Việc quản lý chứng loạn dưỡng cơ Duchenne đòi hỏi một phương pháp tiếp cận sức khỏe đa chiều, trong đó dinh dưỡng là một phần thiết yếu của kế hoạch điều trị.
1. Tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng với người bị chứng loạn dưỡng cơ
Bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne (DMD) là một rối loạn di truyền chủ yếu ảnh hưởng đến bé trai. Các triệu chứng thường xuất hiện ở độ tuổi từ 2 đến 5. DMD là một loại loạn dưỡng cơ nghiêm trọng do đột biến gene DMD. Gene này giúp cơ thể tạo ra dystrophin, một loại protein quan trọng cho chức năng cơ.
Khi bệnh tiến triển, tình trạng suy yếu và thoái hóa cơ sẽ dẫn đến những khuyết tật đáng kể về thể chất, ảnh hưởng đến khả năng vận động, hô hấp và chức năng tim.
Mặc dù hiện nay vẫn chưa có cách chữa khỏi bệnh DMD nhưng những tiến bộ trong phương pháp điều trị và liệu pháp y tế đã giúp những người mắc bệnh này sống lâu hơn và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Cần lưu ý DMD là một căn bệnh tiến triển. Điều đó có nghĩa là các triệu chứng thường trở nên nghiêm trọng theo thời gian. Do đó, nhu cầu dinh dưỡng của người bệnh sẽ thay đổi đáng kể trong các giai đoạn khác nhau của bệnh.
Các yếu tố như giảm hoạt động thể chất, teo cơ và sử dụng thuốc điều trị DMD như corticosteroid đều có thể ảnh hưởng đến nhu cầu ăn uống của người bệnh. Quản lý cân nặng là mối quan tâm lớn đối với những người mắc bệnh DMD.
Khi hoạt động thể chất giảm, nguy cơ béo phì tăng lên, làm giảm khả năng vận động và suy giảm chức năng hô hấp. Mặt khác, một số người có thể bị suy dinh dưỡng do khó ăn và nuốt khi bệnh tiến triển. Việc theo dõi cân nặng và điều chỉnh lượng calo nạp vào cơ thể là rất quan trọng. Ngoài ra, chứng khó nuốt thường gặp ở giai đoạn sau của DMD có nguy cơ dẫn đến giảm lượng thức ăn nạp vào và thiếu hụt dinh dưỡng.
Dinh dưỡng hợp lý có thể giúp kiểm soát các triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng và cải thiện kết quả sức khỏe tổng thể. Vì vậy cần hỏi ý kiến bác sĩ để xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng giúp duy trì khối lượng cơ, hỗ trợ hệ thống miễn dịch và tăng cường sức khỏe tổng thể.
Mặc dù có một số cân nhắc liên quan đến lượng calo tiêu thụ, bao gồm hoạt động thể chất, khả năng đi lại và sử dụng steroid, các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng lượng calo tiêu thụ hàng ngày nên bằng 80% lượng calo mà những người không mắc chứng loạn dưỡng cơ Duchenne tiêu thụ. Nên tránh ăn quá nhiều muối, nhiều calo, (không quá 1500 mg mỗi ngày) và bổ sung đủ canxi.
2. Hướng dẫn dinh dưỡng chính cho bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne
Tham khảo một số hướng dẫn giúp đảm bảo chất lượng cuộc sống tốt nhất có thể với người mắc DMD dưới đây:
Lượng calo nạp vào đầy đủ: Những người mắc DMD thường không sử dụng nhiều năng lượng vì họ ít hoạt động thể chất. Tuy nhiên, điều cần thiết là phải theo dõi lượng calo nạp vào để ngăn ngừa cả tình trạng suy dinh dưỡng và béo phì. Suy dinh dưỡng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng teo cơ, trong khi béo phì có thể làm căng cơ và khớp bị yếu thêm.
Protein: Protein là thành phần cơ bản để duy trì và phục hồi cơ, protein có các nguồn protein cao, chẳng hạn như thịt nạc, cá, trứng, các sản phẩm từ sữa, đậu và các loại hạt... Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là tránh hấp thụ quá nhiều protein vì nó có thể tạo gánh nặng cho thận. Bác sĩ điều trị, chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp xác định lượng protein cho người bệnh tùy từng trường hợp.
