image banner
Huyết áp thấp có nguy hiểm, dùng thuốc thế nào?
Lượt xem: 8208
Tụt huyết áp là một vấn đề quan trọng cần được quan tâm và hiểu biết. Huyết áp không ổn định không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng
Huyết áp là chỉ số luôn được kiểm tra khi khám sức khỏe định kỳ. Huyết áp liên quan trực tiếp đến sức khỏe hệ tim mạch, vì vậy, dù cao hay thấp nó đều mang lại những nguy cơ tiềm ẩn. Huyết áp là áp lực của dòng máu tác dụng lên thành mạch, được tính bằng đơn vị mmHg và được thể hiện theo hai chỉ số là huyết áp tối đa (huyết áp tâm thu) và huyết áp tối thiểu (huyết áp tâm trương).
  • Huyết áp tối đa: đây là áp lực của máu động mạch trong thì tâm thu. Bình thường, chỉ số này sẽ nằm trong khoảng từ 90 – 139 mmHg.
  • Huyết áp tối thiểu: là áp lực máu động mạch trong kỳ tâm trương, thông thường, chỉ số này dao động trong khoảng 60 – 89 mmHg.
Còn đối với huyết áp thấp đây là một tình trạng biến động của huyết áp, có thể do bệnh lý, hoặc do sinh lý. Nếu do bệnh lý thì có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe hay tính mạng người bệnh. Huyết áp thấp là khi huyết áp tâm thu < 90 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương < 60 mmHg.
Anh-tin-bai
Khi bị huyết áp thấp sẽ gây hoa mắt, chóng mặt, có thể ngât xỉu.

Nguy Cơ Tụt Huyết Áp và Đối Tượng Dễ Gặp

Huyết áp thấp có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và thường gặp ở một số đối tượng như:

  • Những người mắc bệnh lý tim mạch
  • Phụ nữ mang thai
  • Người bị xuất huyết
  • Người thiếu hụt folate
  • Các bệnh liên quan đến hệ nội tiết
  • Người mắc các bệnh nhiễm trùng nặng
  • Người có dị ứng nặng

Biến Chứng của Tụt Huyết Áp và Cách Phòng Tránh

Ở người bình thường huyết áp tâm thu sẽ dao động khoảng 120 mmHg còn huyết áp tâm trương dao động trong khoảng là 80 mmHg. Nhưng khi huyết áp tâm thu hạ xuống khoảng 90 mmHg, còn huyết áp tâm trương khoảng 60 mmHg thì được xem như là mắc bệnh huyết áp thấp. Ngoài ra nếu bệnh nhân có huyết áp hạ thấp hơn trị số này thì cực kỳ nguy hiểm và cần phải kiểm tra, điều trị kịp thời để không gặp phải những biến chứng không mong muốn.
Một số biến chứng có thể xảy ra khi người bệnh để huyết áp giảm lâu ngày mà không điều trị, dưới đây là một số biến chứng có thể gặp phải:
  • Té ngã bất ngờ
Khi bệnh nhân bị tụt huyết áp sẽ dẫn đến tim đập nhanh, kèm theo choáng váng, năng hơn có thể là ngất xỉu. Nếu không may khi người bệnh đột ngột ngất xỉu té ngã sẽ dẫn đến chấn thương vùng đầu hay là gãy xương.
  • Sốc
Hiện tượng này sẽ gặp khi huyết áp của người bệnh đột ngột giảm mạnh và không thể tự quay lại trị số huyết áp bình thường. Làm các cơ quan trong cơ thể thiếu máu, thiếu oxy, nếu tình trạng kéo dài có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
  • Suy giảm trí nhớ
Khi huyết áp thấp sẽ dẫn đến tình trạng dòng máu lưu thông giảm, do đó lượng máu lên não để cung cấp dưỡng chất cũng giảm. Lâu ngày sẽ làm cho nơron thần kinh bị thoái hóa dẫn tới trí nhớ kém. Theo như các nghiên cứu chỉ ra rằng, những người mắc huyết áp thấp kéo dài trên 2 năm có tỷ lệ bị suy giảm trí nhớ cao gấp 2 lần so với người bình thường.
  • Đột quỵ, trụy tim
Huyết áp thấp làm cho lượng dinh dưỡng đến nuôi tim và não bị giảm, máu di chuyển chậm có thể bị ứ trệ sẽ dẫn đến nguy cơ xuất hiện máu đông trong mạch. Theo số liệu thống kê gần đây, có khoảng 10 đến 15% bệnh nhân bị tai biến mạch máu não và 25% bị nhồi máu cơ tim do mắc phải huyết áp thấp. Điều này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh bất cứ lúc nào.

