Trường
hợp con của chị N.T.N.A 2 tháng tuổi, vào viện vì ho ở nhà 3 tuần. Biểu hiện
lúc đầu của bé là ho từng cơn và ho nhiều về đêm. Gia đình thăm khám ở
phòng khám tư nhưng không đỡ. Sau đó, gia đình thấy cháu ho nhiều hơn, ho
tím tái nên được nhập viện tại khoa Khám và Điều trị tự nguyện- BVSNNA, tại đây
sau khi thăm khám và thực hiện xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán cháu mắc bệnh ho
gà. Sau khi điều trị theo phác đồ, trẻ giảm ho, ổn định ra viện.
Trường
hợp bé T.T.Q 16 tháng ho khò khè tái phát nhiều lần trong vòng 2 tháng, tiền sử
điều trị viêm phổi nhiều lần. Sau khi khai thác tiền sử và thực hiện các xét
nghiệm chuyên sâu, trẻ được chẩn đoán và điều trị theo phác đồ viêm tiểu phế quản
tắc nghẽn (PIBO), kháng sinh, khí dung. Sau 10 ngày điều trị, trẻ hết ho, khò
khè, tái khám theo dõi sức khoẻ ổn định.
Ngoài
ra, khoa cũng đã ghi nhận trường hợp bé trai 9 tuổi vào viện vì ho đờm, ho từng
cơn ở nhà 1 tháng, trẻ được bố mẹ tự cho uống thuốc tại nhà. Sau khi tư vấn, kiểm
tra, xét nghiệm, trẻ được chẩn đoán viêm phổi do vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae
điều trị theo phác đồ 14 ngày, trẻ hết ho, ăn uống tốt.

Hình ảnh thăm khám tại khoa Khám và Điều trị tự nguyện.
Tại
Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, không hiếm gặp những trường hợp trẻ bị ho kéo dài đến
khám. Ho kéo dài là khi trẻ ho liên tục trên 4 tuần. Đa số các trường hợp ho
kéo dài gặp ở trẻ nhỏ (2-3 tuổi). Khoảng 5-10% học sinh cấp 1 (6-11 tuổi).
Theo
BS.CKII Nguyễn Thuý Dung – Trưởng khoa Khám và điều trị tự nguyện cho biết: Ho
kéo dài có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, không chỉ do phổi mà còn có thể
do những bệnh ngoài phổi như viêm mũi xoang, viêm tai, trào ngược dạ dày - thực
quản, bệnh tim mạch, ho do thuốc, thậm chí do tâm lý... Trong đó cần đặc biệt
lưu ý đến lao và hen suyễn.
Nguyên
nhân gây ho kéo dài cũng thay đổi theo tuổi: Trẻ nhũ nhi thường ho kéo dài do
nhiễm trùng (virus hô hấp, ho gà, nhiễm vi khuẩn không điển hình, lao...), dị tật
đường hô hấp, bệnh tim bẩm sinh, trào ngược dạ dày- thực quản. Ở trẻ nhỏ thường
do hen phế quản, trào ngược dạ dày- thực quản, tăng mẫn cảm phế quản
sau nhiễm virus đường hô hấp, dị vật đường thở bỏ quên. Trong khi trẻ lớn do
lao, hen phế quản, hội chứng chảy mũi sau, giãn phế quản,
ho do tâm lý, nhiễm trùng do vi khuẩn không điển hình …
Tất cả trẻ có tình trạng
ho kéo dài đều nên được đi khám, xét nghiệm đầy đủ để xác định nguyên nhân và
dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ.
Tuy
nhiên, trong một số trường hợp trẻ có các dấu hiệu cảnh báo - cần phải đưa trẻ
đi khám ngay: Khó thở, ho ra máu, ho khởi phát đột ngột sau khi trẻ ăn hay chơi
(gợi ý dị vật đường thở), ho kèm sốt cao, ho khạc đàm đặc, màu xanh vàng, có
mùi hôi..
Tất
cả các trẻ bị ho kéo dài khi đến khám đều được thăm khám kĩ để tìm nguyên nhân.
Sau khi hỏi bệnh và thăm khám lâm sàng, tuỳ thuộc vào định hướng chẩn đoán mà
các bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm phù hợp tìm nguyên nhân cho trẻ: xét nghiệm
máu, chụp Xquang tim phổi, siêu âm ổ bụng, khám tai mũi họng, siêu âm tim…
Ngoài
ra, một số xét nghiệm chuyên sâu hơn được thực hiện tùy theo tình huống như PCR
dịch tỵ hầu tìm vi khuẩn ho gà Bordetella pertussis, vi khuẩn Mycoplasma
pneumoniae, nội soi phế quản, xét nghiệm miễn dịch - dị ứng, chụp cắt lớp vi
tính lồng ngực, MRI…
NL