21/08/2024
Hướng dẫn chống loét tì đè
Lượt xem: 2138
Loét tì đè (còn gọi là loét do áp lực, loét tư thế, loét ép) là tổn thương vùng da/mô mềm do áp lực kéo dài lên vùng da, dẫn đến thiếu máu cục bộ. Sự hình thành loét tì đè xảy ra khi các mô bị ép quá lâu giữa các điểm nhô của xương với các bề mặt cứng như: giường, ghế hoặc bị hằn bởi ống truyền…
Loét tì đè là một biến chứng nặng thường gặp ở bệnh nhân nằm bất động kéo dài do hậu quả của một số bệnh như chấn thương cột sống , tai biến mạch máu não, đa chấn thương, người già ít vận động …
Theo thống kê :
• Mỗi năm trên thế giới có hơn 1,6 triệu người bị loét tì đè khi nằm viện
• Tại Việt Nam, hiện chưa có số liệu thống kê đầy đủ về chi phí điều trị loét tì đè nhưng tại Vương Quốc Anh, chi phí điều trị cho vết loét tì đè độ 4 không biến chứng là gần 280 triệu đồng tiền Việt Nam (tương đương 9,670 bảng Anh). Tại Mỹ, chi phí y tế hàng năm cho loét tì đè cũng lên đến 1.6 tỷ USD…
• Bệnh nhân bị loét tì đè trong 6 tuần nằm viện thì tỷ lệ tử vong gấp 3 lần so với bệnh nhân không bị loét tì đè
Điều này cho thấy loét tì đè là gánh nặng y tế rất lớn, và giải pháp tốt nhất là nên tập trung phòng chống vết thương loét tì đè ở những người có nguy cơ càng sớm càng tốt, thay vì để vết loét tiến triển nặng.
Các phương pháp phòng chống loét tì đè :
- Chăm sóc, giữ da sạch sẽ và khô thoáng
- Dùng nệm, vải mềm lót vùng tì đè : Người chăm sóc có thể dùng đệm ghế, đệm da cừu, đệm bọt, đệm gel để phòng ngừa loét tì đè cho bệnh nhân, ở các vị trí giải phẫu đặc biệt.
- Xoay trở thường xuyên 2h-3h/ lần , xoa bóp , tập vận động vùng da bị đè cấn
- Vệ sinh sạch sẽ máu , chất tiết , mủ , nước tiểu , phân …
- Tránh kéo lê người bệnh : khi thay đổi tư thế không được kéo lê người bệnh ra khỏi giường hoặc xe lăn, mà cần nâng họ lên để không tạo ma sát khiến lớp biểu bì bị tổn thương.
- Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng : protein , vitamin , …
NL ( theo BV Chấn thương - Chỉnh hình )