Không nên xem thuốc, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao là tài sản công
Theo ĐBQH Nguyễn Tri Thức (Đoàn ĐBQH TPHCM, Thứ trưởng Bộ Y tế), các loại vật tư y tế tiêu hao, thuốc, hóa chất không thể xác định được tiêu chuẩn, định mức sử dụng vật tư tiêu hao cho từng bệnh nhân hay từng loại bệnh...
Chiều 29/10, Quốc hội thảo luận Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật NSNN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia (1 luật sửa 7 luật).
Tham gia thảo luận, ĐBQH Nguyễn Tri Thức – Đoàn ĐBQH TPHCM, Thứ trưởng Bộ Y tế đã góp ý liên quan đến sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Tại Khoản 1 điều 3 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định: Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: Tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công… đối chiếu thì thuốc, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao, văn phòng phẩm phục vụ cho hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công cũng được xem là tài sản công.
Theo đại biểu Nguyễn Tri Thức, quy định như trên làm cho các đơn vị y tế gặp nhiều khó khăn, vướng mắc bởi bản chất các loại vật tư y tế tiêu hao không thể xác định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng vật tiêu hao cho từng bệnh nhân hay từng loại bệnh.
Bên cạnh đó, không thể thực hiện thủ tục thanh lý tài sản; không thể tiến hành các thủ tục ghi chép, hạch toán tăng, giảm tài sản... và khi đã qua sử dụng 1 lần thì không giữ được hình dáng, tính năng như ban đầu.
"Tôi đề nghị nên quy định rõ ràng và xem xét không nên xem thuốc, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao, văn phòng phẩm phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công là tài sản công". ĐBQH Nguyễn Tri Thức đề xuất.
Ngoài ra, tại Khoản 1 Điều 58 quy định: Đơn vị công lập được sử dụng tài sản công để liên doanh liên kết với tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước trong các trường hợp sau: Tài sản được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất; Tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm theo dự án được cơ quan người có thẩm quyền phê duyệt để phục vụ hoạt động liên doanh, liên kết mà không do ngân sách nhà nước đầu tư.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, Khoản 1 Điều 58 chưa quy định đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản là quyền sử dụng đất để thực hiện liên doanh liên kết trong khi thực tế. Thực tế cho thấy, nhiều đối tác mong muốn xây dựng tòa nhà trong khuôn viên của bệnh viện để phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh của bệnh viện, vốn góp của đơn vị thương hiệu và phần giá trị quyền sử dụng đất để liên doanh, liên kết; đối tác thực hiện xây dựng tòa nhà.
"Do đó, tôi đề nghị xem xét bổ sung khoản 1 điều 58 "đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản là quyền sử dụng đất để thực hiện liên doanh liên kết" đồng thời cần bổ sung quy định cụ thể việc xác định giá trị thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập tại điểm c khoản 3 điều 58", Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức, việc quy định thực hiện theo tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật có liên quan rất khó trong quá trình thực hiện vì mỗi quy định sẽ cho kết quả xác định giá trị thương hiệu khác nhau. Vấn đề này đang là điểm khó thực thi dẫn đến việc thực hiện xã hội hóa theo hướng liên doanh liên kết đang bị tắc nghẽn hiện nay.
Thu Hiền (theo báo SK&ĐS)