Điều trị huyết áp thấp như thế nào?

Để điều trị bệnh, trước hết người bệnh cần đến khám và tư vấn các bác sĩ chyên khoa tim mạch để được chẩn đoán, loại trừ các nguyên nhân gây nên huyết áp thấp. 

Trước hết, nếu có căn nguyên gây huyết áp thấp thì cần điều trị căn nguyên. Khi nguyên nhân gây huyết áp thấp được điều trị ổn định thì tình trạng huyết áp thấp cũng sẽ hết.

Về việc điều trị huyết áp thấp không rõ căn nguyên, mục đích là phải nhanh chóng đưa huyết áp về trạng thái bình thường sau đó duy trì để tránh tái phát cơn hạ huyết áp.

Theo PGS.TS.Nguyễn Đức Hải: Hiện nay chưa có một loại thuốc tây y nào có hiệu quả lâu dài đối với bệnh này. Các thuốc chỉ nhằm mục đích điều trị triệu chứng chứ không điều trị được bệnh. Trong những trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể kê đơn cho người bệnh một số loại thuốc có tác dụng nâng huyết áp tạm thời như heptaminol, metaraminol…

- Thuốc heptaminol: Là thuốc có tác dụng trợ tim mạch, tăng sức bóp của tim, bảo vệ mạch máu và ức chế tại chỗ đối với một số hóa chất trung gian gây đau như histamin, serotonin. Thuốc được chỉ định điều trị hạ huyết áp tư thế, đặc biệt là hạ huyết áp trong trường hợp do dùng thuốc hướng tâm thần. Thuốc có nhiều dạng sử dụng, nhưng với thuốc được kê đơn cho bệnh nhân uống tại nhà thì chỉ ở dạng thuốc viên uống. Bệnh nhân cần tuân thủ liều lượng theo chỉ định của bác sĩ.

Không dùng thuốc cho các trường hợp bệnh nhân đang bị cường giáp; đang dùng thuốc ức chế enzyme monoamine oxidase (thuốc IMAO) trong điều trị trầm cảm; bệnh nhân bị động kinh, tăng huyết áp mạn tính… Do thuốc gây nguy cơ tăng huyết áp đột ngột. Trong trường hợp vô tình sử dụng quá liều thuốc, cần đến ngay bệnh viện để được điều trị và theo dõi kịp thời.

Một số tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc như: Nổi mề đay, phát ban da, gây nhịp tim nhanh, phù mạch, giãn đồng tử. Tuy nhiên, hầu hết các tác dụng phụ này đều có mức độ nhẹ và cũng không cần thiết phải ngừng uống thuốc. Nhưng nếu triệu chứng của tác dụng phụ kéo dài, có chiều hướng nặng lên, bệnh nhân cần thông báo ngay với bác sĩ để được hướng dẫn cách khắc phục.

Ngoài ra, thuốc còn có thể tương tác bất lợi với một số thuốc điều trị bệnh khác. Do đó, bệnh nhân cần chủ động thông báo với bác sĩ các thuốc đang uống để tránh tương tác thuốc.

- Thuốc metaraminol: Được chỉ định dùng để điều trị hạ huyết áp cấp tính do mất trương lực co mạch. Do metaraminol có chỉ định sử dụng nghiêm ngặt, nên bệnh nhân tuyệt đối phải theo chỉ định của bác sĩ. Không bao giờ được nghe mách bảo theo kinh nghiệm để tự mua thuốc này về uống.

Khi đi khám bệnh, bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ các loại thuốc đang dùng, kể cả thuốc được kê đơn hoặc thuốc không cần kê đơn (OTC); các thuốc gây dị ứng (nếu có), các vấn đề về sức khỏe khác, để bác sĩ cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi dùng thuốc cho bệnh nhân.

Thuốc này có thể gây nhiều tác dụng phụ hơn đối với bệnh nhân từ 65 tuổi trở lên. Không dùng cho người dưới 12 tuổi, phụ nữ mang thai (hoặc dự định mang thai), phụ nữ cho con bú.

