08/01/2025
Điều gì xảy ra khi bạn bị huyết áp thấp
Lượt xem: 52
Huyết áp thấp cũng gây nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh thậm chí có thể gây tác động xấu đến các cơ quan trong cơ thể. Vậy nếu bị huyết áp thấp bạn nên làm gì?
Hỏi: Tôi nghe nói huyết áp thấp thì không gây nguy hiểm như huyết áp cao. Làm cách nào để biết huyết áp của mình thấp hay cao? (Bùi Xuân B - Hưng Yên).
Theo ThS.BS Nguyễn Thu Huyền (Khoa Nội tim mạch - Bệnh viện 19-8), nhiều người thường nghĩ rằng huyết áp cao mới gây nguy hiểm và ảnh hưởng đến sức khỏe. Thực tế rằng nếu chỉ số huyết áp xuống thấp cũng gây ra tác động xấu đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Huyết áp thấp do đâu? Huyết áp thấp hay còn gọi là hạ huyết áp diễn ra khi lực máu tạo ra tác động lên thành mach máu ở mức thấp hơn so với bình thường. Vậy huyết áp bình thường là bao nhiêu? Là khi huyết áp tâm trương dưới 80mmHg và/hoặc huyết áp tâm thu dưới 120mmHg. Huyết áp thấp là bao nhiêu? Huyết áp thấp được chẩn đoán nếu huyết áp tâm thu < 90mmHg hoặc huyết áp tâm trương < 60 mmHg.
Huyết áp thấp có nguy hiểm không?
Nhiều người thắc mắc vậy huyết áp thấp có nguy hiểm không? Câu trả lời là có. Nếu tình trạng huyết áp thấp kéo dài, người bệnh không được điều trị sẽ khiến máu đến các cơ quan không được đảm bảo nhất là não bộ.
Trong trường hợp nhẹ có thể gây ra các hiện tượng như chóng mặt, đau đầu thường xuyên khiến chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng. Thậm chí nếu các cơ quan thần kinh bị ảnh hưởng có thể khiến người bệnh đột nhiên ngất xỉu. Trường hợp nặng hơn người bệnh có thể bị ảnh hưởng đến tính mạng khi:
- Huyết áp hạ đột ngột có thể khiến người bệnh ngất, chóng mặt khi máu lên não không đủ. Thường gặp khi cơ thể bị mất nước do tiêu chảy hoặc khi gặp chấn thương gây mất máu.
- Khi huyết áp thấp, tim sẽ đập nhanh hơn và có thể khiến người bệnh choáng váng từ đó làm tăng nguy cơ bị chấn thương, té ngã, va đập…
- Với những người bị huyết áp thấp, khi về già sẽ gặp tình trạng suy giảm trí nhớ. Vì huyết áp thấp máu không đủ để nuôi dưỡng tế bào thần kinh từ đó dẫn đến chức năng của hệ thần kinh cũng suy giảm theo.
- Tỷ lệ nhồi máu não ở người huyết áp thấp cao hơn 25% so với người bình thường.
- Các cơ quan khác trong cơ thể cũng dễ bị suy yếu bao gồm: gan, phổi, thận…
Huyết áp thấp nên làm gì?
Người bệnh cần biết những biểu hiện của huyết áp thấp để có cách xử trí kịp thời và điều trị trong trường hợp cần thiết. Bởi đôi khi các biểu hiện của huyết áp thấp thường bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác:
- Dễ bị ngất đột ngột hoặc sau khi ăn no, thay đổi tư thế đột ngột.
- Sợ lạnh và thường xuất hiện cảm giác này nhiều về đêm.
- Da dẻ nhợt nhạt, xanh xao, môi tím tái.
- Thường xuyên thấy choáng váng, hay hoa mắt, chóng mặt, đau đầu.
- Thấy cơ thể mệt mỏi, thiếu tập trung và thiếu năng lượng.
- Rối loạn giấc ngủ: ngủ gà hay buồn ngủ vào ban ngày, mất ngủ.
- Chất lượng cuộc sống giảm sút và giảm ham muốn tình dục.
- Mạch nhanh, tim đập nhanh và có cảm giác khó thở, tức ngực, vã mồ hôi.
Khi đã được chẩn đoán huyết áp thấp người bệnh ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ thì trong cuộc sống hàng ngày cũng cần một số lưu ý sau đây để hạn chế nguy cơ biến chứng nặng của bệnh.
- Có chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dinh dưỡng. Người mắc huyết áp thấp không nên để cơ thể rơi vào tình trạng đói. Bởi lúc này dễ khiến hạ đường huyết, tụt huyết áp vô cùng nguy hiểm đặc biệt là khi tham gia giao thông hoặc lúc thời tiết nắng nóng.
- Uống đủ nước. Mỗi ngày người bệnh cần uống đủ từ 2-3 lít nước hoặc có thể dùng thêm các loại dung dịch bù điện giải theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Có chế độ sinh hoạt khoa học. Người bệnh cần ngủ đủ giấc, ngủ đúng giờ, có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý. Người huyết áp thấp cần duy trì tập luyện thể thao đều đặn đồng thời hạn chế các thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu bia.
- Đặc biệt người bệnh huyết áp thấp nên hạn chế thay đổi tư thế đột ngột.
Phạm Hường (theo báo SK&ĐS)