Chén rượu ngày Xuân gây nguy hiểm khi dùng chung với thuốc như thế nào?
Trong những ngày Tết cổ truyền, chén rượu mừng Xuân là không thể thiếu trên các bàn tiệc. Tuy nhiên, nét văn hóa này lại có thể gây nguy hiểm cho một số người đang uống thuốc điều trị các bệnh mạn tính. Bởi sự kết hợp này có thể gây ra tương tác thuốc có hại cho sức khỏe của người bệnh.
Rượu làm thay đổi quá trình chuyển hóa thuốc, dẫn đến nồng độ thuốc trong máu tăng cao và làm tăng nguy cơ tác dụng phụ hoặc phản ứng độc hại. Một số thuốc trở nên cực nguy hiểm khi uống cùng với rượu:
1. Tương tác thuốc chống trầm cảm với rượu có thể gây tăng huyết áp đột ngột
Thuốc chống trầm cảm đặc biệt là thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOI) như tranylcypromine và phenelzine, có thể khiến huyết áp tăng đột ngột khi kết hợp với tyramine, một loại acid amin có trong rượu vang đỏ và bia. Khi uống với rượu có thể làm tăng nguy cơ quá liều thuốc và tăng các tác dụng phụ của thuốc khiến người bệnh mệt mỏi hơn, buồn ngủ, chóng mặt, suy giảm khả năng kiểm soát và phối hợp vận động, khó thở, tổn thương tim.
Thuốc chống trầm cảm không nên uống với rượu bao gồm: Sertraline, bupropion, fluoxetine/olanzapine, paroxetin, desvenlafaxine, duloxetine…
2. Thuốc trị bệnh đái tháo đường + rượu gây hạ đường huyết
Việc uống rượu với các thuốc trị đái tháo đường có thể khiến lượng đường trong máu thấp, huyết áp thay đổi đột ngột, nhịp tim nhanh, đau đầu, buồn nôn và nôn. Do đó, người bệnh đang điều trị đái tháo đường với các thuốc chlorpropamide, metformin, glipizide, glyburide, glibenclamide, tolbutamide, tolazamide… không nên uống rượu.
3. Thuốc kháng histamin + rượu gây buồn ngủ quá mức
Thuốc kháng histamin có tác dụng phụ là gây buồn ngủ và chóng mặt. Rượu cũng gây ra các triệu chứng này, khi kết hợp cùng nhau có thể gây buồn ngủ, chóng mặt quá mức, khiến người bệnh giảm khả năng phán đoán, phối hợp và phản ứng chậm hơn. Không những thế, sự kết hợp giữa rượu và thuốc kháng histamin điều trị cảm lạnh/dị ứng còn làm tăng nguy cơ quá liều thuốc.
Tốt nhất nên tránh uống rượu khi đang dùng các loại thuốc: Diphenhydramine, claritin, loratadine, brompheniramine, cetirizin…
4. Thuốc trị tăng huyết áp
Thuốc dùng để điều trị tăng huyết áp (lisinopril, amlodipine, hydrochlorothiazide, clonidine…) có thể gây chóng mặt, ngất xỉu, buồn ngủ quá mức, loạn nhịp tim hoặc các vấn đề về tim khác khi uống cùng với rượu.
5. Thuốc trị mất ngủ
Thuốc điều trị mất ngủ và rượu đều có tác dụng an thần, do đó khi dùng đồng thời có thể làm tăng tác dụng an thần, khiến bạn chậm chạp, suy giảm khả năng kiểm soát vận động, thở chậm, thậm chí ngất xỉu (nếu nghiêm trọng). Không những thế, khi kết hợp rượu với thuốc trị mất ngủ có thể khiến giấc ngủ bị gián đoạn, làm giảm tác dụng của thuốc ngủ.
Do đó nên tránh uống rượu khi đang uống các thuốc: Zolpidem, eszopiclone, temazepam, doxylamine, estazolam, diphenhydramine…
Rượu làm thay đổi quá trình chuyển hóa thuốc, dẫn đến nồng độ trong máu tăng cao và làm tăng nguy cơ tác dụng phụ hoặc phản ứng độc hại.
Phạm Hường (tổng hợp)