Các tác dụng phụ thường gặp như: Phát ban, nổi mề đay, ngứa, da đỏ, khàn giọng… Thuốc có thể gây tăng huyết áp với các triệu chứng như đau đầu hoặc chóng mặt; nhịp tim không bình thường. Nếu tình trạng này kéo dài, nặng hơn lên cần báo ngay với bác sĩ để có hướng dẫn xử trí kịp thời.

Biện pháp dự phòng huyết áp thấp

Anh-tin-bai
Người có huyết áp thấp được khuyên ăn mặn hơn, sử dụng cà phê và một số thực phẩm giúp huyết áp tăng.
  Theo PGS.TS.Nguyễn Đức Hải: Khi bị huyết áp thấp, bệnh nhân thường được tư vấn chế độ ăn mặn hơn bình thường và bổ sung thêm các đồ uống có chất kích thích như chè, cà phê…

Để hạn chế hạ huyết áp tư thế, bệnh nhân không nên thay đổi tư thế một cách đột ngột từ tư thế thấp sang tư thế cao. Khi thức dậy cần nằm thêm một lúc, làm vài động tác khởi động đơn giản rồi mới ngồi dậy như để chân trên giường, sau đó mới từ từ thả chân xuống; ngồi một lúc rồi mới đứng lên.

Khi có dấu hiệu hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, cần nằm nghỉ ngơi ở tư thế đầu thấp để tăng lượng máu lên não. Nên tránh trèo cao, ra nắng gắt hoặc để bị lạnh đột ngột, nhất là lúc đêm khuya. Luyện tập thể dục đều đặn, phù hợp với sức khoẻ và độ tuổi hàng ngày giúp duy trì lưu thông máu trong cơ thể nên giảm chứng huyết áp thấp.

Ăn đủ các bữa, đặc biệt bữa sáng rất quan trọng. Nên ăn sáng với những thực phẩm tốt cho tim mạch và các loại nước hoa quả ép (nên thêm một ít muối) sẽ giúp máu lưu thông dễ dàng hơn.
 Nên ăn thành nhiều bữa nhỏ thay vì việc chỉ ăn 3 bữa chính như thông thường. Trong chế độ ăn uống thường ngày cần bổ sung thêm các loại thực phẩm có chứa các thành phần giàu protein, vitamin C và tất cả các loại vitamin thuộc nhóm B rất có lợi.

Uống đủ lượng nước rất quan trọng, bởi nếu cơ thể bị thiếu nước sẽ dễ xảy ra tình trạng bị khử nước. Điều này càng đặc biệt quan trọng hơn trong khi đang luyện tập hoặc hoạt động, làm việc dưới điều kiện thời tiết nắng nóng. Nếu huyết áp thấp do thiếu máu (hay gặp ở phụ nữ), nên tăng cường thức ăn chứa nhiều sắt như thịt nạc, gan động vật, mộc nhĩ, nấm hương khô, cần tây, rau đay, rau rền, quả lựu, táo.

Người bệnh nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, không làm việc quá sức; ăn uống đủ chất, điều độ, không nên bỏ bữa, vì nhịn đói sẽ gây tụt huyết áp do hạ đường huyết. Tập thể dục nhẹ nhàng và đều đặn, như: Đi bộ, thể dục dưỡng sinh, yoga… Đặc biệt là phải chú ý đến giấc ngủ, ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày, nên có một giấc ngủ ngắn (khoảng 15-30 phút) vào buổi trưa; tránh làm việc căng thẳng.

Khi có triệu chứng huyết áp thấp, bệnh nhân có thể dùng ngay một tách cà phê, trà gừng nóng. Nếu không có thì uống một cốc nước đường nóng… sẽ có thể giúp giảm nhanh và tạm thời các triệu chứng này. Chú ý là người hay bị hạ huyết áp nên luôn có sẵn gừng hoặc trà gừng, cà phê ở bên cạnh để dự phòng cơn hạ huyết áp.
 

Thái Thuý (tổng hợp)

THÔNG BÁO
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ NGHỆ AN
Chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Y tế Nghệ An
Địa chỉ: Số 18 - Đường Trường Thi - Tp.Vinh - Nghệ An
Điện thoại: (0238) 3844 791 - Fax: 038 3 844 791 - Email:yt@nghean.gov.vn
Đường dây nóng: 0966.64.14.14