HbA1c là gì? Vì sao người tiểu đường cần quan tâm đến xét nghiệm HbA1c?
Bên cạnh chỉ số đường huyết thì HbA1c cũng là một chỉ số quan trọng trong chẩn đoán và điều trị bệnh tiểu đường. Vậy HbA1c là gì? Vì sao người tiểu đường cần quan tâm đến xét nghiệm HbA1c? Tất cả sẽ được giải đáp thật chi tiết và cụ thể trong bài viết này.
HbA1c là gì?
HbA1c, hay hemoglobin glycated là thành phần được tạo ra khi đường (glucose) trong máu dính vào các hemoglobin. Hemoglobin là một loại protein trong các tế bào hồng cầu mang oxy từ phổi đến phần còn lại của cơ thể.
Khi bị tiểu đường, lượng glucose trong máu tăng lên, đồng nghĩa với nhiều hemoglobin sẽ được bao phủ bởi glucose. Lúc này, xét nghiệm máu sẽ cho thấy HbA1c ở mức cao và tương đương với tỷ lệ % tế bào hồng cầu có hemoglobin bọc đường.
HbA1c được tạo thành do glucose gắn vào hemoglobin của tế bào hồng cầu
Thời gian sống trung bình của hồng cầu là 2 - 3 tháng, do đó chỉ số HbA1c là "bức tranh tổng thể" về việc kiểm soát đường huyết của bạn trong khoảng 3 tháng. Dựa vào chỉ số này, bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh tiểu đường, tiền tiểu đường, đánh giá khả năng kiểm soát đường huyết và nguy cơ gặp biến chứng của bạn.
Xét nghiệm HbA1c đôi khi được gọi là hemoglobin A1c hoặc chỉ A1c.
HbA1c cao cảnh báo nguy cơ biến chứng tiểu đường
Chỉ số HbA1c mục tiêu ở người bệnh tiểu đường là nhỏ hơn 6.5%, nếu lớn hơn chỉ số đó được coi là cao. Tuy nhiên, mức HbA1c lý tưởng sẽ thay đổi từ người này sang người khác tùy thuộc vào độ tuổi, mức độ nặng nhẹ của bệnh. Ví dụ mắc bệnh lâu năm nhưng chưa có biến chứng, HbA1c an toàn có thể dưới 8%. Trong trường hợp xuất hiện biến chứng thận, tim mạch hoặc thời gian bị tiểu đường trên 15 năm, chỉ số HbA1c trên 8% vẫn có thể chấp nhận được.
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, chỉ cần tăng 1% HbA1c, nguy cơ đột quỵ sẽ tăng 38%, nguy cơ biến chứng mạch máu (bệnh võng mạc, bệnh thận, loét bàn chân..) tăng 40%. Tuy nhiên nếu giảm được HbA1c, khả năng gặp biến chứng cũng giảm.
HbA1c tăng làm tăng nguy cơ biến chứng đái tháo đường
Những cách giảm HbA1c, ổn định đường huyết hiệu quả
Để giảm HbA1c - có nghĩa là bạn cần duy trì nồng độ đường ổn định gần với ngưỡng cho phép một cách thường xuyên, liên tục. Vì thế ngoài việc sử dụng thuốc, tập thể dục việc kiểm soát chế độ ăn khoa học cũng rất quan trọng.
Dưới đây là một số lời khuyên dành riêng cho bạn:
- Uống thuốc đều đặn và tái khám thường xuyên: Cần làm điều này ngay cả khi đường huyết được ổn định. Chú ý đến thời điểm dùng thuốc vì có thuốc uống trước ăn mới có tác dụng, có những thuốc buộc phải uống sau ăn mới hiệu quả. Đây là lý do mà người bệnh cần uống đúng, uống đủ thuốc theo chỉ dẫn.
- Ăn uống lành mạnh: Tất cả các thực phẩm bạn ăn vào đều làm thay đổi nồng độ đường trong máu và làm ảnh hưởng đến chỉ số HbA1c. Vì thế để giữ chỉ số này ổn định, bạn cần thiết lập một chế độ ăn khoa học, bắt đầu bằng việc ăn đúng giờ giấc, không bỏ bữa hoặc trì hoãn bữa ăn.
Bạn cũng nên bổ sung nhiều các thực phẩm giàu chất xơ như các loại hạt, đậu đỗ, súp lơ xanh, các loại rau khác. Đồng thời hạn chế cơm trắng, bánh mì, mì sợi, bún…vì chúng làm tăng đường huyết nhanh sau ăn. Mẹo nhỏ trong bữa ăn để không làm tăng đường huyết sau ăn đó là ăn một đĩa rau nhỏ trước khi ăn đến cơm.
- Tập thể dục thường xuyên: Nếu bạn vẫn đang kiên trì tập luyện mỗi ngày, hãy tiếp tục duy trì và thực hiện điều đó tốt nhất có thể. Nếu không thì bạn cần ngay lập tức thay đổi thói quen này bằng cách đi bộ, chạy bộ, chơi bóng chuyền, cầu lông, đạp xe đạp… tối thiểu mỗi ngày 45 - 60 phút và không bỏ tập quá 2 ngày liên tiếp.
- Duy trì lối sống lành mạnh: Bao gồm việc hạn chế rượu bia, thuốc lá, tránh căng thẳng, stress kéo dài… vì đây đều là các nguyên nhân làm đường huyết tăng giảm thất thường, tăng HbA1c.
- Dùng thêm các thảo dược tự nhiên: Nhiều thảo dược tự nhiên như lá Xoài, lá Neem, Hoàng bá, Quế chi… đã được nghiên cứu có khả năng hỗ trợ làm giảm và ổn định đường huyết nhờ khả năng kiểm soát toàn bộ chu trình chuyển hóa đường từ khi thức ăn vào dạ dày cho đến hấp thu vào máu và tạo năng lượng cho cơ thể đúng cách. Khi đường huyết ổn định, chỉ số HbA1c giảm, nguy cơ biến chứng được kiểm soát tốt hơn giúp người tiểu đường có thể tự tin sống khỏe.
Nguyễn Linh ( theo báo SK&ĐS )