Vi chất dinh dưỡng: Vitamin và khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong chức năng cơ và sức khỏe tổng thể. Hãy hỏi bác sĩ trước khi bắt đầu dùng bất kỳ loại thực phẩm bổ sung nào. Đôi khi thực phẩm bổ sung có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị y tế.
Các vi chất dinh dưỡng chính bao gồm:
Vitamin D và canxi: Cả hai đều cần thiết cho sức khỏe xương, điều này đặc biệt quan trọng vì corticosteroid, một phương pháp điều trị DMD phổ biến, có thể dẫn đến mất mật độ xương. Các sản phẩm từ sữa, thực phẩm tăng cường và thực phẩm bổ sung có thể giúp đáp ứng những nhu cầu này.
Acid béo omega-3: Có thể giúp giảm viêm và hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
Sắt: Lượng sắt đầy đủ giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu máu, có thể làm tình trạng mệt mỏi trở nên trầm trọng hơn. Hãy chắc chắn bổ sung các thực phẩm giàu sắt như thịt nạc, đậu và ngũ cốc tăng cường.
Chất chống oxy hóa: Vitamin A, C và E giúp chống lại stress oxy hóa, thường cao hơn ở những người mắc các bệnh như DMD. Trái cây, rau, hạt là nguồn chất chống oxy hóa tuyệt vời.
Hydrat hóa: Duy trì đủ nước rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể và có thể giúp kiểm soát táo bón, một vấn đề thường gặp ở DMD. Có thể bổ sung chất lỏng thường xuyên thông qua nước, trà thảo mộc và thực phẩm cung cấp nước như trái cây và rau.
Chất xơ: Các vấn đề về đường tiêu hóa như táo bón và bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) thường gặp ở những người mắc DMD.
Chế độ ăn nhiều chất xơ, đủ nước và các bữa ăn nhỏ, thường xuyên có thể hỗ trợ sức khỏe tiêu hóa và giúp giảm táo bón. Ngoài ra, tránh các thực phẩm gây kích thích và ăn ở tư thế thẳng đứng có thể làm giảm các triệu chứng GERD. Ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau và các loại đậu là nguồn chất xơ tuyệt vời.
Bằng cách tập trung vào chế độ dinh dưỡng cân bằng, đủ nước và đáp ứng các nhu cầu dinh dưỡng cụ thể, những người mắc DMD có thể cải thiện chất lượng cuộc sống và sức khỏe tổng thể.
3. Một số điều cần lưu ý hàng ngày về dinh dưỡng với người mắc chứng loạn dưỡng cơ Duchenne
Thói quen ăn uống lành mạnh và lựa chọn thực phẩm phù hợp có thể giúp ngăn ngừa hoặc giảm nguy cơ mắc các vấn đề liên quan đến dinh dưỡng như táo bón, sức khỏe xương và thiếu vitamin.
Dưới đây là một số lưu ý về dinh dưỡng hàng ngày với người mắc chứng loạn dưỡng cơ Duchenne:
- Bắt đầu ngày mới bằng bữa sáng giàu protein. Tránh đồ ngọt và thực phẩm có đường bằng cách tiêu thụ thực phẩm có chứa ít hơn 9g đường/khẩu phần.
- Tăng lượng nước uống vào. Lượng nước cần thiết hàng ngày bằng ½ trọng lượng cơ thể.
- Tránh thực phẩm có hàm lượng natri cao.
- Không thêm muối và sử dụng các sản phẩm thực phẩm có hàm lượng natri thấp.
- Nướng, hấp và luộc protein. Sử dụng cá nạc và gia cầm.
- Ăn một đĩa salad vào bữa trưa và bữa tối.
- Ăn ít thực phẩm chứa tinh bột, thay thế bằng rau ít tinh bột.
- Tránh táo bón bằng cách uống đủ nước và tăng cường tiêu thụ chất xơ.
Lên lịch khám định kỳ với chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp người bệnh đang nhận được dinh dưỡng phù hợp mà cơ thể cần đồng thời không tăng cân quá mức do sử dụng steroid và giảm mức độ hoạt động.
Bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa cũng có thể giúp giải quyết các vấn đề như táo bón và bác sĩ chuyên khoa ngôn ngữ trị liệu hỗ trợ về chứng khó nuốt. Hỏi ý kiến tư vấn của bác sĩ điều trị và chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng một kế hoạch phù hợp với chế độ dinh dưỡng phù hợp với bệnh Duchenne.
Thu Hiền (theo báo SK&ĐS)