trước đây, người bệnh phải đến cơ sở MMT uống thuốc hàng ngày, khi chương trình này được triển khai, người bệnh chỉ phải đến từ 3 – 5 lần/tháng, có thể tiết kiệm được kinh tế đi lại, có nhiều thời gian dành cho gia đình, đồng thời, có thời gian để tìm kiếm việc làm, lao động, sản xuất, giúp đỡ gia đình và ổn định cuộc sống.
Người bệnh không phải đi lại hằng ngày, do đó giảm tụ tập tại cơ sở điều trị, góp phần ổn định an toàn, trật tự xã hội. Nhiều người bệnh chưa đủ điều kiện mang thuốc nhiều ngày về nhà sẽ có động lực phấn đấu để được mang thuốc về nhà.
Theo thống kê, từ tháng 9/2021 đến tháng 12/2022, tỷ lệ duy trì chung trong chương trình điều trị methadone là 89,47%.
Đối với cơ sở điều trị, việc triển khai cấp thuốc nhiều ngày giúp giảm thời gian bệnh nhân trực tiếp đến cơ sở, giảm tụ tập đông tại cơ sở điều trị, tránh lây nhiễm chéo.
Điều trị methadone hiện nay vẫn là giải pháp can thiệp hiệu quả cho nhóm người nghiện các chất dạng thuốc phiện tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Cấp thuốc methadone nhiều ngày cũng đã khẳng định được tính ưu việt. Vì vậy, rất cần tiếp tục mở rộng việc cấp thuốc methadone nhiều ngày cho bệnh nhân.
Methadone là chất thay thế được sử dụng trong điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện ở Việt Nam từ năm 2008. Methadone được sử dụng hoàn toàn qua đường uống, làm giảm thèm muốn và khóa tác động của heroin từ từ nên được coi là giải pháp an toàn cho sức khỏe của người nghiện, giúp điều trị hiệu quả, đồng thời giảm nguy cơ lây nhiễm HIV, viêm gan B, C.
Thu Hiền ( theo báo SK&ĐS)