image banner
Cần làm gì khi thấy có người bị đột quỵ
Lượt xem: 343
Bệnh đột quỵ xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho một phần não bị gián đoạn đột ngột, khiến các tế bào não chết vì chúng dựa vào máu để nhận oxy và chất dinh dưỡng duy trì sự sống. Tình trạng đột quỵ hiện nay xảy ra ngày càng nhiều, vậy làm thế nào chúng ta nhận biết người có dấu hiệu bị đột quỵ và cần làm gì khi thấy có người bị đột quỵ. Bs Trần Trọng Nhân – Phòng khám đa khoa Pasteur đã chia sẻ những thông tin rất cần thiết về bệnh lý đột quỵ này.

1. Đột quỵ có thể xảy ra dưới ba dạng chính, mỗi dạng đều có nguyên nhân riêng:

  1. Đột quỵ xuất huyết não: xảy ra khi mạch máu bị vỡ và rò rỉ máu vào trong hoặc xung quanh não, chèn ép nhu mô não.
  2. Đột quỵ do thiếu máu não cục bộ: xảy ra khi động mạch cung cấp máu cho một phần não bị tắc nghẽn do tắc mạch hoặc xơ vữa động mạch, có thể dẫn đến tổn thương vĩnh viễn trên não và suy giảm chức năng.
  3. Các cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA) cũng xảy ra khi một động mạch cung cấp máu cho một phần não bị tắc nghẽn, mặc dù chỉ là tạm thời.

Mặc dù chúng chỉ kéo dài trong vài phút và thường không gây tổn thương não lâu dài, TIA cần được điều trị y tế kịp thời vì chúng cho thấy nạn nhân có thể bị bệnh đột quỵ hoàn toàn trong vài ngày hoặc vài tuần tới.

 

2. Làm sao chúng ta biết người nào đó đang bị đột quỵ?

Stroke Foundation đề nghị hỏi những câu hỏi nhanh (FAST) để xác định các dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh đột quỵ:

  1. F = Face Drooping (Mặt rũ xuống): Một bên mặt hay miệng có bị xệ xuống hay bị tê không? Yêu cầu người đó mỉm cười. Nụ cười của người đó có không đều đặn không?
  2. A = Arm Weakness (Yếu cánh tay): Một cánh tay có bị yếu hoặc bị tê không? Yêu cầu người đó giơ cả hai tay lên. Một cánh tay có bị trôi xuống dưới không?
  3. S = Speech Difficulty (Khó khăn khi nói): Nói có bị líu lưỡi không? Họ có hiểu bạn nói không?
  4. T = Time to call 115: Thời gian là yếu tố rất quan trọng. Gọi 115 ngay nếu bạn thấy bất kỳ các dấu hiệu này.

3. Những dấu hiệu khác của bệnh đột quỵ

Yếu cơ mặt, yếu cánh tay và nói khó là những triệu chứng hoặc dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh đột quỵ, nhưng chúng không phải là những dấu hiệu duy nhất. Những dấu hiệu sau đây của bệnh đột quỵ có thể xảy ra riêng biệt hoặc kết hợp với nhau:

  • Yếu hoặc tê hoặc mất cảm giác ở mặt, tay hoặc chân một bên hoặc cả hai bên của cơ thể
  • Nói khó hoặc khó hiểu
  • Chóng mặt, mất thăng bằng hoặc té ngã mà không biết lý do
  • Mất thị lực, đột ngột bị mờ hoặc giảm thị lực ở một hoặc cả hai mắt
  • Nhức đầu, thường là bị bất chợt và dữ dội hoặc thay đổi chu kỳ nhức đầu mà không giải thích được
  • Nuốt khó

Đôi khi các dấu hiệu này biến mất trong thời gian ngắn, như là vài phút. Đây có thể là cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (transient ischaemic attack, viết tắt là TIA). Sau khi bị TIA, nguy cơ bị bệnh đột quỵ của bạn sẽ cao hơn. Bệnh đột quỵ có thể dẫn đến tử vong hoặc khuyết tật. TIA là một cảnh báo cho biết bạn có thể bị bệnh đột quỵ và là cơ hội để ngăn ngừa bệnh đột quỵ xảy ra.

Nếu bạn hoặc ai đó có những dấu hiệu của bệnh đột quỵ, không cần biết kéo dài bao lâu, lập tức gọi 115.

Anh-tin-bai 

Tư thế hồi phục cần thực hiện cho người bệnh đột quỵ

 4. Phải làm gì nếu ai đó bị đột quỵ

Nếu một người có dù chỉ một dấu hiệu trong bài kiểm tra FAST phía trên hoặc các triệu chứng nghi ngờ đột quỵ, hãy gọi ngay cho 115.

Trong khi chờ xe cứu thương, hãy tham khảo hướng dẫn sơ cứu sau:

  • Giúp nạn nhân có tư thế thoải mái, đồng thời đảm bảo rằng đường thở của họ không bị tắc nghẽn và nhiệt độ cơ thể của họ vẫn ở mức bình thường.
  • Nói chuyện với nạn nhân một cách trấn an, ngay cả khi họ bất tỉnh.
  • Nếu nạn nhân bất tỉnh nhưng vẫn thở bình thường, hãy chuyển họ sang tư thế hồi phục (recovery position).
  • Thường xuyên quan sát các dấu hiệu xấu đi – nếu họ ngừng thở bình thường, hãy làm theo DRSABCD và chuẩn bị thực hiện [hô hấp nhân tạo.
  1. Tư thế hồi phục (recovery position) là gì?

Nếu một người bất tỉnh nhưng vẫn thở và không có tình trạng nguy hiểm đến tính mạng nào khác, họ nên được đặt ở tư thế hồi phục. Điều này sẽ giữ cho đường thở của họ thông thoáng và đảm bảo rằng bất kỳ chất nôn hoặc chất lỏng nào khác sẽ không khiến họ bị sặc.

  1. DRSABCD là gì?
  • D (Danger): Nguy hiểm, cần loại trừ hoặc tránh xa mối nguy hiểm, đảm bảo bạn và nạn nhân được an toàn
  • R (Response): Đáp ứng, để kiểm tra xem nạn nhân còn tỉnh táo không. Một số câu hỏi giúp đánh giá:

– Bạn có thể nghe tôi không?

– Mở mắt ra.

– Tên bạn là gì?

– Siết chặt tay tôi.

  • S (Send for help): Gửi yêu cầu giúp đỡ, như là: Kêu cứu những người gần đó. Gọi xe cứu thương
  • A (Airway): Đường thở. Kiểm tra đường thở của bệnh nhân có tắc nghẽn do các nguyên nhân nào không. Đeo găng tay và moi sạch mọi thứ gây cản trở đường thở
  • B (Breathing): Hơi thở. Kiểm tra xem nạn nhân có thở không, không dùng quá 10 giây để đánh giá

– Nhìn xem ngực có lên xuống không

– Lắng nghe âm thanh của hơi thở bình thường ở miệng

– Cảm nhận không khí áp vào má bạn

Trong vài phút đầu tiên sau khi ngừng tim, nạn nhân có thể thở hổn hển, rên rỉ hoặc thở dài không thường xuyên, chậm và ồn ào. Kiểu thở này không hiệu quả và nên được coi là ‘không thở’.

  • C (CPR): Hồi sức tim phổi. Cần được thực hiện ngay khi một người bất tỉnh và không thở.

– Đặt nạn nhân ngửa mặt, nằm ngửa, đặt gót bàn tay của bạn lên giữa ngực họ, tay kia đặt lên trên.

– Ấn mạnh xuống khoảng 1/3 độ sâu của ngực – khoảng 5cm hoặc 4cm đối với trẻ nhỏ.

– Sau 30 lần ấn ngực, hãy thổi ngạt 2 lần (nếu bạn cảm thấy thoải mái khi ngậm miệng). Để thực hiện, hãy nghiêng đầu người đó ra sau và nâng cằm họ lên, véo mũi họ và đặt miệng của bạn lên miệng họ.

– Tỷ lệ ấn là 30:2 (30 lần ấn sẽ thổi ngạt 2 nhịp), tức là khoảng 100-120 lần ấn mỗi phút.

– Người lớn thì lấy hơi hết sức, lấy hơi mức nông đối với trẻ em và chỉ 2 hơi đối với trẻ sơ sinh.

– Thổi ngạt là tùy chọn. Nếu bạn không thoải mái với việc ngậm miệng, hãy áp dụng phương pháp ép tim.

– Tiếp tục CPR cho đến khi nạn nhân phản ứng hoặc cho đến khi nhân viên y tế đến tiếp quản.

  • D (Defibrillation): Máy khử rung tim. Ở mình, máy khử rung tim tự động cầm tay không phổ biến, do đó thường được xử trí sau khi nhân viên y tế đến và mang theo máy, do đó sẽ không đề cập ở đây

 

Thái Thuý (Tổng hợp)

THÔNG BÁO
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ NGHỆ AN
Chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Y tế Nghệ An
Địa chỉ: Số 18 - Đường Trường Thi - Tp.Vinh - Nghệ An
Điện thoại: (0238) 3844 791 - Fax: 038 3 844 791 - Email:yt@nghean.gov.vn
Đường dây nóng: 0966.64.14.14